“Không nên coi doanh nghiệp nhà nước là con bò sữa của ngân sách!”
Đây là ý kiến của đại biểu Lê Quân (Hà Nội) tại nghị trường sáng nay (2/11). Bởi theo ông, sau khi thoái vốn, các doanh nghiệp này sẽ hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế.
- 02-11-2016Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế-xã hội
- 01-11-2016Đại biểu Quốc hội lên tiếng vụ 'một sở có 44 lãnh đạo'
- 01-11-2016Đại biểu Quốc hội: Dự án thua lỗ nghìn tỷ nhưng mới “bắn chỉ thiên” chưa truy trách nhiệm
- 01-11-2016Ngày 1/11: Quốc hội thảo luận về tài chính, ngân sách, đầu tư công
Về đề án tái cơ cấu, đại biểu Lê Quân của đoàn Hà Nội cho rằng đề án này chưa trả lời thoả đáng được câu hỏi làm thế nào để huy động nguồn lực trong dân.
Theo ông, báo cáo hiện nay cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang có sự suy giảm rõ rệt cả về tăng trưởng lẫn hiệu quả. “Chúng ta chưa có doanh nghiệp, thương hiệu hay sản phẩm mang tính chất quốc tế. Nguyên nhân do đâu?”, vị đại biểu này đặt ra câu hỏi. Và theo ông, đề án tái cơ cấu của Chính phủ phải lý giải được vấn đề này.
Cũng theo ông Quân, hiện nay các khu vực tư nhân đang thiếu cơ hội tham gia đầu tư. “Tôi cho rằng cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn đang chạy theo ngắn hạn. Vì vậy sẽ không có sự chuyển dịch cơ cấu thực chất!”, ông Quân cho hay.
Theo đó, theo ông, để giải phóng được nguồn lực trong dân, Chính phủ cần một kịch bản với 3 khâu quan trọng.
Thứ nhất là Chính phủ phải mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại các doanh nghiệp thực sự cần thiết liên quan đến an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.
“Tôi không dùng từ cổ phần hoá mà dùng từ thoái vốn. Chúng ta không nên coi doanh nghiệp nhà nước là con bò sữa của ngân sách, bởi sau khi thoái vốn, doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn từ đó nộp thuế nhiều hơn!”, ông nói.
Ông nhận định việc thoái vốn sẽ thế vốn nhà nước bằng vốn tư nhân nhờ đó giúp cho tiền từ trong dân cũng như khu vực tư nhân có cơ hội được đầu tư. Mặt khác, ông cho rằng nguồn tiền thu về có thể dùng để phát triển hạ tầng, nhân lực. Như vậy “trong 1 khâu có 2 đột phá”, vị đại biểu này cho hay.
Thứ hai, ông Quân cho rằng cần phải đẩy mạnh việc hợp tác công tư. Hình thức này sẽ thu hút được nhiều vốn trong xã hội tuy nhiên trong đề án tái cơ cấu và kế hoạch đầu tư trung hạn hình thức này vẫn còn khá mờ nhạt.
“Lỗi không phải do BOT mà do quản lý chưa tốt dẫn đến phí và giá chưa tương xứng với chất lượng”, ông nói.
Điểm thứ ba ông Quân đề cập đến việc đánh giá đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, đối với những đơn vị hoạt động tốt, có tiềm lực ông cho rằng nên để cho họ tự chủ để đầu tư. Còn những đơn vị chồng chéo, kém hiệu quả thì nên cổ phần hoá để thu hút các nhà đầu tư tư nhân.