Jim Rogers: Phố Wall đã sai rồi, "hãy bỏ hết trứng vào một giỏ"
Jim Rogers – tác giả của một vài cuốn sách về đầu tư, nhà đầu tư lừng danh trên thị trường hàng hóa và là đồng sáng lập của quỹ Quantum – chia sẻ bản thân ông không phải là một người tin vào chuyện phân bổ tài sản.
- 27-06-2016Jim Rogers: Đừng mua vàng mà hãy mua đô
- 05-03-2016Jim Rogers: 100% khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong 12 tháng tới
- 18-02-2014Trò chuyện với Jim Rogers về kinh tế Trung Quốc
“Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ” là lời khuyên hàng đầu trong danh sách các bí quyết để đầu tư thành công. Đa dạng hóa danh mục đầu tư luôn được nhắc đến như là một trong những nguyên lý cơ bản của hoạt động đầu tư cũng như lập kế hoạch tài chính cá nhân. Các chuyên gia thường khuyên nên sở hữu trong tay nhiều loại tài sản và lý tưởng nhất là những tài sản đó ít tương quan với nhau. Ví dụ, danh mục lý tưởng nhất sẽ bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và vàng.
Tuy nhiên, mới đây nhà đầu tư nổi tiếng Jim Rogers lại đưa ra một quan điểm hoàn toàn khác: phố Wall đã sai rồi, cách tốt nhất là "đặt hết tất cả trứng vào một giỏ".
Jim Rogers – tác giả của một vài cuốn sách về đầu tư, nhà đầu tư lừng danh trên thị trường hàng hóa và là đồng sáng lập của quỹ Quantum – chia sẻ bản thân ông không phải là một người tin vào chuyện phân bổ danh mục tài sản.
“Tôi biết rằng mọi người được dạy hãy đa dạng hóa danh mục. Nhưng đa dạng hóa chỉ là thứ mà các nhân viên môi giới nghĩ ra mà thôi. Nếu muốn trở nên giàu có, bạn phải hết sức tập trung”.
Rõ ràng là lời khuyên của Jim Rogers đi ngược lại với lối suy nghĩ truyền thống. Tuy nhiên, ông lại là một trong những nhà đầu tư thành công nhất của thế giới. Quantum Fund có lợi suất 4.200% trong 10 năm, trở thành một trong những quỹ đầu cơ thành công nhất trên thế giới.
Vậy thì có đúng là không nên đa dạng hóa danh mục đầu tư?
Trước tiên cần phải hiểu danh mục đầu tư của bạn đang phải chịu những loại rủi ro nào.
Rủi ro quản trị (tức công ty không được quản lý tốt) là rủi ro đặc thù của một công ty đơn lẻ, trong khi nếu nhân viên của một hãng hàng không đình công thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành hàng không và đó sẽ là rủi ro của ngành.
Tuy nhiên rủi ro công ty hay rủi ro ngành được gọi chung là “những rủi ro có thể đa dạng hóa” (diversifiable risk), tức là hoàn toàn có thể giảm bớt loại rủi ro này bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư bởi nó không ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tài chính.
Khi đầu tư, nhà đầu tư còn gặp phải một loại rủi ro khác: rủi ro thị trường hay còn gọi là rủi ro hệ thống (systematic risk) vì nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống và không ai có thể tránh khỏi. Rủi ro hệ thống xuất phát từ những thứ như lãi suất, tỷ giá và suy thoái. Đối với loại rủi ro này thì dù có đa dạng hóa danh mục bạn cũng không thể tránh khỏi.
Như biểu đồ trên, rủi ro hệ thống không bị tác động bởi số loại tài sản mà bạn nắm giữ. Ngược lại, rủi ro có thể đa dạng hóa sẽ thay đổi, tỷ lệ nghịch với số loại tài sản. Danh mục càng đa dạng thì rủi ro càng thấp.
Tuy nhiên, mối quan hệ tương quan này chỉ dừng lại ở một điểm nhất định. Danh mục gồm 5 cổ phiếu chắc chắn sẽ ít rủi ro hơn so với chỉ có 1 cổ phiếu, nhưng nếu danh mục của bạn có hơn 30 cổ phiếu, việc đa dạng hóa không mang thêm chút lợi ích nào cả.
Nhưng Jim Rogers không đồng ý với nhận định này. “Quan điểm trên phố Wall là đừng đặt tất cả trứng vào một giỏ. Ha! Bạn nên để tất trứng vào một giỏ nhưng phải đảm bảo chắc chắn rằng mình đã tìm được đúng giỏ và hãy trông chừng chiếc giỏ ấy cẩn thận, rất rất cẩn thận”. Theo ông làm như vậy mới có thể tối đa hóa lợi nhuận.
Quan điểm của Rogers cũng có lý. Nhưng rõ ràng không phải ai cũng biết đâu là chiếc giỏ tốt. Đây là chiến lược đầu tư theo kiểu “rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao”. Chính bản thân Rogers cũng cho rằng đó là điều chẳng hề dễ dàng.
Từ năm 1980 đến nay, Rogers đã bỏ công việc đầu tư toàn thời gian và có vài lần đi du lịch vòng quanh thế giới. Ông cũng viết vài cuốn sách để chia sẻ những gì mình đã trải nghiệm và học tập được. Kể cả nếu bạn không phải là một người đam mê du lịch hoặc là một người chỉ biết chút ít về tài chính, đây vẫn là những cuốn sách rất thú vị, vừa mang tính giải trí cao vừa đem lại những kiến thức vỡ lòng về tài chính.