Chủ tịch Quốc hội: Cuộc sống không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn, nhưng cần bình đẳng giữa người mua và người bán
Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm với cuộc sống, với sản xuất, kinh doanh nhưng cũng đề cao sự công bằng giữa các bên tham gia.
- 22-10-2021Hôm nay, Quốc hội họp về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
- 11-10-2021Chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
- 28-09-2021Khai trừ Đảng 2 cựu Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh
- 28-09-2021Ai sẽ được nhận hỗ trợ của gói 38.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1/10?
Sáng 25/10, phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là một trong 7 dự án luật đầu tiên mà Quốc hội khóa XV xây dựng. Với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa và kỹ lưỡng, các cơ quan của Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội đã tham gia đóng góp, xây dựng từ rất sớm. Quá trình góp ý, tiếp thu nhiều vòng và cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc, các vấn đề lớn cơ bản đã được giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, khi mới đưa dự thảo luật ra bàn thảo, đã có rất nhiều hiệp hội kinh doanh, Chính quyền các quốc gia khác quan tâm và bày tỏ băn khoăn, lo ngại về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, đến hiện nay, các vấn đề này đã được tháo gỡ.Quy định trong dự án luật đã tiệm cận thông lệ quốc tế tốt nhất, đảm bảo phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, đáp ứng nhu cầu Việt Nam.
Trong đối thoại trực tuyến với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN gần đây, với sự tham gia của hơn 100 CEO các tập đoàn lớn trên thế giới, họ đã không còn ý kiến gì lớn với dự án luật này nữa. Họ không còn cảm thấy bức xúc gì, bao gồm cả các đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
"Vai trò quan trọng của bảo hiểm thì các vị đã biết rồi. Người ta ví cuộc sống không có bảo hiểm như đi cầu thang mà không có tay vịn. Việc sửa đổi sau 20 năm ban hành luật cũng là tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh dư địa cho thị trường bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm vi mô, hoạt động bảo hiểm và hoạt động tái bảo hiểm ở Việt Nam vẫn còn rất lớn, ngay cả khi đã tăng trưởng cao trong thời gian gần đây. Việc tháo gỡ những vướng mắc trong thị trường bảo hiểm sẽ là biện pháp quan trọng nhằm phát triển thị trường vốn.
Xét về mặt hàng hóa, bảo hiểm là một sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, ngày càng hiện đại. Chủ trương của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng dịch vụ phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Các văn kiện Đại hội Đảng cũng đều nhấn mạnh việc này, đặc biệt là chú trọng vào các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic, khoa học – công nghệ….
Xét về tổng thể quá trình tiếp thu của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra và thông qua lần thảo luận này nữa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin rằng khi được thông qua, dự án luật này sẽ đáp ứng được tối đa những yêu cầu đặt ra: "Cá nhân tôi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khá an tâm về luật này".
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vẫn còn một số nội dung cần rà soát để nâng cao hơn nữa chất lượng luật này. Một trong số đó liên quan tới hợp đồng bảo hiểm theo hướng bình đẳng, đảm bảo quyền của cả người cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng dịch vụ.
"Đây là lĩnh vực chuyên ngành, rất sâu. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có cả hiệp hội chuyên ngành bảo vệ quyền lợi. Nhưng bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong lĩnh vực này thì Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng nhiều khi cũng chưa thể phát huy vai trò. Trước hết, phải hoàn thiện về khung khổ pháp lý", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Hai chủ thể này phải bình đẳng với nhau. Các hợp đồng này cũng phải phù hợp với gốc là Luật Dân sự chứ không phải bên nào đứng trên bên nào. Cả cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát theo hướng này để xác lập một mối quan hệ hợp đồng mà đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên có liên quan, phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Với xử lý tranh chấp, Chủ tịch Quốc hội cho biết không cần thiết có những cơ chế đặc thù cho lĩnh vực này mà dùng các cơ chế đã có, chẳng hạn như trọng tài thương mại, để giải quyết. Bên cạnh đó, các hợp đồng bảo hiểm cũng phải phù hợp xu thế mới là không gian mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bao trùm.
"Luật phải bảo vệ như nhau nhưng quan tâm tới các anh yếu thế. Thường thì doanh nghiệp bảo hiểm soạn thảo hợp đồng, có Hiệp hội kinh doanh bảo hiểm phía sau. Trong dự thảo luật cũng đã có tiếp thu, cụ thể là Hiệp hội không đi giải quyết những tranh chấp hợp đồng này", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để đảm bảo phát triển cân đối hài hòa hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm, kể cả nhân thọ và phi nhân thọ, bảo hiểm và tái bảo hiểm, rồi bảo hiểm vi mô.
Trong bảo hiểm phi nhân thọ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú ý đến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Dù báo cáo tiếp thu đã có nhưng chưa gia công thêm các nội dung này. Việt Nam là quốc gia chịu tác động vô cùng lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai. Cùng với đó là những thiệt hại khổng lồ của nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.
"Khi có thiên tai, chúng ta vẫn phải dựa vào hỗ trợ từ phía nhà nước và hỗ trợ của người dân (thông qua hoạt động thiện nguyện) chứ chưa có bù đắp từ sản phẩm bảo hiểm. Bảo hiểm lâm nghiệp, bảo hiểm ngư nghiệp gần như chưa có sản phẩm nào. Bảo hiểm cây trồng vật nuôi thì mới được thí điểm", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Các thí điểm này chủ yếu tập trung vào hộ gia đình với sự hỗ trợ một phần của nhà nước. Do thí điểm đúng lúc dịch tôm thẻ chân trắng bùng phát nên các công ty bảo hiểm phải đền bù quá nhiều, dẫn tới việc lụi dần. Tuy nhiên, mục đích của các sản phẩm bảo hiểm này là hướng tới sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông trại, trang trại lớn và các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
"Những quy định trong dự thảo luật chưa thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đồng thời khẳng định đây là lĩnh vực khó nhưng không thể không làm.
Về bảo hiểm vi mô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục nghiên cứu chiến lược tài chính toàn diện để thể chế hóa tài chính vi mô trong dự thảo luật này. Nếu bảo hiểm vi mô đi vào được các vùng sâu, vùng xa, tiếp cận được những người yếu thế thì rất tốt.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị không chấp nhận các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm dưới chuẩn. Ông cũng không đồng tình việc phải tới ngày 1/7/2023 dự luật này (nếu được thông qua) mới có hiệu lực mà ủng hộ nó đi vào cuộc sống ngay từ 1/1/2023 trong trường hợp nó được Quốc hội thông qua trong kỳ họp vào tháng 5 năm sau.
Trí Thức Trẻ
- Thúc đẩy TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, phát triển chuỗi công nghiệp gắn với hành lang kinh tế xuyên Á
- Hải Phòng, Thanh Hóa... chính thức được hưởng cơ chế đặc thù, đây là một vài điểm đáng chú ý
- Quốc hội chốt chỉ tiêu GDP năm 2022 khoảng 6-6,5%
- Thủ tướng giải đáp chương trình ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới: Sẽ quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ y tế
- Phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XV: Để lại nhiều dấu ấn