Ít ai chú ý đến những dấu hiệu này nhưng nó lại chứng tỏ bạn đang khỏe mạnh
Chỉ khi bạn biết được biểu hiện của cơ thể khỏe mạnh thì bạn mới dễ dàng nhận ra những khi mình bị bệnh.
- 19-08-2017Căn bệnh nguy hiểm chẳng kém gì ung thư đang bị bỏ quên
- 19-08-2017Hãy uống nước ấm thay nước lạnh đi! Bạn sẽ không ngờ được việc đó tốt đến thế này đâu
- 18-08-2017Rước họa vào thân vì làm điều này ngay sau ăn tối: Có thể bạn cũng mắc!
- 18-08-20175 dấu hiệu gan chứng tỏ đang nhiễm độc, bạn phải nhận biết ngay để "cứu" chính mình kịp thời
Hầu hết chúng ta chỉ chăm chăm soi xem mình có biểu hiện khác lạ nào trên cơ thể không để còn đi khám ngay cho kịp. Đây là điều cần thiết và rất quan trọng với sức khỏe. Thế nhưng, ngoài ra bạn cũng nên chú ý cả những dấu hiệu khác chứng tỏ mình đang khỏe mạnh..
Có người cho rằng, khỏe mạnh rồi thì tốt cần gì phải chú ý. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Chỉ khi bạn biết được biểu hiện của cơ thể khỏe mạnh thì bạn mới dễ dàng nhận ra những khi mình không khỏe. Bởi vậy, hãy nhớ, người khỏe mạnh là người có cả những dấu hiệu không ngờ như dưới đây nhé.
1. Kết nối xã hội tốt
Một số nghiên cứu thú vị nhất gần đây cho thấy, việc có bạn bè, mạng lưới hỗ trợ xã hội mạnh và các cơ hội tương tác đều rất tốt cho sức khỏe của bạn. Có thể thấy rõ đó là sức khỏe tinh thần. Nhưng các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đối tượng hưởng lợi còn bao gồm cả sức khỏe thể chất nữa.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tờ Journal of Health and Social Behavior, những người có nhiều kết nối xã hội hơn thì "khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn so với những người tự tách biệt bản thân". Trong số những phát hiện chủ chốt, nghiên cứu nhận thấy các mối quan hệ xã hội thực sự ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần và hành vi. Về cơ bản, không có khía cạnh nào trong sức khỏe toàn diện của con người lại không bị tác động bởi mức độ tách biệt và đơn độc của họ - hay ngược lại là những kết nối xã hội, tình bạn và các mối quan hệ lành mạnh.
Vậy tại sao kết nối xã hội lại có ảnh hưởng sâu sắc đến vậy tới sức khỏe nói chung của con người? Theo bản tin Women’s Health Watch của Harvard, kết nối xã hội "giúp làm dịu mức độ gây hại của stress, vốn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến động mạch vành, chức năng ruột, khả năng điều hòa insulin và hệ miễn dịch. Một dòng nghiên cứu khác cho thấy, những hành vi chăm sóc giúp giải phóng hormone giảm stress. Các nhà khoa học cũng nhận diện 1 loạt hành động đáp ứng tiêu chuẩn được coi là hỗ trợ xã hội, như đề nghị giúp đỡ hay lời khuyên nhủ, biểu hiện cảm xúc. Có một điểm cần nhấn mạnh nữa là: các tác động củng cố cuộc sống của các hỗ trợ xã hội mở rộng sang cả người trao và người nhận". Do đó, việc có bạn bè sẽ rất tốt cho bạn.
2. Chế độ ăn bao gồm rất nhiều trái cây, rau và chất béo có lợi cho sức khỏe
Mặc dù các trường phái, chế độ ăn uống có thể mâu thuẫn nhau trong việc xác định thế nào là cách ăn lành mạnh nhưng có một điểm ai cũng đồng tình: tầm quan trọng của trái cây, rau và chất béo có lợi cho sức khỏe.
Theo Trường Sức khỏe Cộng đồng Harvard, thường xuyên ăn trái cây, rau "có thể hạ huyết áp, giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ, ngăn ngừa một số dạng ung thư, hạ nguy cơ mắc bệnh về mắt và tiêu hóa và tác động tích cực đến đường huyết".
Sự phong phú và số lượng đều quan trọng như nhau bởi mỗi loại rau, trái lại khác nhau. "Không có loại trái cây hay rau nào cung cấp toàn bộ dưỡng chất mà bạn cần để khỏe mạnh". DO đó, quan trọng là ăn đa dạng mỗi ngày với càng nhiều màu rau trái càng tốt.
Theo tạp chí Time, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, chỉ cần thêm một thực phẩm tốt cho sức khỏe vào chế độ ăn - thậm chí trong khoảng thời gian nhiều năm - đối lập với việc thay đổi triệt để chế độ ăn chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần – có thể tác động tích cực tới sức khỏe và tuổi thọ. Vì vậy, không cần phải thay thế toàn bộ thực phẩm trong nhà bạn, mà chỉ cần thêm vào chút rau, trái mỗi ngày, cũng có thể tạo ra khác biệt lớn.
3. Bạn có các dấu hiệu sinh tồn và hình thể ở mức bình thường
Theo BBC, những hướng dẫn về thể hình cơ bản bao gồm "30 phút tập luyện vừa phải, duy trì ít nhất 5 lần/tuần". Các bác sĩ cũng quan sát xem một người có "mức độ thể hình trung bình" có thể làm những việc như "đi bộ 1 dặm trong vòng 15 phút", mang 2 túi đồ siêu thị ra xe ô tô và lên hết một tầng thang bộ mà không hụt hơi.
Những dấu hiệu sinh tồn bình thường cũng có ý nghĩa quan trọng. Bằng việc quan sát huyết áp, nhịp tim và tần số hô hấp của một người, nhân viên y tế có thể xác định mức độ vận hành tốt đến đâu của các cơ quan trong cơ thể. Theo một báo cáo của BBC, những dấu hiệu sinh tồn khỏe mạnh bình thường gồm "huyết áp dưới 140/90 mmHg mỗi lần đo, mạch đập khoảng 70 lần/phút và tần số hô hấp khoảng 16-20 hơi thở/phút".
4. Bạn chú ý tới sức khỏe cảm xúc và sức khỏe tâm thần của mình
Chủ động quản lý sức khỏe cảm xúc và tâm thần là một dấu hiệu then chốt khác cho thấy bạn khỏe mạnh đến đâu. Theo Văn phòng phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe Mỹ (ODPHP): "Sức khỏe thể chất và tâm thần có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ. Bằng chứng cho thấy, rối loạn về sức khỏe tâm thần – đa phần là trầm cảm – liên quan mật thiết với nguy cơ, khả năng phát sinh, quản lý, tiến triển và kết quả của một sô bệnh mạn tính nghiêm trọng , bao gồm tiểu đường, cao huyết áp, đột quỵ, bệnh tim và ung thư".
Hơn nữa, giáo sư David Goldberg tại Viện Tâm lý học ở London, lý giải: "Trầm cảm và những bệnh thể chất mạn tính có mối quan hệ tác động qua lại: không chỉ nhiều bệnh mạn tính gây tỷ lệ trầm cảm cao hơn mà trầm cảm cũng được chứng minh là làm trầm trọng thêm một số bệnh thể chất mạn tính".
Trong khi mối quan hệ này chủ yếu được nhắc tới trong hoàn cảnh bệnh tật, nó cũng đúng khi đề cập đến vấn đề sức khỏe. Bằng cách nuôi dưỡng sự khỏe mạnh của cảm xúc và tâm thần, bạn cũng sẽ cải thiện được sức khỏe thể chất của mình. Hỗ trợ sức khỏe tâm thần - đặc biệt nếu bạn kết hợp tập luyện, kiểm soát stress (như thiền, hít thở sâu hay yoga) và hợp tác với một chuyên gia trị liệu đủ tiêu chuẩn sẽ giúp duy trì sức khỏe cho sức khỏe nói chung.
Lưu ý:
Một điều mà mọi người thường nhận thấy khi cố gắng tạo ra những thay đổi lành mạnh là cảm giác quá choáng ngợp. Bạn có thể lập tức thay đổi chế độ ăn vốn quen thuộc với mình. Bạn tập luyện điên cuồng mỗi ngày. Bạn loại bỏ hoàn toàn đường. Bạn đi ngủ rất sớm. Bạn vội vã, cuống quýt, không chấp nhận bất cứ lời biện bạch nào…Nhưng nếu bạn nhận thấy mình cần hoặc muốn thay đổi, sẽ tốt hơn nếu thực hiện chúng một cách từ từ.
Thêm vào cuộc sống vài điều mà bạn thấy thú vị và tốt lành, như một miếng trái cây trong bữa trưa, một buổi đi dạo chiều hay gọi điện cho bạn bè có thể mang đến tác động tích cực bền lâu. Hãy làm tốt nhất trong khả năng và phù hợp với hoàn cảnh cũng như nguồn lực hiện có. Trên thực tế, đó đã là một chiến thắng vĩ đại dành cho bạn!
Theo Thelist
Trí thức trẻ