MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Khóc ròng' vì ngân hàng không chia cổ tức đồng nào

15-04-2017 - 08:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Một số ngân hàng nhiều năm liền không chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Trong mùa đại hội cổ đông năm nay của các ngân hàng, vấn đề chia cổ tức lại tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi và bức xúc cho cổ đông.

Sáu năm không chia cổ tức

Mới đây, Ngân hàng ACB đã tổ chức đại hội đồng cổ đông. Bảng kết quả kinh doanh năm 2016 của ngân hàng này khá đẹp với lợi nhuận trước thuế đạt 1.667 tỉ đồng, tăng 27% so với năm 2015. Tỉ lệ nợ xấu giảm về mức 0,88% so với mức 1,3% tại thời điểm cuối năm 2015. Tuy vậy ngân hàng này đã thông qua phương án không chia cổ tức bằng tiền mặt mà bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Không riêng gì ACB mà nhiều ngân hàng khác dù tuyên bố lãi lớn, tỉ lệ nợ xấu giảm nhưng chia cổ tức thấp, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, nếu có đi kèm tiền mặt thì cũng chẳng bõ bèn gì.

Đáng nói hơn là nhiều ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục không chia cổ tức, trong đó có ngân hàng nhiều năm không chia một đồng cổ tức nào cho cổ đông. Đơn cử tại tờ trình đại hội cổ đông năm 2017, lãnh đạo Techcombank đề xuất không chia cổ tức. Nếu được thông qua, đây sẽ là năm thứ sáu liên tiếp ngân hàng này “bỏ quên” lợi ích cổ đông.

Tương tự, Maritime Bank cũng dự kiến chi trả cổ tức với mức... 0%. Eximbank và Sacombank cũng xin “khất” cổ đông việc chia cổ tức.

Lãnh đạo các ngân hàng thường trấn an cổ đông rằng không chia cổ tức vì cần tăng vốn để nâng cao tỉ lệ an toàn vốn theo quy định. Đặc biệt lợi nhuận không chia sẽ làm giá trị sổ sách của cổ phiếu tăng lên, tức “cơm không ăn thì gạo còn đó” chứ chả mất đi đâu.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Đàm Văn Tuấn giải thích: Chia cổ tức bằng cổ phiếu làm tăng vốn điều lệ, thêm nguồn vốn trung và dài hạn để tài trợ cho các hoạt động cấp tín dụng. Đồng thời, thêm vốn đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và hệ thống quản trị rủi ro.

Tương tự, Tổng Giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết giải thích: “Quan điểm của HĐQT và ban điều hành là phải trích lập dự phòng đầy đủ để đảm bảo an toàn”.

Cổ đông “khóc ròng”

Tuy lãnh đạo các ngân hàng lý giải như vậy nhưng không phải nhà đầu tư, cổ đông nào cũng tán thành. Chị Nguyễn Thị L., một cổ đông nhỏ của ACB, bày tỏ: “Đã mấy năm nay ACB không chia cổ tức tiền mặt. Theo quan điểm của tôi, chi trả cổ tức tiền mặt chỉ vài % thôi cũng được”.

Bởi theo chị L., ngân hàng trả cổ tức tiền mặt dù ít hay nhiều cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư, cổ đông vì nó giúp họ nuôi dưỡng hy vọng. Hơn nữa, nó cũng phản ánh sức mạnh nội tại của ngân hàng. Nói cách khác cần phải dùng cổ tức để khẳng định vị thế, thu hút và giữ chân nhà đầu tư ở lại lâu dài với ngân hàng.

“Một ngân hàng mà mấy năm nay không chia cổ tức thì liệu có thu hút được nhà đầu tư săn đón hay muốn đầu tư dài hạn không” - chị L. đặt vấn đề.

Đứng từ phía góc độ của nhà đầu tư, ông Nguyễn Hữu Khánh, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM cho rằng thực ra các ngân hàng đều có lợi nhuận để trả cổ tức. Có điều nội tại còn nhiều vấn đề khiến cho số lượng ngân hàng chia cổ tức rất ít hoặc nếu thực hiện thì chia với tỉ lệ thấp, không bõ bèn gì.

Thế nên không ít nhà đầu tư, cổ đông chỉ còn cách “khóc ròng” vì đã trót lỡ làm cổ đông ngân hàng. Bởi thực tế có người xem đầu tư cổ phiếu như gửi tiết kiệm ngân hàng với hy vọng có cổ tức. Riêng với những cổ đông lớn, nhiều khi đầu tư không chỉ bằng tiền tự có mà còn bằng cả tiền vay mượn nên cần cổ tức tiền mặt để trả lãi vay.

Đề cập thêm về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Dương Anh Vũ nhận định dù các ngân hàng công bố lợi nhuận cả ngàn tỉ đồng nhưng nợ xấu vẫn là vấn đề đáng lưu tâm. Theo thống kê toàn ngành ngân hàng, tỉ lệ nợ xấu chỉ giảm nhẹ từ mức 2,9% xuống 2,8%. Ngay cả những “ông lớn” ngân hàng có lợi nhuận “khủng” vẫn còn nợ xấu phải xử lý.

Do đó sẽ không có gì ngạc nhiên nếu những ngân hàng này chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc có kèm theo chia tiền mặt với tỉ lệ thấp. Họ chẳng dại gì chia tiền mặt cao để làm yếu đi tiềm lực tài chính của ngân hàng, tức sử dụng nguồn lực của cổ đông để phục vụ ngân hàng. Điều này được minh chứng qua việc ACB, VPBank… dù tuyên bố đạt lợi nhuận vượt bậc nhưng vẫn muốn “thủ’’ bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu.

“Đó là đối với những ông lớn có tỉ lệ nợ xấu thấp. Còn những ngân hàng chưa hạ được tỉ lệ nợ xấu còn bị đặt vào thế khó hơn. Họ vừa phải dành sức cạnh tranh với những ông lớn vừa phải hạ tỉ lệ nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bởi vậy có thể cổ đông của nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục không được chi trả cổ tức trong thời gian sắp tới” - ông Vũ dự báo.

Đau đầu với bài toán cổ tức

Một số chuyên gia nhận định áp lực tăng vốn, tranh thủ nguồn lực của cổ đông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ chưa dừng lại. Nhưng vấn đề là liệu cổ đông nhà nước có chấp thuận nhận cổ tức bằng cổ phiếu để giúp ngân hàng tăng vốn hay không mới là câu hỏi hóc búa. Còn nhớ hồi giữa năm ngoái Bộ Tài chính đã gửi công văn cho NHNN đề nghị cơ quan này chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại hai ngân hàng biểu quyết chia cổ tức năm tài chính năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại hai ngân hàng trên vào ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính nhấn mạnh: Tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến NHNN và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông.

___________________________

Ngay cả VPBank dù cho biết năm 2016 đạt lợi nhuận trước thuế 4.929 tỉ đồng, tăng 59% so với năm 2015 và vượt 54% so với kế hoạch đề ra cũng không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Theo Thùy Linh

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên