MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm tra chuyên ngành “hành” doanh nghiệp

Đại diện Cục Hải quan TP.HCM thừa nhận hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành của VN hiện rất nhiều, chồng chéo chưa rõ ràng. Nhưng muốn giảm và giảm được hay không thì không dễ.

Ông Nguyễn Trường Thịnh, phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre), cho biết hằng tuần công ty đều nhập khẩu bao bì về để đóng gói nước dừa, nước cốt dừa và 100% các lô hàng đều phải kiểm tra chuyên ngành về đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều đáng nói, việc nhập khẩu này diễn ra liên tục nhiều năm nay, cứ mỗi lô hàng khoảng 8 - 10 container, cùng một đối tác nhập khẩu, lần nào đi kiểm định cũng đạt, chưa có lô hàng nào bị giữ lại nhưng vẫn phải thực hiện.

Trong khi đó, có những lúc đơn vị kiểm tra chuyên ngành bị quá tải, không kiểm nghiệm kịp nên doanh nghiệp phải đợi.

“Có được kết quả, chúng tôi phải đem đi nộp thủ công trong khi tờ khai hải quan, đăng ký kiểm tra chuyên ngành thì thực hiện điện tử. Thời gian thủ tục kéo dài không thông quan được dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho bãi, một ngày 20 USD/container, sang tuần thứ 2 chi phí tăng lên 30 USD/ngày” - ông Thịnh nói.

Theo doanh nghiệp này, các bộ ngành cần theo dõi đánh giá rủi ro để tạo điều kiện thông thoáng vì chính doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm với hàng hóa của mình. Sao không áp dụng kiểm tra theo hình thức rủi ro cho doanh nghiệp giảm được chi phí không hợp lý?

Chia sẻ một câu chuyện khác trong buổi tham vấn ý kiến doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan tổ chức gần đây, ông Nguyễn Xuân Hải, Công ty may Đức Thành (An Giang), nói đang khổ sở với đối tác vì quy định kiểm định hàng mẫu nhập khẩu, nhất là với hàng dệt may.

“Mỗi mẫu kiểm tra mất 7-10 ngày với chi phí kiểm tra 2,5 triệu đồng. Tôi nói với đối tác gửi mẫu kiểm tra về nhà theo đường phi mậu dịch cho nhanh lẹ. Người ta làm ăn với mình hơn chục năm nay, họ cũng thấy kỳ lạ vì trước đây làm gì có chuyện này” - ông Hải kể.

Những câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xuất nhập khẩu luôn trở thành đề tài nóng tại các buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Đại diện Cục Hải quan TP.HCM thừa nhận hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành của VN hiện rất nhiều, chồng chéo chưa rõ ràng. Danh mục hàng kiểm tra chuyên ngành ngày càng nhiều, hồ sơ kiểm tra chuyên ngành rườm rà, yêu cầu nhiều chứng từ không cần thiết.

Đáng nói, 100% lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành đều phải qua các cơ quan kiểm tra chuyên ngành (dù được hải quan áp dụng hình thức miễn kiểm tra, giảm kiểm tra) là không phù hợp với tình hình thực tế phát triển của xuất nhập khẩu.

Ông Hoàng Việt Cường, phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thừa nhận doanh nghiệp hằng ngày cứ nhập lô hàng đó, nhà cung cấp đó mà cứ đi kiểm tra vậy là máy móc quá.

“Nếu doanh nghiệp cứ nhập mặt hàng đó, cũng chỉ một đối tác đó chi bằng quản lý rủi ro như cơ quan hải quan đang thực hiện” - ông Cường nói. Theo ông Cường, thời gian thông quan phụ thuộc nhiều vào các bộ ngành khác, chiếm đến 78% thời gian làm thủ tục thông quan.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến quý 1-2016 Tổng cục Hải quan phải được điều chỉnh, sửa, hủy bỏ 87 văn bản liên quan đến 13 bộ ngành cho phù hợp với thực tế nhưng đến nay chỉ có 5 bộ ngành sửa được 10 văn bản.

Ông Cường thừa nhận cái khó ở đây là muốn giảm phải sửa các luật hiện hành, nên việc giảm được hay không không chỉ là câu chuyện các bộ, cơ quan chuyên ngành.

Do đó, vấn đề quan trọng là phải đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, chẳng hạn công nhận lẫn nhau kết quả kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hay của những nhà sản xuất nổi tiếng...

Theo N.Bình

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên