MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi ngân sách là "chùm khế ngọt"

Tư duy của không ít địa phương cho rằng ngân sách như "chùm khế ngọt" đã khiến tình trạng bội chi ngân sách như con ngựa bất kham.

Trong 6 tháng đầu năm nay ngân sách tiếp tục bội chi lên tới 85.600 tỷ đồng là con số mới nhất được Bộ Tài chính báo cáo trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 11/7. Thu không đủ chi là chuyện không mới, nhưng trong bối cảnh thu ngân sách sụt giảm mạnh và áp lực nợ công ngày càng tăng, thì tình trạng bội chi ngân sách triền miên đang đặt ra nhiều vấn đề.

Báo cáo Bộ Tài chính cho biết, thực hiện thu 6 tháng ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Trong khi đó, chi ngân sách ước thực hiện là 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015.

Thu ngân sách năm nào cũng đạt hoặc vượt kế hoạch, nhưng chuyện cân đối ngân sách lại luôn là bài toán làm đau đầu ngành tài chính. Một nguyên nhân là chi thường xuyên tăng quá nhanh, chiếm 65% tổng dự toán chi ngân sách.

Sốt ruột trước tình trạng tăng chi vượt dự toán, trong cuộc họp tổng kết 6 tháng mới đây của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải thẳng thắn yêu cầu các địa phương, cần chi theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Phó Thủ tướng nói dứt khoát: "Cần quán triệt tăng thu để tăng chi, chi trong khả năng cho phép nên đề nghị tỉnh nào khả năng không đạt thu năm nay hoặc không đạt chỉ tiêu hội đồng nhân dân giao thì phải giảm chỉ tiêu chi tương ứng, chứ ngân sách trung ương không hỗ trợ địa phương như trước được. Chi trong dự toán, chứ cứ bội chi tăng rồi chạy về trung ương thì không có đâu mà bù".

Tâm lý dựa dẫm vào ngân sách trung ương của các địa phương, xem ngân sách như "chùm khế ngọt" đã ăn sâu vào công tác quản lý, như một vị đại biểu quốc hội đã phải thốt lên tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII.

Vị này chỉ ra thực tế là có nhiều địa phương sử dụng ngân sách lãng phí để xây dựng các công trình như hạ tầng, trụ sở hàng trăm tỷ đồng, nhưng sau đó bỏ phí. Trong khi đó, nhiều công trình cấp bách để đảm bảo an toàn, an sinh cho người dân thì phải chờ ngân sách.

Rồi hiện tượng cuối năm nhiều đơn vị tìm mọi cách chi hết nguồn được giao, hay thiếu ngân sách lại về trung ương xin xỏ. Thực trạng, kỷ luật kỷ cương ngân sách chưa nghiêm đang là nguyên nhân dẫn đến bội chi ngân sách liên tục tăng cao và luôn phá vỡ chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.

Đến nỗi, nhiều đại biểu Quốc hội phải đặt ra câu hỏi: "Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tình trạng bội chi ngân sách?". Không chỉ là sự dễ dãi trong chi tiêu những đồng tiền ngân sách mà người dân đóng góp, sự dễ dãi trong bấm nút thông qua của các đại biểu Quốc hội, khi vừa đồng thời bấm nút thông qua chỉ tiêu, nhưng khi chỉ tiêu vượt quá giới hạn, thì cũng... đồng ý cho thông qua.

"Kỷ luật ngân sách phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt nhấn mạnh vai trò nghĩa vụ, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, cơ quan chi tiêu. Phải xác định cụ thể địa phương, cơ quan chịu trách nhiệm chứ không thể nói chung chung như thời gian qua. Quốc hội dường như luôn bị đặt vào trạng thái đã rồi, cũng như không có chế tài để xử lý" - một đại biểu Quốc hội đề nghị.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình ngân sách Nhà nước sáng ngày 11/7, cơ quan này đánh giá con số bội chi ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 85.600 tỷ đồng là hợp lý. Tuy nhiên, vẫn cần tăng cường hơn nữa quản lý chi ngân sách, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tăng thu, quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công, khóa xe công...

Còn theo phân tích của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nếu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 thấp hơn kế hoạch thì khả năng bội chi ngân sách Nhà nước trên GDP vẫn sẽ vượt 0,5% so với dự toán. Do đó, việc tăng cường kỷ luật ngân sách, kỷ cương tài chính là việc làm rất cần thiết.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên