MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Học để lấy điểm cao” hay “học để dùng trong cuộc sống” – câu hỏi không dễ trả lời từ đề thi lạ của ĐH FPT

15-05-2019 - 21:04 PM | Sống

Chưa bao giờ gây tranh cãi về mức độ khó của đề “phù hợp với giáo viên hay học sinh”, nhưng đề thi sơ tuyển hàng năm của ĐH FPT vẫn biết cách khiến cộng đồng mạng phải chú ý bởi những câu chuyện cụ thể và thiết thực được bàn luận trong đề. Chủ đề bài luận vào ngày 12/5 vừa rồi là một ví dụ điển hình.

“Học để lấy điểm cao” hay “học để dùng trong cuộc sống” – câu hỏi không dễ trả lời từ đề thi lạ của ĐH FPT - Ảnh 1.

Đề thi luận độc đáo của Trường ĐH FPT cho thí sinh thoả sức múa bút bày tỏ quan điểm và khả năng lập luận.

Cụ thể, đề thi yêu cầu thí sinh bàn luận về 2 ý kiến trái chiều xung quanh việc học ngoại ngữ của 2 học sinh:

"Hai học sinh lớp 12 trao đổi về việc học ngoại ngữ.

Học sinh A: "Tớ học ngoại ngữ được điểm cao mà không dùng được vào việc gì, tớ cho rằng học ngoại ngữ phải thuộc nhiều từ vựng, nắm vững cấu trúc câu, biết nhiều thành ngữ… Phải học rất nhiều năm mới sử dụng được".

Học sinh B: "Mình học ngoại ngữ trong ngữ cảnh, bắt chước và áp dụng. Mặc dù điểm ngoại ngữ của mình chỉ đạt trung bình, nhưng mình có thể sử dụng để giao tiếp, tìm và đọc thông tin trên internet khá thoải mái".

Bạn đồng tình với ý kiến nào trên đây?

Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn. Củng cố quan điểm và lập luận của bạn bằng các ví dụ từ sách báo, trải nghiệm cá nhân hoặc quan sát từ cuộc sống".

So với đề luận các năm trước, nội dung năm nay dường như "hiền" hơn nhưng vẫn được đánh giá cao nhờ sự gần gũi và thiết thực. "Học để làm gì", "học ở trường đời hay trong sách vở" vốn là những câu hỏi không mới nhưng luôn gây nên nhiều luồng quan điểm trái chiều mỗi khi được đưa ra bàn luận. Chưa kể, đây còn là vấn đề thường xuyên được quan tâm của giáo dục trong nhiều năm khi chiến lược phát triển luôn bị mắc kẹt giữa một bên là thành tích thi đua, một bên là sự trưởng thành thực sự của cá nhân người học.

Ra khỏi phòng thi với tâm trạng khá thoải mái, thí sinh Trịnh Phương Thảo (Lê Chân, Hải Phòng) nhận xét: "Đề văn ra sát với thực tế nên em thấy rất hay. Nó không như các đề văn trong trường phổ thông. Với đề này, em có thể tư duy những gì mình muốn mà không nhất thiết phải theo barem điểm của các thầy cô giáo".

Được biết, ĐH FPT đã duy trì hình thức ra đề này từ năm đầu tiên tuyển sinh (2007). Qua 12 năm, nhiều đề thi của trường đã "gây sốt" cho cộng đồng mạng như: quan niệm về hạnh phúc; quan hệ mục đích – phương tiện; vấn đề trinh tiết của người phụ nữ; giá trị thực sự của tiểu thuyết, khoa học viễn tưởng… Bài thi luận kéo dài trong 60 phút, với tổng điểm cao nhất là 15.

“Học để lấy điểm cao” hay “học để dùng trong cuộc sống” – câu hỏi không dễ trả lời từ đề thi lạ của ĐH FPT - Ảnh 2.

Trong phần thi trắc nghiệm, thí sinh sẽ có 120 phút cho 90 câu hỏi. Phần thi này thí sinh không được dùng máy tính, nhưng được tha hồ dùng kiến thức nền tảng và tư duy logic để hoàn thành bài thi.

Trước đó, thí sinh đăng ký dự thi sơ tuyển phải trải qua bài kiểm tra tư duy logic và kiến thức tổng quát kéo dài 120 phút với 90 câu trắc nghiệm. Đề không cho phép thí sinh dùng máy tính nên toàn bộ các phép toán sẽ phải thực hiện thủ công.

Cấu trúc 2 bài thi sơ tuyển được xây dựng dựa trên các dạng đề GMAT, GRE và LSAT vốn được sử dụng rộng rãi tại Mỹ. Đặc trưng của dạng đề này là tập trung đánh giá tư duy phân tích và giải quyết vấn đề của thí sinh thay vì kiểm tra khả năng ghi nhớ trong các dạng đề thi truyền thống. Bởi vậy, nếu lần đầu làm bài, thí sinh có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm quen với cách đặt câu hỏi khá lạ. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị kĩ lưỡng thì những thách thức trong đề sẽ trở nên "dễ thở" hơn rất nhiều.

“Học để lấy điểm cao” hay “học để dùng trong cuộc sống” – câu hỏi không dễ trả lời từ đề thi lạ của ĐH FPT - Ảnh 3.

Đề thi của ĐH FPT được đánh giá là kiểm tra được kiến thức, năng lực tư duy và khả năng lập luận của thí sinh.

"Em nghĩ đề thi năm nay không quá khó với các bạn. Đề không có quá nhiều câu đánh đố nhưng đòi hỏi phải suy luận logic và nắm rất chắc kiến thức nền tảng, nên em vẫn có thể làm được" – thí sinh Nguyễn Huy Dũng (Tứ Kỳ, Hải Dương) tự tin về bài làm của mình sau khi rời khỏi phòng thi.

Năm nay, ĐH FPT tuyển sinh thêm các chuyên ngành mới, trong đó phải kể đến các chuyên ngành hot là Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Digital Marketing và Ngôn ngữ Hàn (dành riêng cho cơ sở Cần Thơ). Đây đều là những chuyên ngành "hot" với mức thu nhập và nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao. Bởi vậy kì sơ tuyển vào ĐH FPT đang trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.

Theo Quang Vũ

Trí thức trẻ

Trở lên trên