MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Kinh doanh bảo hiểm cần được tạo điều kiện để giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ'

Ảnh: congthuong.vn

Ảnh: congthuong.vn

Kinh doanh bảo hiểm là một lĩnh vực tiềm năng cần được tạo điều kiện về mặt pháp luật. Việc đẩy mạnh phát triển thị trường bảo hiểm sẽ giúp huy động nguồn lực tài chính cho đất nước hiệu quả.

Cần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn về các loại hình bảo hiểm ở Việt Nam

Hiện nay, bảo hiểm vẫn là vấn đề mới mẻ với Việt Nam, số lượng người dân tham gia còn rất ít. Luật có độ trễ và khó hội nhập, chưa đáp ứng được năng lực cạnh tranh của thị trường Việt Nam nên cần sửa đổi.

Ngày 25/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn TP. Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận, Luật Kinh doanh Bảo hiểm được Quốc hội khóa X thông qua, đưa vào thực thi hơn 20 năm, trong đó bảo hiểm cơ bản từ nước ngoài vào Việt Nam hoạt động là chính, chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Bồi thường và chi trả cho người đóng bảo hiểm hơn 20 năm qua là hơn 339 nghìn tỷ đồng.

Bản sửa đổi cần đạt được mục tiêu đề ra, tạo hành lang pháp lý tốt, cũng như tạo môi trường đầu tư hấp dẫn về các loại hình bảo hiểm ở Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận định: "Trong một số lĩnh vực khác để đầu tư thì phải có đất đai, cơ sở vật chất còn bảo hiểm thì phải có môi trường để đầu tư. Làm sao cho người dân, nhà đầu tư thấy được sau khi sửa đổi sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi và người dân phải hiểu. Song, lần sửa này chưa đạt được điều đó".

Ông Trí đồng thời chia sẻ, kinh doanh bảo hiểm vẫn là lĩnh vực tiềm năng nên cần được tạo điều kiện về mặt pháp luật, giúp giảm gánh nặng của Chính phủ về bảo hiểm hiện nay trong bảo hiểm y tế.

Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa - đoàn Thanh Hóa đề nghị cân nhắc thận trọng quy định doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm.

“Việc cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm và các thông tin có liên quan mà không giới hạn về nội dung thông tin, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền được bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư của cá nhân - một quyền cơ bản theo quy định của hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Bởi lẽ trong số các thông tin này sẽ có không ít các thông tin cá nhân thông tin về đời sống riêng tư, thậm chí cả bí mật cá nhân”, đại biểu Bùi Mạnh Khoa bày tỏ lo ngại.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - đoàn Cần Thơ đã góp ý về dự án luật này, thị trường tài chính bảo hiểm ở Việt Nam đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, dự thảo chưa giải thích người mua tham gia thị trường này sẽ được gì, mà phần lớn mới chỉ tập trung vào các quy định liên quan đến bán bảo hiểm. Vấn đề này rất quan trọng, điều này giúp người dân có ý thức hơn về quyền lợi.

Ông Hùng nêu vấn đề và cho rằng cần những thuyết trình rõ hơn, cụ thể hơn về vấn đề trên: “Người mua quan trọng không kém gì so với người bán. Người mua phải thấy có lợi thì người ta mới tham gia”.

Trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - đoàn Quảng Ngãi đề nghị cần quy định trách nhiệm của đơn vị cung cấp bảo hiểm, bởi hiện vẫn đẩy rủi ro cho người mua bảo hiểm.

Bà Đinh Thị Phương Lan chia sẻ: "Cá nhân tôi là người từng mua bảo hiểm. Ban đầu giới thiệu đến năm thứ 3 sẽ hoàn trả thậm chí bù tiền lãi, thậm chí rất nhiều lợi ích nhưng đến khi yêu cầu dừng thì lại bảo nếu như đơn phương chấm dứt thì coi như mất, khiến người mua cảm thấy không đảm bảo trách nhiệm từ phía cơ quan kinh doanh bảo hiểm.”

Trong dự thảo luật có quy định kiểm soát về trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể để người mua bảo hiểm được biết quyền lợi đầy đủ của mình khi mua hợp đồng bảo hiểm.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Đức Thuận - đoàn Nghệ An thông tin, trên thực tế trong lúc đàm phán mua bảo hiểm, người mua chưa được giải thích rõ quyền và lợi ích dẫn đến khi mua xong phát hiện ra bên bán bảo hiểm không cung cấp đủ quyền và lợi ích của người mua.

“Bởi hợp đồng rất dày nhưng quyền đặt ở vị trí phía dưới nên nhiều khi người mua không biết hết được quyền của mình. Do đó phải làm sao để người mua bảo hiểm phải biết quyền và nghĩa vụ của mình”, đại biểu Trần Đức Thuận nêu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - đoàn TP. Hà Nội cũng nhất trí với việc thay đổi lần này, bởi đây là công cụ giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp khi xảy ra rủi ro, đồng thời cần phải bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

Tuy nhiên, việc sửa đổi một số điều khoản cần cân nhắc kỹ để không bảo hiểm một cách quá mức cho khách hàng, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Bên cạnh đó, hiện nay, còn nhiều hình thức giao dịch mới, không theo truyền thống nên dự thảo luật sửa đổi cần tính đến.

Mặt khác, theo ông Vũ Tiến Lộc, việc công bố thông tin của doanh nghiệp gia nhập thị trường là cần thiết, song phải bảo đảm tính bảo mật của doanh nghiệp. Trong dự thảo có một số điểm can thiệp quá sâu vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp, không phù hợp với Luật Doanh nghiệp nên cần được xem xét lại.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm phát triển

Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba - đoàn Bình Định cho rằng, việc sửa đổi luật lần này sẽ kiến tạo một thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, hiệu quả, tiệm cận với kinh nghiệm quốc tế.

Ông Ba cho biết, dự thảo luật đã tập trung phòng chống việc gian lận, tăng quản trị rủi ro, cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.

"Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, tăng tính công khai, minh bạch, sự chủ động và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Chất lượng, sự an toàn của thị trường, đẩy mạnh cải cách hành chính và các quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm… đã được dự thảo luật quy định cụ thể", đại biểu Đồng Ngọc Ba nhận xét.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng thuộc đoàn Cần Thơ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định, thị trường bảo hiểm, cùng chứng khoán, ngân hàng là ba trụ cột chính, đóng vai trò quan trọng hình thành thị trường vốn. Hai thị trường kia đã phát triển mạnh, còn thị trường bảo hiểm vẫn còn thiếu các điều kiện để phát triển tương ứng. Đẩy mạnh phát triển thị trường bảo hiểm sẽ giúp huy động nguồn lực tài chính cho đất nước hiệu quả. Nếu dự thảo luật bao quát được các kỳ vọng, sẽ có thể là cú hích, phát triển thị trường bảo hiểm.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, qua thảo luận và cho ý kiến vào dự thảo luật này, Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình nhận định, việc sửa đổi luật nhằm tạo cho doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt hơn, giúp doanh nghiệp phát triển và thị trường lành mạnh hơn.

Ánh Nguyệt

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên