MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó giảm lãi suất cho vay

22-12-2016 - 20:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 2016 gặp rất nhiều khó khăn nhưng chính sách điều hành tiền tệ của NHNN đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất cho vay vẫn cao. "Lãi suất cho vay phổ biến từ 6- 9% là cao so với khả năng của doanh nghiệp. Năm 2016, vẫn không giảm được lãi suất như mong muốn của doanh nghiệp”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ngay từ đầu năm, hưởng ứng thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN đã đặt mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãi suất cho vay hiện vẫn còn ở mức cao đối với hoạt động kinh doanh cũng như tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đặc biệt vào tháng 10/2016, 4 ngân hàng quốc doanh lớn đã giảm lãi suất huy động, sau đó một số ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã hạ lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2%. Động thái này đã khiến nhiều người kỳ vọng, đây là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất cho vay nhưng đến nay mức lãi vay vẫn chưa giảm nhiều.

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc đồng Việt Nam tăng giá so với đồng USD và so với tiền tệ khác sẽ gây bất lợi cho hoạt dộng xuất khẩu của doanh nghiệp, chẳng hạn đồng Nhân dân tệ đã tăng 5- 6% so với đầu năm, đồng Nhân dân tệ phá giá và tiếp tục phá giá sẽ tác động tới Việt Nam vì giá hàng của Việt Nam so với các đồng tiền khác trở nên đắt hơn.

TS Nguyễn Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho rằng: Hiện lãi suất cho vay dao động trong khoảng 6- 9% nhưng khách hàng tốt có thể vay với lãi suất thấp hơn 6%. “Trong xu hướng nền kinh tế tốt hơn thì lãi suất có thể ổn định, thậm chí giảm”, đại diện NHNN nói.

Liên quan tới điều hành tỷ giá, ông Tú chia sẻ thêm: Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của NHNN với tỷ giá trung tâm đã có thành công. Trước đây, có nhiều nước lấy tỷ giá trung tâm là tỷ giá đóng cửa của thị trường liên ngân hàng nhưng tỷ giá này không phải ảnh đầy đủ thị trường và dễ bị tác động. “Như vậy có thể nói, tính cho đến cuối năm, tỷ giá hầu như ổn định, chính sách tỷ giá trung tâm thực hiện chống đô la hoá khá thành công, dấu hiệu đầu cơ ngoại tệ giảm đi nhiều. Chống đô la hoá cũng giúp nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ, bởi một nền kinh tế bị đô la hoá thì tác dụng chính sách tiền tệ bị giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó việc tăng dự trữ ngoại hối lên cao, có tác dụng lớn trong việc giảm chi phí đi vay trên thị trường quốc tế, ông Anh Tú nói.

Tuy nhiên chia sẻ về lý do lãi suất cho vay khó giảm, ông Khúc Văn Họa, Phó Tổng giám đốc TPBank cho rằng, vấn đề nợ xấu chưa giải quyết triệt để thì lãi suất cho vay sẽ khó có thể giảm trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó đạt được các điều kiện cần thiết của NHTM để hạn chế nợ xấu của ngân hàng.

Theo TPBank, dự kiến năm 2017 sẽ có một số yếu tố ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng. Thống kê mới đây, các ngân hàng đã bán cho VAMC khoảng 260 nghìn tỷ nợ xấu, cộng với 2,6% nợ xấu trên bảng cân đối, tổng cộng là khoảng 400 nghìn tỷ đồng nợ xấu. “Giả sử xử lý được 55% số nợ xấu trên thì vẫn còn khoảng 200 nghìn tỷ đồng, đây là gánh nặng lớn, chiếm xấp xỉ 5% tổng tài sản ngân hàng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân vì sao lãi suất cho vay không thể giảm ngay”, ông Họa nói.

Còn đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán SSI phân tích: Lạm phát hiện ở mức 5%. Trong khi đó, lạm phát trong năm 2017 được dự báo là sẽ tăng do áp lực tăng giá dịch vụ y tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh khiến các doanh nghiệp chuyển chi phí cho người tiêu dùng, như vậy áp lực lạm phát năm 2017 cao hơn 2016 nên áp lực lãi suất khó giảm.

Theo Minh Phương

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên