MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới: Lợi lớn, rủi ro nhiều

Kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa lựa chọn. Phương thức kinh doanh này còn là cơ hội tốt để đưa sản phẩm xuyên biên giới. Tuy nhiên thực tế có toàn màu hồng?

Thị trường tỷ USD

Trong một diễn đàn về Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức mới đây tại TPHCM, khi diễn giả hỏi có DN nghiệp nào đang kinh doanh trên các sàn TMĐT, gần 50% cánh tay trong hội trường đưa lên. Đặc biệt, trong đó có nhiều người còn bán hàng trên các sàn TMĐT quốc tế như Amazon, Alibaba…

Kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới: Lợi lớn, rủi ro nhiều - Ảnh 1.

Hộ kinh doanh ở Bến Tre chào hàng trên sàn thương mại điện tử

 Thu Trang (30 tuổi), khởi nghiệp với sản phẩm hoa giấy thủ công đang “ăn nên làm ra” khi bán hàng trên trang Amazon. Hoa giấy có giá không hề rẻ, tới 30USD/bông, tức hơn 600.000 đồng. Với mức giá đó, tại Việt Nam sẽ ít ai mua, nhưng quốc tế lại rất chạy hàng. Bên cạnh đó, cô còn xây dựng website riêng. Khi khách mua hàng trên trang TMĐT sẽ có đường dẫn để tham quan và mua hàng trực tiếp trên website của Trang.

Tương tự, Hiếu Nguyễn cũng sớm gặt hái thành công khi bán hàng trên Alibaba. Sản phẩm của chàng trai trẻ là mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, cói… “Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, handmade của Việt Nam đạt được độ tinh xảo cao, có sự cạnh tranh so với các sản phẩm nước ngoài. Chính vì vậy, tôi muốn mang chúng tới tay người tiêu dùng quốc tế” - Hiếu Nguyễn chia sẻ.

Gần đây, nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh ở Bến Tre cũng bắt đầu đưa các sản phẩm như dầu dừa, mỹ phẩm chiết xuất từ dừa, đồ dùng từ gáo dừa lên sàn Lazada. Bà Nguyễn Thị Kim Truyền (51 tuổi, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), chủ cơ sở Thiên Ân chuyên sản xuất dầu dừa, bộc bạch: “Trước nay đa phần người dân Bến Tre bán sản phẩm cho hệ thống thương lái nên không chủ động được về giá cả. Nhiều mặt hàng giá rẻ, đầu ra không ổn định gây khó cho nông dân. Nay chúng tôi có cơ hội đưa hàng vào các kênh bán hàng thương mại điện tử uy tín, có lượng khách hàng lớn nên rất kỳ vọng về doanh số bán được. Hơn nữa, ước mơ xuất khẩu cũng gần hơn”.

Theo các chuyên gia, để gia tăng kim ngạch trong thời gian tới, trong ngắn hạn, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để nhanh chóng tiếp cận tới mọi thị trường, bao gồm những thị trường đang có tranh chấp thương mại. Trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng… Hiện, 2 sàn TMĐT Amazon và Alibaba đều đang đẩy mạnh hoạt động thu hút các DN Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử của mình. Đây được đánh giá là cơ hội lớn cho DN bởi chỉ tính riêng số lượng tài khoản người mua hàng trên Amazon đã lên tới 300 triệu, còn Alibaba vào khoảng 260 triệu.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương dự báo, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3,3 ngàn tỷ USD trong 2 năm tới. Do đó xuất khẩu qua môi trường thương mại điện tử là xu thế tất yếu và cũng là phương thức nhanh nhất giúp DN có được đơn hàng.

Không dễ

Anh Trần Quỳnh (ngụ Q.3) từng gửi hàng trên trang TMĐT quốc tế chua chát khi mất 1 số tiền lớn mà chưa biết đòi lại bằng cách nào. Chẳng là anh đang bán hàng trên Amazon được một thời gian, bỗng một ngày đẹp trời, anh nhận thông báo phạt 40.000USD mà chưa rõ lý do. Vì hàng còn nhiều trong kho của trang TMĐT này, anh Quỳnh lập một tài khoản khác để bán hàng. Ngay lập tức, anh bị trừ thêm 30.000USD do liên quan đến tài khoản cũ. “Do sàn TMĐT mình ký gửi hàng lúc bấy giờ vẫn chưa có đại diện tại Việt Nam, nên tôi vẫn chưa biết làm cách nào để  yêu cầu hoàn trả lại tiền…” - Quỳnh ngao ngán.

Trà My (36 tuổi, chuyên mặt hàng thiết kế thời trang) cho biết, khi ký gửi hàng trên sàn TMĐT nước ngoài, việc bị “mượn” ý tưởng, sản phẩm tương tự nhưng giá thành rẻ hơn… từ các DN khác vẫn thường xuyên xảy ra. Do vậy, Trà My phải chi tiền cho việc chạy quảng cáo, ký gửi hàng trên nhiều sàn khác nhau, khuyến mãi, giảm giá… khiến cô chạy “bở hơi tai” để bán hàng; nhiều khi còn… ôm lỗ.

Ông Trần Qúy Hiến, FBA Freedom (hội nhóm các nhà bán hàng trên Amazon) nhận định, thực tế cho thấy có nhiều sản phẩm thương hiệu Việt được người tiêu dùng quốc tế biết đến thông qua TMĐT. Các mặt hàng đang bán chạy hiện nay là sách, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, đồ điện tử, hàng gia dụng, sản phẩm nhà bếp, văn phòng phẩm…Trong đó Việt Nam có nhiều sản phẩm tự nhiên như dầu dừa, dầu gấc, dầu tràm, hàng thủ công, đồ da, giày dép cũng như các thương hiệu đồ gia dụng, văn phòng phẩm có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài. “Tuy nhiên, để có thể tiếp cận và duy trì được hoạt động bán hàng trên các sàn TMĐT toàn cầu, DN phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm đã cam kết với sàn và chấp nhận sự cạnh tranh trực tiếp từ những sản phẩm tương tự ngay trên một nền tảng bán hàng” - ông Hiến cho biết.

Ông Phạm Tấn Đạt - CEO FADO cho rằng, trong xuất khẩu trực tuyến, DN phải biết quản trị rủi ro để tránh bị thiệt hại. Những vấn đề DN cần lưu ý là đầu tư kiểm soát nội dung chi tiết trong hợp đồng để có thể bảo vệ người bán cũng như người mua ngay từ đầu. Cụ thể là ghi rõ ràng các sản phẩm liên quan đến hóa đơn, hợp đồng cũng như tất cả các thông số kỹ thuật liên quan đến sản phẩm… Ngoài ra, DN cần chú ý phân tích sản phẩm và đích đến của lô hàng để lựa chọn công ty vận chuyển phù hợp, mua bảo hiểm xuất khẩu để đề phòng rủi ro.

Người Việt thích chợ mạng nước ngoài Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, người Việt mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với sản phẩm trực tuyến trong nước. Nguyên nhân bởi các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay, Alibaba… có uy tín hơn các trang bán hàng trong nước. Ngoài ra, hàng hóa của nước ngoài cũng phong phú, đa dạng hơn, phù hợp với bộ phận lớn người tiêu dùng trong nước, nhất là ở các thành phố lớn. Trong khi đó, DN Việt chưa xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng, chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng, yếu trong khâu kết nối trung gian… Uyên Phương


Theo Uyên Phương ​

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên