Khéo léo để không bị gán mác 'bán chui': Đây là cách các ông lớn Trung Quốc đi trước nhà đầu tư 1 bước khi giá cổ phiếu rơi tự do
Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo về động thái tăng cường kiểm soát đối với ngành công nghệ, tình trạng bán tháo cổ phiếu lĩnh vực này đã trở nên căng thẳng. Những lãnh đạo đứng đầu ít nhất 2 công ty dạy thêm ở Trung Quốc đã bắt đầu bán bớt cổ phiếu niêm yết ở New York từ trước đó.
- 12-01-2022'Đã nghèo còn mắc cái eo': Một ngân hàng bị gán mác 'thành tích tệ nhất thế giới' và ôm hàng chục tỷ đô nợ xấu vì Evergrande
- 12-01-2022Trung Quốc và một thế hệ 'cày cuốc' bao nhiêu cũng không mua nổi nhà
Theo Financial Times, trong một giao dịch chưa được công khai, một công ty vỏ bọc đang nắm giữ cổ phiếu cho các giám đốc điều hành của GSX Techedu – với vốn hóa ở thời điểm đó đạt khoảng 24 tỷ USD, đã bán 119 triệu cổ phiếu chỉ 3 ngày sau bài phát biểu của ông Tập.
Thương vụ này nằm trong số hàng trăm tài liệu đang được Financial Times tìm hiểu, cho thấy những thông tin đầu tiên về cách thức và thời điểm mà các giám đốc điều hành này giao dịch cổ phiếu trong thời gian nhạy cảm.
Ở bề nổi, Larry Chen – CEO của GSX, dường như không có liên quan đến công ty vỏ bọc trên. Ông vẫn bày tỏ niềm tin vào hoạt động kinh doanh của mình, hứa hẹn sẽ mua 50 triệu USD cổ phiếu quỹ vào cuối tháng 3 bằng "tiền túi". Tuy nhiên, nguồn tin thân cận tiết lộ Chen đã biết rõ giao dịch bán cổ phiếu diễn ra vào đúng thời điểm Bắc Kinh đang cân nhắc siết chặt quy định với ngành dạy thêm.
Vào tháng 7, chính phủ Trung Quốc đã cấm toàn bộ lĩnh vực này kinh doanh với mục đích kiếm lời, khiến cổ phiếu của các công ty liên quan lao dốc mạnh. Hiện tại, lô cổ phiếu GSX được bán ra hồi tháng 3 chỉ trị giá 4 triệu USD. Còn Chen dường như vẫn chưa hoàn thành lời hứa chi 50 triệu USD của mình.
Trước khi Bắc Kinh công bố quy định mới hồi tháng 7, các giám đốc điều hành của một công ty dạy kèm khác của Trung Quốc cũng nhanh chóng bán cổ phiếu niêm yết tại New York.
Cặp vợ chồng đồng sáng lập công ty dạy kèm tiếng Anh trực tuyến 51Talk đã bắt đầu bán cổ phiếu vào ngày 1/4 và tiếp tục bán theo lô vào mỗi ngày kể từ đó đến cuối tháng 6. Theo FT, thương vụ này chiếm tới 1 nửa số cổ phiếu được giao dịch trong một vài ngày. Vào thời điểm Bắc Kinh thông báo quy định mới, họ đã thu về 4,3 triệu USD.
Các tài liệu được FT theo dõi cho thấy các giám đốc điều hành của Trung Quốc đã thực hiện hàng chục thương vụ tương tự. Dù không có dấu hiệu về giao dịch nội gián, nhưng nhiều thương vụ đã diễn ra trước khi quy định mới và kết quả kinh doanh yếu kém được công bố.
Một số giám đốc điều hành đã thu về những khoản tiền lớn, được coi là đứng hàng "top" trên thị trường. 10 giám đốc và giám đốc điều hành của VIPshop – trang web mua sắm trực tuyến giá rẻ, đã bán khoảng 527 triệu USD cổ phiếu vào tháng 3, chiếm gần ¾ tổng số cổ phiếu họ đã bán trong 18 tháng qua. Giao dịch này được thực hiện ngay trước khi văn phòng gia đình Archegos Capital Management sụp đổ. Giá cổ phiếu của VIPshop hiện giảm 70% so với hồi tháng 3.
Dù có giá trị lớn, nhưng các giao dịch này lại ít bị chú ý, vì họ không vi phạm quy tắc báo cáo của SEC. Cơ quan này chỉ yêu cầu các giám đốc điều hành Mỹ phải báo cáo về giao dịch bán cổ phiếu trong vòng 2 ngày. Còn ở Hồng Kông, các giám đốc phải báo cáo trong 3 ngày. Trong khi đó, các giám đốc điều hành của doanh nghiệp niêm yết tại Trung Quốc phải thông báo trước 15 ngày trước thời điểm có thể bán.
Ngược lại, các giám đốc điều hành của doanh nghiệp nước ngoài niêm yết tại Mỹ chỉ phải báo cáo 1 hoặc 2 lần/năm, hoặc không báo cáo, tùy vào giá trị cổ phần. Các công ty như Alibaba đã niêm yết ở Mỹ để tránh quy định này ở Hồng Kông, cho rằng việc tiết lộ chi tiết về những giao dịch như vậy là "gánh nặng lớn" với những người trong công ty.
Ngoài "lợi thế" trên, một số giám đốc điều hành công ty công nghệ Trung Quốc cũng sử dụng các công ty vỏ bọc để che giấu danh tính. Trước đó, một giám đốc cấp cao của Alibaba đã sử dụng một công ty vỏ bọc ở Bahama có tên là Sky Scraper Enterprises Ltd để thực hiện kế hoạch bán cổ phiếu trị giá hàng trăm triệu USD.
Trong những tuần gần thời điểm đợt IPO của Ant Group được thực hiện, một kế hoạch đã được đưa ra nhằm bán tới 155 triệu USD cổ phiếu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thực hiện sau khi Bắc Kinh đình chỉ thương vụ này.
Dù danh tính của người này không được tiết lộ, nhưng một số thông tin vẫn được công bố. Người này đã sở hữu một số cổ phiếu ngày càng lớn trong thập kỷ qua và nằm trong số những lãnh đạo được trả lương cao nhất của công ty.
Một trường hợp khác là Cheetah Mobile và Tarena International. Năm 2016 và 2017, các giám đốc điều hành của 2 công ty này đã bán số cổ phiếu trị giá 31 triệu USD và 10 triệu USD vài tuần trước khi kết quả kinh doanh quý được công bố. Thông tin về báo cáo tài chính đã khiến giá cổ phiếu 2 công ty này giảm 30% và 24%.
Tham khảo Financial Times