Kiến nghị dùng tiền giải phóng mặt bằng đền bù nhà dân bị rung, nứt
Nhiều đơn thư, khiếu nại của người dân các địa phương đòi đền bù rung, nứt nhà do quá trình thi công dự án giao thông đã khiến các cơ quan quản lý Nhà nước phải kiến nghị Chính phủ sử dụng tiền giải phóng mặt bằng dự án hỗ trợ đồng thời sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 119 bồi thường trong quá trình thi công xây dựng dự án.
- 14-09-2016Điều tra việc "xã hội đen" doạ dân giải phóng mặt bằng tại quận Hoàng Mai
- 26-08-201634ha giải phóng mặt bằng xong bỏ hoang
- 15-07-2016Dự án đất đấu giá Gia Lâm: Thu hồi thừa diện tích đất để giải phóng mặt bằng
Dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc tổ chức thi công các hạng mục công trình xây dựng giao thông có tính chất đặc thù, thường phải sử dụng các thiết bị thi công có tải trọng lớn, tạo rung chấn, chấn động hoặc sức ép lên nền đất (lu rung, búa rung, ép thủy lực, nổ phá…).
Do vậy, không thể tránh khỏi việc làm ảnh hưởng đến các công trình xây dựng hiện có xung quanh khu vực thi công xây dựng công trình, đặc biệt là với nhà dân 2 bên đường tại khu vực đô thị hoặc khu đông dân cư.
Trong những năm qua, tại các dự án giao thông, các cơ quan, đơn vị liên quan đã phải bồi thường thiệt hại khá nhiều trường hợp ảnh hưởng của quá trình thi công đến công trình xây dựng, nhà ở của người dân nằm ngoại phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, thực tế có tới 35.814 hộ dân bị rung, nứt nhà với kinh phí đền bù (nằm ngoài phần thuộc trách nhiệm của bảo hiểm) ước tính khoảng hơn 166 tỷ đồng. Người dân thường xuyên tổ chức khiếu kiện về vấn đề này.
Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng thi công, ông Dương Viết Roãn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, hiện nay, chính sách pháp luật có liên quan chưa quy định việc bồi thường, hỗ trợ các hộ dân nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng trong quá trình thi công.
“Quá trình chi trả đền bù cho các hộ dân này chỉ được thực hiện qua hợp đồng bảo hiểm công trình trong đó có điều khoản bảo hiểm mở rộng trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 trên cơ sở giám định tổn thất của Tư vấn giám định độc lập (tối đa không quá 10 tỷ),” ông Roãn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Roãn cũng cho rằng, trường hợp chi phí bồi thường đối với bên thứ 3 cho nhà ở, công trình xây dựng bị ảnh hưởng bởi hoạt động thi công xây dựng quá lớn, ngoài tầm kiểm soát của nhà thầu và đơn vị bảo hiểm.
Trong khi hiện nay, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng chưa ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 119/2015/NĐ-CP và chưa có giải pháp xử lý phần chi phí bồi thường nhà ở, công trình của người dân bị ảnh hưởng vượt hạn mức bồi thường tối đa của hợp đồng bảo hiểm công trình do chủ đầu tư mua.
Dẫn chứng, dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vẫn còn 20 tỷ đồng đền bù rung nứt nhà dân dù đơn vị bảo hiểm chi trả đền bù hết 10 tỷ đồng. Hay, nhà có vết nứt nhỏ, chỉ cần xử lý xịt keo, quét vôi là trở lại bình thường nhưng người dân tính toán phải đập ra, xây lại nên chênh lệch tiền đền bù rất lớn. Có nhà cách mép đường thi công hàng trăm mét cũng khiến kiện, đòi tiền đền bù nứt nhà (quy định kiểm định vùng ảnh hưởng của Bộ Xây dựng chỉ là 15m).
Trong trường hợp này, theo vị Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhà thầu, chủ đầu tư phải có các tài liệu để chứng minh vết nứt do khách quan hay hay do dân tự gây ra để “trục” lợi bảo hiểm. Cá biệt, có địa phương không chịu trách nhiệm, thường đứng về người dân “ép” bảo hiểm và nhà đầu tư nên gây bức xúc thêm.
“Thậm chí, vừa qua đã xuất hiện cả các đối tượng “cò” đòi hỏi bồi thường để ăn chia % nên nắm các Luật, thông tin rất chắc, nếu không kiên quyết là khó giải quyết. Hơn nữa, đội ngũ giải phóng mặt bằng ở địa phương rất yếu, không giải thích tường tận cho dân hiểu, thường áp đặt, thậm chí còn tư lợi cá nhân làm cho vấn đề thêm trầm trọng,” ông Roãn đánh giá.
Đối với các dự án đã và đang triển khai, để có cơ sở giải quyết đề nghị của các địa phương và các chủ đầu tư về việc bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án để chi trả đền bù, hỗ trợ để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng (ngoài phần thuộc trách nhiệm của bảo hiểm đã chi trả); giao Ủy ban Nhân dân các tỉnh, Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương quyết định mức đền bù, hỗ trợ và chi trả cho các hộ dân.
Với các dự án mới, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2015/NĐ-CP để áp dụng trong thực tiễn quản lý trong đó hướng dẫn cụ thể việc bồi thường trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 trong quá trình thi công xây dựng (gồm lún, nứt, đổ nhà ở, công trình của người dân nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng dự án); cho phép sử dụng nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án (được tính trong tổng mức đầu tư) để chi trả đền bù, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng./.
Ngày 13/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2016).
Theo đó, tại khoản 6 điều 3 của Nghị định này quy định: bên nhận thầu tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 theo khoản 3 điều 9 của Luật Xây dựng và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Vietnam+