Kinh tế mất đà đúng lúc chiến tranh thương mại leo thang, NHTW Trung Quốc vừa phải thay đổi chính sách lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế
Từ nhiều năm nay Bắc Kinh đã cố gắng thay đổi cách lãi suất thực sự tác động tới nền kinh tế và cũng muốn chính sách của mình gần hơn so với cách điều hành của các NHTW lớn trên thế giới.
- 21-08-2019Thế khó của HSBC: Tai bay vạ gió vì Huawei, chao đảo trước những 'cơn gió' ngược khi bị kẹt giữa phương Tây và Trung Quốc
- 20-08-2019Nếu kinh tế Mỹ thực sự suy thoái, Trung Quốc sẽ là nguyên nhân chính
- 18-08-2019Vì sao Trung Quốc không dám để đồng nhân dân tệ hạ giá quá sâu?
NHTW Trung Quốc vừa thay đổi cách thức các ngân hàng thương mại thiết lập lãi suất cho vay – động thái được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí đi vay ở thời điểm mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cần một cú hích.
Không giống như Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed, NHTW Trung Quốc (PBOC) không sử dụng đơn nhất 1 công cụ chính sách tiền tệ căn bản. Thay vào đó, PBOC sử dụng đồng thời một nhóm các chính sách để kiểm soát cung tiền và lãi suất.
Một trong những công cụ này là lãi suất LPR, là mức lãi suất mà các ngân hàng áp dụng với những khách hàng đáng tin cậy nhất của mình. Hôm thứ 7 tuần trước (17/8) Bắc Kinh thông báo LPR sẽ được thay đổi kể từ tháng này.
Theo đó, PBOC hối thúc các ngân hàng thương mại sử dụng LPR – thay vì lãi suất cho vay cơ bản do PBOC ấn định – làm lãi suất tham chiếu cho các khoản vay mới. Lãi suất LPR sẽ được ấn định vào ngày 20 hàng tháng thay vì hàng ngày như trước. Số định chế tài chính được phép tham gia quá trình ấn định lãi suất LPR được tăng từ 10 lên 18. Các ngân hàng cũng được yêu cầu gắn lãi suất LPR với lãi suất cho các khoản vay trung hạn (MLF).
Ra đời từ tháng 10/2013, LPR được định nghĩa là phản ánh lực cầu tín dụng trên thị trường tốt hơn so với lãi suất cơ bản. Tuy nhiên trên thực tế điều này không hoàn toàn đúng. Một trong những lý do là do nhiều ngân hàng vì muốn bảo vệ biên lợi nhuận đã từ chối cho vay với mức lãi suất thấp hơn quá nhiều so với lãi suất cơ bản, trong khi lãi suất cơ bản đã được giữ nguyên từ tháng 10/2015 đến nay.
Vì LPR được áp dụng cho những khách hàng tốt nhất và ít rủi ro nhất, nó trở thành mức lãi suất cho vay tối thiểu không chính thống ở Trung Quốc.
PBOC cho biết chính LPR là nguyên nhân khiến chi phí đi vay ở Trung Quốc không thể giảm xuống dù các lãi suất khác nhạy cảm hơn với cung và cầu trên thị trường đều đã giảm.
Một công cụ khác mà PBOC thường sử dụng để điều chỉnh chính sách tiền tệ là lãi suất cho vay trung hạn MLF. Lãi suất này được coi là liên quan nhiều hơn đến cung cầu trên thị trường tiền tệ Trung Quốc. Hiện mức lãi suất MLF kỳ hạn 1 năm ở quanh 3,3% - thấp hơn so với lãi suất cơ bản 4,35% mà PBOC thiết lập.
Gắn lãi suất LPR với lãi suất các khoản vay MLF sẽ giúp giảm lãi suất LPR, và được kỳ vọng sẽ giúp giảm lãi suất cho vay nói chung. Chính sách này cũng đã có tác dụng. Hôm qua, ngày đầu tiên áp dụng, lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm ở mức 4,25% - giảm so với mức 4,31% trước đó, trong khi lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm ở mức 4,85%, thấp hơn con số 4,9% của lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm.
Về lý thuyết, điều này sẽ giúp giảm lãi suất của các khoản vay mới cho các doanh nghiệp cũng như hộ gia đình.
Chính sách lãi suất hiệu quả hơn
Từ nhiều năm nay Bắc Kinh đã cố gắng thay đổi cách lãi suất thực sự tác động tới nền kinh tế và cũng muốn chính sách của mình gần hơn so với cách điều hành của các NHTW lớn trên thế giới, tức là chủ yếu sẽ tập trung điều chỉnh lãi suất của các khoản vay ngắn hạn để tác động đến chi phí đi vay trong toàn nền kinh tế.
Trung Quốc vẫn đang duy trì nền kinh tế kế hoạch, nơi NHTW định đoạt lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, vì nền kinh tế ngày càng mở cửa và gắn kết nhiều hơn so với thị trường quốc tế, mấy năm gần đây PBOC đã cho phép các ngân hàng linh hoạt hơn khi thiết lập lãi suất.
Ngay trong lúc chiến tranh thương mại với Mỹ trở nên căng thẳng hơn và nhiều khả năng sẽ leo thang hơn nữa trong những tháng tới, đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc lại đang giảm tốc. Giới chức nước này đã sử dụng cả các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng một số lĩnh vực vẫn cần được trợ giúp nhiều hơn nữa, và Bắc Kinh đang hi vọng động thái mới này sẽ đem lại những hiệu quả tích cực.