MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Kẻ thắng người thua’ trong thị trường dầu dư cung

21-04-2020 - 08:31 AM | Tài chính quốc tế

OPEC+ đạt thỏa thuận giảm sản lượng nhiều kỷ lục nhưng kho lưu trữ còn trống trên thế giới đang ngày càng ít, lực cầu lao dốc tạo ra những “kẻ thắng, người thua” không ai ngờ đến.

OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, đạt thỏa thuận giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6. Tuy nhiên, giới phân tích lại cảnh báo sức chứa của các kho lưu trữ trên thế giới có thể đầy sớm nhất từ giữa tháng 5.

Trong bối cảnh thị trường dư cung chưa từng có, một số lĩnh vực trong ngành dầu, quốc gia sản xuất dầu cùng công ty dầu quốc gia của họ lại có xu hướng diễn biến tốt hơn những nước khác, Michael Lynch, chuyên gia chính sách năng lượng và kinh tế dầu mỏ viết trên Forbes.

Như trong mọi tình huống cực đoan khác của thị trường, luôn có những “kẻ thắng, người thua” đáng kể và ngành dầu đang phải cấp tốc tìm biện pháp để giảm sản lượng dầu thô, các sản phẩm tinh chế hiện không ai thực sự cần.

‘Người thua’

Thành viên OPEC không đủ năng lực lọc dầu trong nước, không có hợp đồng dài hạn với quốc gia nhập khẩu sẽ thiệt hại nhiều nhất. Đó là Angola, Nigeria và Iraq, theo Lynch.

Iraq, nước sản xuất dầu lớn thứ hai OPEC, xuất khẩu gần như toàn bộ sản lượng. Arab Saudi cũng vậy. Những năm gần đây, Arab Saudi ký một số thỏa thuận lớn về dài hạn với Trung Quốc, bên mua dầu số một thế giới, nhằm đảm bảo đầu ra cho Riyadh.

Kẻ thắng người thua’ trong thị trường dầu dư cung - Ảnh 1.

Các kho lưu trữ dầu thô tại Cushing, bang Oklahoma, cửa ngõ giao dầu WTI của Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Dựa trên ước tính của Lynch, tổng năng lực lọc dầu nội địa trong tháng 5 và 6 của thành viên OPEC chỉ bằng nửa tổng sản lượng họ thực hiện đúng theo hạn ngạch thỏa thuận. Tỷ lệ này trên thực tế dự kiến thấp hơn bởi chưa có thỏa thuận nào của OPEC được thành viên tuân thủ hoàn toàn.

Những quốc gia có hợp đồng dài hạn với bên mua ít bị ảnh hưởng hơn nước phụ thuộc vào doanh số dầu giao ngay.

Số liệu về thị trường dầu thô giao ngay toàn cầu không đầy đủ, Lynch nói. Nhưng nước sản xuất dầu chiếm thị phần giao ngay cao hơn sẽ “thấm đòn” nhiều hơn từ tình trạng thiếu kho chứa.

Một số công ty có thể chuyển dầu thô về đơn vị lọc dầu của họ nhưng nền kinh tế đang trong tình trạng không mấy khả quan, nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay lao dốc ở mọi nơi trên thế giới.

Bên phân phối sản phẩm tinh chế cũng thiệt hại nặng vì mọi người không đi lại nhiều, tình trạng phong tỏa vẫn duy trì tại nhiều nước, bao gồm Ấn Độ và Mỹ - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

‘Kẻ thắng’

Bên hưởng lợi nhiều nhất trong bối cảnh hiện tại là chủ các cơ sở lưu trữ dầu – trong đất liền và ngoài biển. Kho chứa là “hàng hóa” được tìm kiếm nhiều nhất trên thị trường năng lượng trong tháng 3 khi nhu cầu giảm còn nguồn cung tăng.

Ngoài khơi, các nhà giao dịch gấp rút tìm thuê kho nổi để tích trữ, chờ thời điểm phù hợp để bán trong tương lai. Phí của siêu tàu chở dầu cũng tăng vọt.

Dù OPEC+ và G20 đang hành động để giảm tình trạng dư cung, ngành dầu có thể kiểm tra giới hạn sức chứa trong vài tuần tới, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo trong báo cáo thị trường dầu tháng 4. “Ngành dầu chưa bao giờ thử thách khả năng logistics như vậy”.

Tại Mỹ, các kho chứa khả năng cao sẽ đầy vào giữa tháng 5. Giá dầu quá thấp đã khiến ngành dầu đá phiến nước này phải giảm sản lượng, bất kể có thỏa thuận từ OPEC+ hay không. Công ty năng lượng đa quốc gia ConocoPhillips tuần trước thông báo tự nguyện giảm sản lượng 200.000 thùng/ngày tại Canada và Mỹ cho đến khi thị trường ổn định trở lại. Số khác cũng sẽ sớm nối gót ConocoPhillips.

Theo Như Tâm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên