[How they do] Vì sao là cái nôi bóng đá, có giải ngoại hạng đình đám nhất hành tinh nhưng đội tuyển Anh hơn 40 năm vẫn chưa thể vô địch World Cup?
Mặc dù sở hữu giải đấu bóng đá hấp dẫn đông người xem nhưng đội tuyển Anh lại thi đấu dưới kỳ vọng thời gian qua. Họ chưa thể đạt được chức vô địch World Cup lần nào kể từ năm 1966 khi họ đăng cai, và cũng chưa lần nào vô địch Châu Âu (UEC) dù đã tham dự vài chục năm qua.
- 27-06-2018Argentina vượt qua cửa tử, Messi vẫn tung hoành ở World Cup 2018
- 26-06-20185 cảnh báo, 3 lời khuyên sức khỏe mùa World Cup: Đừng bỏ qua để có thể lực dồi dào theo dõi những trận cầu đỉnh cao!
- 25-06-2018Đây chính là 'đầu não' của World Cup 2018, nơi hình ảnh các trận đấu được chuyển đi toàn thế giới
Năm 2014, báo cáo kiểm toán của Deloitte cho thấy giải ngoại hạng Anh đem lại doanh thu 5,02 tỷ US. Rõ ràng, bóng đá đem lại nguồn lợi nhuận cực lớn cho Anh cũng như nâng tầm phát triển của cả một môn thể thao vua.
Vậy làm thế nào Anh phát triển được một giải bóng đá nổi tiếng như vậy?
Cái nôi của môn thể thao vua
Hiện vẫn chưa có đáp án cuối cùng về khởi nguyên của bóng đá. Trong khi một số chuyên gia cho rằng bóng đá bắt nguồn từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 2-3 trước công nguyên thì những người khác lại cho rằng chúng bắt nguồn từ La Mã cổ đại.
Tại Anh, do ảnh hưởng của đế quốc La Mã nên môn bóng đá cũng được du nhập. Những bằng chúng sớm nhất cho thấy từ thời trung cổ, người Anh đã biết chơi bóng đá. Thậm chí vào năm 1526, vua Henry VIII đã đặt làm riêng một đôi giày cho môn thể thao này.
Tại thời kỳ này, bóng đá Anh khá bạo lực và mang tính sơ khai khi các cầu thủ lao vào đánh nhau giành trái bóng. Hầu hết các cầu thủ đều chấn thương nặng sau mỗi trận đấu.
Đến thế kỷ 19, bóng đá bắt đầu lan rộng ở Anh và những luật lệ mới dần được ban hành. Dẫu vậy tình trạng bạo lực trong bóng đá vẫn tiếp diễn do quá trình công nghiệp hóa và các cuộc khủng hoảng khiến nhiều người mất việc, lâm vào tình trạng nghiện ngập và thích đánh lộn.
Dần dần, sự phát triển của môn thể thao này khiến nhiều câu lạc bộ bóng đá tại Anh được thành lập vào khoảng năm 1857, trở thành những câu lạc bộ bóng đá đầu tiên trên thế giới. Đi kèm với đó là những giải đấu quốc nội (vào khoảng 1871-1888) cùng với việc tổ chức các giải đấu giao hữu quốc tế đầu tiên trên toàn cầu (thập niên 1870) đã khiến Anh được nhiều người công nhận là cái nôi của môn thể thao vua này.
Giải thi đấu quốc nội hấp dẫn nhất hành tinh
Nói đến nền bóng đá Anh thì không thể không nói đến giải bóng đá ngoại hạng Anh (English Premier League-EPL), giải đấu bóng đá cho các câu lạc bộ chuyên nghiệp tại Anh và là giải đấu được xem nhiều nhất trên thế giới.
Sự hình thành nên EPL là một câu chuyện khá dài khi bóng đá Anh dần xuống cấp cuối thập niên 1980 sau cơn bùng nổ của những năm 1970 và đầu 1980. Sân vận động tại đây xuống cấp, cầu thủ phải sử dụng cơ sở vật chất nghèo nàn, tệ nạn cổ động viên quá khích (hooligan) đầy rẫy và nhiều câu lạc bộ bị cấm thi đấu tại các giải Châu Âu.
Trước tình hình này, các đội bóng lớn thống trị tại giải trong nước quyết định thành lập EPL vào năm 1992, tách biệt khỏi giải đấu Football League đã tồn tại từ năm 1888 nhằm tận dụng các hợp đồng bản quyền để tăng doanh thu, qua đó đầu tư lại cho nền bóng đá.
Hiện tại, EPL được phát sóng trên 212 vùng và lãnh thổ với khoảng 4,7 tỷ khán giả theo dõi thường xuyên. Trong mùa giải 2014-2015, EPL thu hút bình quân 36.000 khán giả tới sân mỗi trận và phần lớn các sân bóng được lấp đầy.
Để đạt được thành công này, EPL đã mở cửa cho các nhà đầu tư cũng như bãi bỏ giới hạn cầu thủ cho môn thể thao này. Hàng tỷ USD đã được đổ vào các câu lạc bộ, trung tâm huấn luyện để tạo nên các trận đấu hấp dẫn, thu hút bản quyền truyền hình, tiền bán vé, quảng cáo và vô vàn những nguồn thu khác.
Đặc biệt, EPL và các câu lạc bộ hoạt động như những công ty sinh lãi trong một tập đoàn tài chính, một tư duy rất khác so với các giải đấu La Liga (Tây Ba Nha) hay Seria A ( Italy), nơi vẫn mang tính chất cộng đồng.
Tại EPL, các nhà đầu tư nước ngoài được mời chào đổ tiền với những thương vụ khủng trong khi các câu lạc bộ niêm yết trên sàn chứng khoán như những công ty thực sự. Manchester United niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, Chelsea được tỷ phú Nga rót vốn, Liverpool được điều hành với Fenway Sports Group… tất cả đều hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sinh lãi.
Các câu lạc bộ Anh không giới hạn về mức rót vốn hay quyền sở hữu, kết quả là những dòng tiền khủng này quay vòng đầu tư cho các trận đấu, qua đó đem lợi nhuận trở về túi các ông chủ và kích thích các nhà đầu tư bỏ vào nhiều tiền hơn. Sự quay vòng này khiến EPL ngày càng trở nên hấp dẫn với chất lượng chuyên môn cao.
Tại EPL, các cầu thủ được trả lương rất cao trong khi đó ở những giải đấu khác, chỉ một số câu lạc bộ có tiềm lực tài chính mạnh mới làm được điều đó. Đây là lý do EPL thu hút được rất nhiều cầu thủ ngoại, qua đó càng thu hút thêm những khán giả từ nước ngoài. Ví dụ người Hàn Quốc sẽ hào hứng bật tivi xem Son Heung Min thi đấu cho Tottenham Hotspur hay người dân Senegal sẽ dõi theo Sadio Mane của Liverpool.
Bên cạnh đó, EPL cũng tổ chức nhiều chuyến du đấu nhằm quảng bá cho giải ngoại hạng Anh. Số tiền quảng cáo của giải cũng được các đội ngồi lại phân chia nhằm đảm bảo các câu lạc bộ nhà nghèo có đủ tiền để thi đấu. Chính điều này càng khiến EPL kịch tính hơn khi những đội bóng nhỏ đánh bại các đội lớn để giành ngôi vô địch.
Ngoài ra, những diễn biến kịch tính khi hàng loạt tỷ phú mua các đội bóng từ nhỏ đến lớn, những vụ chuyển nhượng tỷ đô nhưng cầu thủ chẳng thể ghi bàn hay huấn luyện viên bị sa thải dù thành tích tốt cũng khiến EPL hấp dẫn hơn các giải đấu khác, nơi các đội bóng lớn chiếm áp đảo hoàn toàn những đội nhà nghèo.
Nguyên nhân khiến người Anh thua trận
Mặc dù sở hữu giải đấu bóng đá hấp dẫn đông người xem nhưng đội tuyển Anh lại thi đấu dưới kỳ vọng thời gian qua. Họ chưa thể đạt được chức vô địch World Cup lần nào kể từ năm 1966 khi họ đăng cai, và cũng chưa lần nào vô địch Châu Âu (UEC) dù đã tham dự vài chục năm qua.
Nguyên nhân được đưa ra là do EPL mở cửa thoáng cho các tỷ phú nước ngoài rót vốn nhằm tăng tính hấp dẫn cho giải đấu, nhưng chúng cũng khiến những câu lạc bộ vung tiền mua các ngôi sao nước ngoài về thi đấu hơn là tận dụng những tài năng trẻ của nước nhà.
Đội tuyển bóng đá Anh vô địch World Cup năm 1966
Chính điều này đã khiến nhiều cầu thủ Anh phải ngồi trên ghế dự bị để tài năng mai một, trong khi giải đấu hấp dẫn nhiều người xem ngập tràn những cầu thủ ngoại. Hơn nữa, việc vung tiền mua một cầu thủ tốt từ nước ngoài sẽ đêm lại lợi nhuận và hiệu quả cao hơn so với việc đào tạo cầu thủ trẻ. Hậu quả là các câu lạc bộ lớn hứng thú với những cuộc chuyển nhượng tỷ USD hơn là xây dựng cho nước Anh một thế hệ cầu thủ tài năng.
Trước tình hình này, chính phủ Anh đã có những giới hạn cấp visa cho các cầu thủ sang thi đấu và ra quy định yêu cầu các câu lạc bộ phải sử dụng cầu thủ nội. Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ mang tính ngắn hạn do thành công bóng đá cần cả một thế hệ cầu thủ tài năng được đào tạo bài bản và thi đấu thường xuyên chứ không phải một vài cá nhân xuất sắc.
Thời Đại