MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể đánh đồng “lương tối thiểu” và “tiền lương”

12-07-2017 - 10:29 AM | Xã hội

Phiên họp thứ 2 để bàn về việc tăng lương tối thiểu dự kiến sẽ được tổ chức đầu tháng 7 này. Tuy nhiên, cũng như rất nhiều phiên họp ở những năm trước, sự “lệch pha” giữa các bên tiếp tục được thể hiện qua con số đề xuất.

Năm nay, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức 13,3% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đề xuất ở mức dưới 5%. Chúng tôi cũng đã có bài phản ánh về vấn đề này.

Thực tế đời sống công nhân hiện nay đã thể hiện rất rõ qua khảo sát mà Viện Công nhân và Công đoàn vừa thực hiện. Theo kết quả được khảo sát ở cả 3 miền thì những công nhân có lương và thu nhập đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống (có nghĩa là có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu), số này chiếm tới 60%. Khoảng 30% rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn, lấy cái hôm nay đắp vào cái ngày mai mà vẫn còn thiếu (ăn và mặc không đủ đáp ứng yêu cầu tối thiểu). Nếu chẳng may họ gặp phải rủi ro thì lập tức gia đình công nhân rơi vào cảnh nghèo.

Theo đề xuất tăng 13,3% của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì mức lương tối thiểu mới đạt mức 4,2 triệu đồng/tháng đối với vùng I. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, với mức thu nhập 4,2 triệu đồng/tháng mà nằm ở vùng I, liệu người lao động có thể có một cuộc sống đúng nghĩa hay không và liệu có ai đủ khả năng nuôi gia đình hay không? Đây là câu hỏi Hội đồng tiền lương Quốc gia cần phải có khảo sát cụ thể để tránh việc cứ mỗi phiên họp tăng lương tối thiểu là lại xảy ra câu chuyện “kỳ kèo từng cắc bạc” với người lao động.

Theo quy định tại khoản 1, điều 91, Bộ Luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Câu hỏi đặt ra là mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ hiện nay là bao nhiêu?

Hoàn toàn không có chuẩn mực nào cả, mà chỉ do chủ quan của các bên thực hiện khảo sát. Một trong những lý do để phía đại diện cho giới doanh nghiệp năm nào cũng đề nghị tăng rất thấp là do năng suất lao động ở Việt Nam thấp nên không thể tăng lương tối thiểu cao như đề xuất của phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thực tế trong trường hợp cụ thể này, năng suất lao động không liên quan gì đến lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Lương tối thiểu (theo điều 91 Bộ luật Lao động) phải hiểu là cái chốt chặn dưới của nhà nước để người lao động không bị bần cùng hóa; còn tiền lương (điều 90 Bộ luật Lao động) là khoản tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận, tiền lương được trả căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

Những tranh cãi về mức tăng lương tối thiểu năm nay chắc chắn cũng khó có thể được quyết định qua một hai phiên họp. Cả người lao động và doanh nghiệp cùng đang mong ngóng quyết định cuối cùng. Nhưng dù có tăng bao nhiêu thì người được lợi nhất vẫn là giới kinh doanh dịch vụ, cho thuê nhà trọ…, vì chỉ cần có thông tin tăng lương là giá cả lại tăng theo như một quán tính.

Nói như PGS. TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thì đừng đánh giá đời sống công nhân hiện nay trên bàn giấy, mà hãy đến một khu nhà trọ cụ thể sẽ thấy ngay. Không thể đánh tráo khái niệm giữa “tiền lương” và “tiền lương tối thiểu”, vin vào năng suất lao động thấp để kéo lùi mức sống tối thiểu, đẩy người lao động ngày càng lún sâu vào bĩ cực!

Theo Phan Hoạt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên