MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không có gì ngoài tiền, Elon Musk khẳng định: 'Tôi mua Twitter vì tương lai của nền văn minh nhân loại, không phải để kiếm tiền'

15-04-2022 - 19:10 PM | Thị trường

Không có gì ngoài tiền, Elon Musk khẳng định: 'Tôi mua Twitter vì tương lai của nền văn minh nhân loại, không phải để kiếm tiền'

Sau quyết định 'mua đứt' Twitter, Elon Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên sân khấu tại hội nghị TED rằng ông coi việc mua lại không khác gì một bước ngoặt đối với nền văn minh. Tuy nhiên, thương vụ mới này khiến nhiều người lo lắng cho tương lai của hãng sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới - Tesla.

Theo hãng tin Bloomberg, tỷ phú Elon Musk đã đề nghị mua lại 100% số cổ phiếu của Twitter, với giá 54,2 USD/cổ phiếu, để sở hữu hoàn toàn trang mạng xã hội nổi tiếng này. Như vậy, tổng giá trị thương vụ "mua đứt" Twitter mà ông Elon Musk đề nghị rơi vào khoảng 43 tỷ USD, và nếu hoàn tất, Twitter sẽ là công ty thuộc sở hữu riêng của tỷ phú này.

Theo CNN, ông Musk khẳng định việc mua Twitter không nhằm vào khía cạnh kinh doanh của Twitter, mà để đảm bảo Twitter vẫn là một nền tảng đáng tin cậy cho nền dân chủ.

"Việc này không phải để kiếm tiền", ông nhấn mạnh với lãnh đạo TED Chris Anderson. "Tôi tin chắc rằng một nền tảng cộng đồng được tin tưởng tối đa và có tính bao trùm rộng rãi là điều vô cùng quan trọng đối với tương lai của nền văn minh", CEO hãng xe điện Tesla nói thêm.

Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX phản đối những gì ông coi là thiếu tự do ngôn luận trên Twitter. Vị tỷ phú cho rằng nền tảng nên mở mã nguồn thuật toán để tăng tính minh bạch trong các quyết định về nội dung. Đây sẽ là thay đổi lớn với cách hoạt động của Twitter.

"Mã nguồn nên để trên Github để mọi người có thể nhìn vào và nói: "Tôi thấy có vấn đề ở đây", ''Tôi không đồng ý với cách làm này''. ''Họ có thể tìm ra các vấn đề và đề xuất thay đổi'', ông Musk nhận định.

Khi được hỏi làm cách nào để thay đổi việc kiểm duyệt nội dung của Twitter, Musk giải thích rằng bài kiểm tra của ông về việc liệu một nền tảng có tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận hay không rất đơn giản: "Người các bạn không ưa có được phép nói những điều mà các bạn không thích không? Nếu có, tôi cho đó là tự do ngôn luận", ông Musk giải thích.

CEO Tesla cho rằng nếu một dòng tweet gây tranh cãi, công ty không nên quảng cáo cho nội dung đó. "Nhưng tôi cho rằng cần cân nhắc khi xóa mọi thứ. Cần hết sức thận trọng với các lệnh cấm vĩnh viễn, cấm tạm thời sẽ tốt hơn", ông nhấn mạnh thêm.

Musk thừa nhận rằng ngay cả khi ông mua lại công ty, vẫn sẽ có những sai sót. "Tôi nghĩ mọi người vẫn sẽ đổ lỗi cho tôi về mọi thứ. Nếu tôi mua lại Twitter và xảy ra sự cố, thì đó là lỗi của tôi, 100%. Tôi nghĩ sẽ có khá nhiều lỗi."

Khi được hỏi về kế hoạch dự phòng nếu thương vụ thất bại, ông Musk cho biết có "những ý tưởng khác nhau".

Tuy nhiên, thương vụ mới đầy hứa hẹn của vị tỷ phú này lại đang khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng cho tương lai của công ty Tesla. Cổ phiếu Tesla, nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới, đã giảm 14% kể từ khi Elon Musk tiết lộ sở hữu 9,2% cổ phần tại Twitter hôm 4/4. Ngày 14/4, cổ phiếu Tesla đã giảm khoảng 3,6%.

Các nhà đầu tư vào Tesla càng lo lắng vì khối lượng công việc mà Elon Musk đảm nhận. Năm ngoái, Elon Musk nói rằng ông đã làm việc 7 ngày 1 tuần - "những giờ điên rồ" - phân chia thời gian giữa Tesla và SpaceX. Elon Musk cũng lãnh đạo công ty khởi nghiệp chip não Neuralink và liên doanh đào hầm The Boring Company.

Các nhà phân tích của Wells Fargo cho biết: “Nếu thương vụ thành công, có hai mối quan tâm từ góc độ cổ đông của Tesla. Một, Tesla hiện đang trong những ngày đầu mở rộng hai nhà máy, Austin & Berlin, có khả năng sẽ tăng gấp đôi công suất toàn cầu. Điều hành Twitter có thể sẽ là một sự phân tâm đối với một CEO đã có đầy đủ bản lĩnh. Hai, các điều khoản tài chính tiếp quản chưa thực sự rõ ràng. Tài sản thanh khoản nhất của Elon sẽ là cổ phiếu Tesla trị giá 170 tỷ đô la."

“Do đó, sẽ có rủi ro nếu ông ấy quyết định bán thêm cổ phiếu Tesla để tài trợ cho việc tiếp quản, điều này có thể gây áp lực lớn lên cổ phiếu.”

Tesla gần đây đã đạt được hai mục tiêu lớn, mở các nhà máy lắp ráp xe mới ở Đức và Texas. Tuy nhiên, hiện tại, Thượng Hải đang bị phong toả bởi chiến dịch Zero-Covid, khiến họ phải tạm ngừng sản xuất tại nhà máy này. Tesla cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chip, lạm phát và các áp lực chuỗi cung ứng khác đang ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp ô tô (và năng lượng mặt trời).

Dự án hàng không vũ trụ của Elon Musk, SpaceX, cũng đang đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng. Starship là con tàu vũ trụ mà công ty đang phát triển để một ngày nào đó bắt tay vào sứ mệnh lên sao Hỏa. Năm ngoái, tiến độ của nó đã bị trì hoãn trên nhiều phương diện và một cuộc thử nghiệm bay trên quỹ đạo hiện đang chờ cơ quan quản lý phê duyệt.

https://cafef.vn/khong-co-gi-ngoai-tien-elon-musk-khang-dinh-toi-mua-twitter-vi-tuong-lai-cua-nen-van-minh-nhan-loai-khong-phai-de-kiem-tien-20220415150312293.chn

Khánh Vy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên