MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạt lúa mì làm ‘điêu đứng’ thế giới: Kẻ mạnh giành nhau, kẻ nghèo gặp hạn, 'đứng im' vẫn làm rung chuyển cả nền kinh tế-xã hội toàn cầu

23-12-2022 - 12:50 PM | Tài chính quốc tế

Hạt lúa mì làm ‘điêu đứng’ thế giới: Kẻ mạnh giành nhau, kẻ nghèo gặp hạn, 'đứng im' vẫn làm rung chuyển cả nền kinh tế-xã hội toàn cầu

Quá trình thay đổi thói quen ăn uống của người dân trên toàn thế giới có thể gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong tình hình hiện nay.

Bánh mì vòng của New York, bánh ngọt của Bắc Kinh hay mì ăn liền của Jakarta đều là những món ăn quen thuộc của hàng tỷ người trên thế giới hiện nay. Nhưng nhiều năm về trước, nếu là người Indonesia, họ sẽ chọn một bát cơm nóng hổi hoặc một củ khoai lang thơm phức nếu là người Trung Quốc.

Thu nhập tăng, văn hóa phương Tây du nhập mạnh và các hoạt động nông nghiệp có xu hướng tập trung vào các loại nông sản cụ thể đã khiến thói quen ăn uống của nhiều người trở nên giống nhau. Đồng thời con người hiện nay bị phụ thuộc quá nhiều vào thực phẩm nhập khẩu.

Lúa mì là thực phẩm phổ biến bậc nhất hiện nay nhưng chỉ được sản xuất bởi một số ít quốc gia. Khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gây gián đoạn hoạt động thương mại, giá của nó đã tăng 40%.

Việc tranh giành nguồn cung giữa các quốc gia cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nhưng không phải chỉ có các cuộc xung đột quân sự mới có thể gây ra biến động về giá cả và sản lượng lương thực nhập khẩu. Biến đổi khí hậu và biến động tiền tệ cũng là những nguyên nhân chính. Đây là vấn đề cấp bách của thế giới và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các quốc gia kém phát triển.

Theo Fatima Hachem, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), sự phụ thuộc vào một số loại lương thực cụ thể như lúa mì có thể khiến người dân gặp khủng hoảng nếu quá trình nhập khẩu “có biến”.

Tình hình lương thực thế giới biến động đã đánh thức tâm trí con người về nguồn thực phẩm truyền thống bị lãng quên. Ví dụ Indonesia - quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn thứ 2 thế giới nay đã quay về tập trung phát triển nguồn nông sản nội địa.

Hạt lúa mì làm ‘điêu đứng’ thế giới: Kẻ mạnh giành nhau, kẻ nghèo gặp hạn, đứng im vẫn làm rung chuyển cả nền kinh tế-xã hội toàn cầu - Ảnh 1.

Năm 1961, gạo và sắn là nguồn cung cấp năng lượng (calo) chính trong chế độ ăn uống của người Indonesia. Ngược lại, ở Anh và Mỹ, gần 1/4 lượng calo trong ngày đến từ lúa mì, tiếp theo là thịt lợn và khoai tây, theo phân tích của Bloomberg News từ dữ liệu của Liên Hợp Quốc.

Sang năm 2019, sự khác biệt về chế độ ăn uống đã thu hẹp. Người Indonesia không còn tiêu thụ quá nhiều sắn hay gạo nữa. Tỷ lệ người dân lựa chọn sắn làm nguồn cung cấp năng lượng chính trên tổng dân số đã giảm xuống còn 6%. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng lúa mì đã tăng từ 0% lên 8%.

Những thay đổi tương tự cũng xảy ra trên toàn thế giới, đáng chú ý nhất là ở các nước châu Á và châu Phi. Một chế độ ăn giống nhau đã “âm thầm” hình thành, với phần lớn là các thực phẩm nhiều tinh bột, chất béo và ít các chất dinh dưỡng hơn.

Peter Timmer, giáo sư danh dự tại Đại học Harvard, người đã tư vấn cho các chính phủ châu Á về khủng hoảng lương thực, cho biết: “Thật ngạc nhiên là các mô hình ăn uống đã có sự thay đổi chóng mặt. Ở châu Âu, phải mất một trăm năm để những mô hình ăn lúa mì, thịt lợn này phát triển, nhưng nó đã xảy ra chỉ trong 20 hoặc 30 năm ở châu Á”.

Trong số 6.000 loại thực vật mà con người đã ăn theo thời gian, thế giới hiện nay chủ yếu ăn 9 loại. Trong đó chỉ có 3 loại: gạo, lúa mì và ngô cung cấp 50% tổng lượng calo. Tiêu thụ thịt và sữa đã tăng vọt, trong đó thịt lợn là loại thịt được tiêu thụ rộng rãi nhất.

Hạt lúa mì làm ‘điêu đứng’ thế giới: Kẻ mạnh giành nhau, kẻ nghèo gặp hạn, đứng im vẫn làm rung chuyển cả nền kinh tế-xã hội toàn cầu - Ảnh 2.

Phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu

Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ ăn uống cũng khiến các quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào sản phẩm nhập khẩu như lúa mì. Đồng thời, khi có chung khẩu vị - con người sẽ cùng tiêu thụ một số loại nông sản nhất định khiến các quốc gia có khí hậu và hoạt động canh tác phù hợp với nông sản đó trở thành nơi sản xuất và phân phối tỷ trọng lớn.

Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ năm thế giới, chiếm khoảng 25-30% nguồn cung lúa mì toàn cầu. Nhưng sự tranh chấp giữa Nga và Ukraine khiến các nước phụ thuộc nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời, theo phân tích từ Liên Hợp Quốc, xung đột giữa Nga và Ukraine có thể gây ra thảm họa lạm phát và khiến 71 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

Một vấn đề đau đầu khác là đồng đô la Mỹ tăng mạnh nhưng hàng hóa nông nghiệp toàn cầu thường được định giá bằng đồng tiền này.

Khí hậu khắc nghiệt cũng gây ra nhiều rủi ro cho nguồn cung. Ví dụ như lũ lụt ở Úc hay hạn hán ở Ấn Độ. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, tổng sản lượng nông sản toàn cầu có thể giảm khoảng 30% do biến đổi khí hậu, trong khi nhu cầu lương thực dự kiến sẽ tăng 50% trong những thập kỷ tới.

Các nước “nghèo” sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn các nước phát triển trong cuộc khủng hoảng lương thực này.

Trước khó khăn, con người đã dần quan tâm trở lại tới các loại thực phẩm truyền thống như cao lương, lúa mạch đen, sắn, hạt ngũ cốc fonio, khoai lang và khoai mỡ, vốn đã bị lãng quên khi các loại thực phẩm nhập khẩu “cao siêu” khác thay thế. Hạt kê và đậu cỏ có thể trở thành nguồn thực phẩm “cấp cứu” trong thời kỳ hạn hán và mất mùa.

Tại Indonesia, để khắc phục tình trạng nhập khẩu lương thực quá nhiều, tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị cho các bộ trưởng thiết lập kế hoạch có lộ trình rõ ràng để mở rộng diện tích trồng lúa miến tăng thêm 200% trong vòng hai năm tới. Quốc gia này cũng cung cấp thiết bị chuyên dụng miễn phí để giúp nông dân có thể chế biến lúa miến để bán.

Cơ hội mới

Để hạn chế tác động từ khủng hoảng lương thực, nhiều quốc gia đã có các sách lược “tự cung tự cấp”. Tại Indonesia, một số công ty địa phương đã phát triển các sản phẩm sử dụng các nông sản khác thay thế cho lúa mì. Ví dụ sợi mì Indomie sẽ được làm từ sắn. Tuy nhiên các sản phẩm này sẽ đắt hơn và chỉ bán online.

Hay các quốc gia Tây Phi đã gia tăng sản xuất hạt fonio - một loại ngũ cốc giàu chất dinh dưỡng không cần nhiều phân bón để trồng nhưng đã bị lãng quên từ lâu.

Ở Ai Cập, nhà sản xuất mì ống Egypt Swiss Group cũng đang thử nghiệm các công thức nấu ăn mới sử dụng gạo, ngô và bột đậu lăng. Trong khi tại Congo, chính phủ đang hỗ trợ chương trình làm bánh mì và bánh ngọt từ bột sắn.

Đây sẽ là một chặng đường dài để các sáng kiến có đủ khả năng hạn chế ảnh hưởng từ việc nhập khẩu. Hiện tại, Indonesia nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn lúa mì hàng năm. Mục tiêu hiện tại của chính phủ nước này sẽ là trồng thêm 40.000ha cao lương vào năm 2024.

Tham khảo: Bloomberg

Thùy Trang

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên