MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi ngân hàng "thất sủng"

04-04-2017 - 12:36 PM | Tài chính quốc tế

Các ngân hàng từng có mối quan hệ khá nồng ấm với Chính phủ Anh. Giờ đây, khi mà Anh chuẩn bị rời EU, dường như tiếng nói của họ đã bị bỏ qua.

Đó là một buổi chiều trung tuần tháng 1. Thủ tướng Theresa May bước vào phòng họp trong một khu nghỉ dưỡng ở Davos (Thụy Sĩ) để đối mặt với những lãnh đạo quyền lực nhất của phố Wall.

2 ngày trước đó, bà đã phát đi thông điệp muốn rút Anh ra khỏi khối thị trường chung châu Âu. Lo sợ Anh đang tiến về phía rắc rối, các ngân hàng lớn nhất phố Wall muốn nghe bà chia sẻ nhiều hơn về chiến lược sắp tới. Trong số đó có Lloyd Blankfein (CEO của Goldman Sachs), Jamie Dimon (CEO của JPMorgan Chase) và James Gorman (CEO của Morgan Stanley). Điều quan trọng nhất mà họ quan tâm là tương lai của London, trung tâm tài chính của thế giới.

Vị CEO của Lloyd đã thẳng thừng chất vấn bà May rằng ngành tài chính đứng ở đâu trong danh sách các ưu tiên. “Chúng tôi đóng góp rất lớn vào GDP của nước Anh, với tỷ trọng ở mức 2 con số. Chúng tôi cũng là những người nộp thuế lớn nhất”.

Đáp lại, bà May cũng khẳng định tầm quan trọng của ngành tài chính. Tuy nhiên câu hỏi của các vị CEO vẫn chưa được giải đáp một cách thích đáng và họ phải ra về trong nỗi hoài nghi lớn.

Cơm không lành canh chẳng ngọt

2 thập kỷ vừa qua, Goldman cùng với 250 ngân hàng nước ngoài khác đã mở rộng hoạt động ở London, lấy Anh làm bàn đạp để xâm nhập khối thị trường chung có quy mô 16.500 tỷ USD mỗi năm. Nhưng cánh cửa bước vào thị trường 500 triệu dân đang có nguy cơ khép lại.

Các ngân hàng đã từng kỳ vọng sẽ nhận được sự đối xử đặc biệt từ Chính phủ kể cả sau khi Anh đã bỏ phiếu rời EU. Họ hi vọng vẫn sẽ được tiếp cận không giới hạn với thị trường chung về khía cạnh dịch vụ tài chính. Nhưng sự thực thì không phải như vậy. Theo Reuters, các cuộc gặp giữa lãnh đạo ngân hàng và các bộ trưởng đã không có kết thúc tốt đẹp. Nhiều lãnh đạo ngân hàng nói rằng nội các của bà May không hiểu gì về ngành tài chính cũng như điều gì là quan trọng.

Brexit và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đều có một điểm chung là thể hiện sức mạnh của chủ nghĩa dân túy. Ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump vừa bổ nhiệm ít nhất 4 cựu lãnh đạo của Goldman Sachs vào các vị trí cấp cao trong nội các mới. Còn ở Anh thì điều ngược lại đang diễn ra. Phong trào dân túy mang đến một vị Thủ tướng quá cứng rắn với các ngân hàng.

Kết quả là, nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch chuyển một lượng lớn nhân viên ra khỏi London. Và Đức cùng Pháp đang cố gắng tận dụng thời cơ có một không hai để phát triển các trung tâm tài chính, dù một số người nghĩ rằng New York mới là nơi hưởng lợi nhiều nhất vì ở đó có trụ sở của các ngân hàng.

HSBC, UBS và Morgan Stanley đã quyết định sẽ chuyển 1.000 nhân viên ra khỏi London trong 2 năm tới. Goldman Sachs cũng cho biết hàng trăm nhân viên sẽ rời London trong khuôn khổ kế hoạch ứng phó với Brexit.

Kể từ khi làn sóng giảm bớt luật lệ quản lý ngành tài chính tạo ra “cú nổ Big Bang” làm tiền đề cho ngành tài chính nước Anh phát triển như vũ bão trong suốt 31 năm qua, các ngân hàng đã dựa vào vị thế quan trọng trong nền kinh tế để thương thảo với Chính phủ Anh. Còn bây giờ, sau Brexit, họ phải đối mặt với một hiện thực trần trụi. Cuộc bầu cử năm ngoái khiến bộ máy lãnh đạo thay đổi và Chính phủ Anh đã “đổi giọng”. Bà May cam kết sẽ xây dựng một nền kinh tế phục vụ tất cả mọi người chứ không riêng tầng lớp tinh hoa như trước.

Thời thế đổi thay

Theo những người trong cuộc, đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau về những hệ lụy lâu dài mà Brexit gây ra cho nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và về câu hỏi liệu tài chính có nên tiếp tục là ngành trụ cột hay không.

Chính phủ Anh đang có hai toan tính. Thứ nhất, họ cho rằng các ngân hàng chỉ đang dọa dẫm về việc chuyển việc làm ra khỏi London. Thứ hai, bà May tự tin EU quá phụ thuộc vào thị trường tài chính London, đến nỗi các nhà đàm phán EU sẽ đem đến cho ngành tài chính Anh một thỏa thuận đặc biệt, giữ nguyên cánh cửa tiếp cận không giới hạn với thị trường chung. Trên thực tế thì các quan chức EU đã không nghĩ vậy.

Năm ngoái, ngành tài chính đóng góp cho nước Anh 71,4 tỷ bảng (88,7 tỷ USD) tiền thuế (cả thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân). Đây là số tiền tương đương với mức chi hàng năm của Anh cho giáo dục cấp tiểu học, cảnh sát và quân đội. Ngành tài chính đóng thuế tương đương với số thuế của người dân Scotland và xứ Wales cộng lại.

Do đó, các ngân hàng cảm thấy họ không được đối xử công bằng. Vị lãnh đạo quyền lực của một trong những ngân hàng lớn nhất ở Anh cho biết ông không còn nhận được điện thoại từ các Bộ trưởng và cũng không còn được mời đến phố Downing như dưới thời những Thủ tướng trước.

Trong vài cuộc họp với các lãnh đạo ngân hàng, Bộ trưởng Brext David Davis, người sẽ quyết định Anh nên ưu tiên ngành nào trong các cuộc đàm phán sắp tới, đã truyền đi thông điệp rằng mối quan hệ giữa Chính phủ và ngành tài chính đang thay đổi.

Xuất thân từ tầng lớp lao động bình dân và đi theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, David ghét việc bị các ngân hàng định hướng. Theo ông, ngành tài chính đã phá hủy mối quan hệ với Chính phủ khi nói rằng nền kinh tế sẽ chịu thiệt hại từ việc giảm người nhập cư.

Davis từng “tấn công” các ngân hàng ngay tại Quốc hội hồi tháng 10 năm ngoái. Ông buộc tội họ đã “đổ hết tội cho Brexit” và nói dối về việc sa thải nhân viên. Những người thân cận với Davis cảnh báo các lãnh đạo ngân hàng rằng họ phải lạc quan về những cơ hội từ Brexit nếu như muốn Chính phủ lắng nghe ý kiến.

Simon Kirby là người đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, từng là ông chủ 1 đài phát thanh và chuỗi nightclub trước khi bước vào con đường chính trị khiến nhân vật này không được nhìn nhận là phù hợp với ngành tài chính.

Tháng 11 năm ngoái, ông Kirby có cuộc gặp đầu tiên với các lãnh đạo cấp cao của ngành tài chính. Ông đã không thể trả lời những câu hỏi cơ bản, đến nỗi có người nói rằng dường như ông không biết 1 ngân hàng là gì hay ngân hàng hoạt động như thế nào.

Nhớ lại thời kỳ đầu những năm 2000, ngành tài chính cũng đã cảnh báo không gia nhập khu vực eurozone sẽ khiến vai trò trung tâm kinh doanh của London bị đe dọa. Và sau khủng hoảng tài chính 2007-09, nhiều ngân hàng cũng đe dọa sẽ rời đi. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp, ngành tài chính của nước Anh lại hùng mạnh hơn.

Dẫu vậy, khi đó mọi thứ đơn giản hơn nhiều. Ngành ngân hàng được các chính trị gia của tất cả các đảng muốn sử dụng số thuế mà ngành này tạo ra chiều chuộng ưu ái. Một viên chức làm việc dưới thời Thủ tướng Gordon Brown năm 2007 nhớ lại cứ 6 tháng 1 lần, lãnh đạo các ngân hàng lại được mời tới phố Downing để trả lời câu hỏi Chính phủ nên làm gì để cuộc sống của họ dễ dàng hơn.

Sau đó khủng hoảng tài chính ập đến. Giống như ở Mỹ, nhiều người Anh bắt đầu buộc tội ngành tài chính hưởng lợi nhiều hơn so với những gì họ đã đóng góp. Và đến thời Thủ tướng May, mối quan hệ êm đẹp giữa ngành ngân hàng và Chính phủ dường như đã kết thúc. Đã có một cuộc cách mạng đặt dấu chấm hết cho trật tự cũ.

Các ngân hàng đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, vạch ra kế hoạch khẩn cấp phòng trường hợp phải rời London nếu như đàm phán Brexit mang lại những điều bất lợi.

Theo Neil Dwane, chiến lược gia tại Allianz Global Investors, điểm yếu của nước Anh là nhiều công ty tài chính đã bị các đối thủ từ Mỹ và châu Âu mua lại. Do đó họ không có lòng trungt hành với nước Anh. London đối mặt với nguy cơ “chảy máu dần dần” và vai trò thủ đô tài chính châu Âu bị lung lay hơn bao giờ hết.

Thu Hương

Reuters

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên