Kinh tế Philippines có thể "lâm nguy" vì tân Tổng thống
Những thành quả kinh tế do tổng thống Philippines tiền nhiệm gây dựng đang có nguy cơ bị ông Duterte phủi sạch.
- 19-09-2016Đã có 3.500 người chết trong chiến dịch chống ma túy ở Philippines
- 18-09-2016Chặng đường từ chú bé rắc rối trở thành Tổng thống Philippines
- 11-09-2016Phía sau lời thoá mạ của Tổng thống Philippines dành cho Tổng thống Mỹ
Dưới thời ông Rodrigo Duterte, tổng thống của Philippines kể từ cuối tháng 6 năm nay, mọi thứ dường như đang mất kiểm soát. Đầu tiên là chiến dịch chống ma túy, khiến hơn 3.000 người tình nghi bị thiệt mạng. Phần lớn trong số này không được xét xử theo trình tự pháp lý đầy đủ. Chỉ trong chưa đầy ba tháng, số người bị tử hình không qua xét xử ở Philippines đã bằng 3/4 số người da đen bị giết ở Mỹ từ năm 1877 đến 1950.
Khi tổng thống Barack Obama bày tỏ quan ngại về tình hình giết chóc ở Philippines, ông đã bị ông Duterte gọi là “con của gái điếm”. Tổng thống Mỹ đã cố nhún nhường. Nhưng ông Duterte không dừng lại và tiếp tục đẩy mẫu thuẫn với người Mỹ lên tầm cao mới trong tuần này. Ông kêu gọi quân đội Mỹ đóng ở hòn đảo Mindanao ở phía nam Philippines rời khỏi nước này. “Chừng nào người Mỹ còn ở với chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ có hòa bình”, ông Duterte nói.
Vào hôm 13/9, ông Duterte đã yêu cầu bộ trưởng quốc phòng mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc thay vì Mỹ. Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Philippines từ trước đến nay và cũng là nước viện trợ hàng trăm triệu USD mỗi năm cho quân đội Philippines. Ông Duterte cũng yêu cầu hải quân Philippines không tuần tra Biển Đông cùng với tàu Mỹ. Sự thay đổi 180 độ này đã khiến nhiều người ngạc nhiên vì xưa nay Mỹ vẫn được đông đảo người dân Philippines ủng hộ.
Không chỉ thô lỗ và tàn nhẫn, ông Duterte còn là người có tính khí thất thường một cách đáng ngại. Ông có ít kinh nghiệm về quản trị quốc gia, chứ chưa nói gì đến chính trị quốc tế. Ông Duterte đã làm thị trưởng Davao, một thành phố chỉ có 1,5 triệu dân suốt từ năm 1988. Kể từ khi trở thành tổng thống, ông đã đe dọa rút khỏi Liên hiệp quốc và tuyên bố tình trạng thiết quân luật. Ông còn tỏ ra ngưỡng mộ Ferdinand Marcos, một nhà cựu độc tài của Philippines. Tất cả những điều này đã làm nản lòng nhà đầu tư trong và ngoài nước, và đe dọa làm suy yếu vị thế ngôi sao kinh tế mới ở Đông Nam Á của Philippines.
Trước khi ông Duterte lên làm tổng thống, kinh tế Philippines đã tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước trong quý hai. Con số này còn lớn hơn cả tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và hầu hết các nước khác trong khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp ở Philippines chỉ là 5,4%. Trong nhiệm kỳ 6 năm của tổng thống Benigno Aquino, người tiền nhiệm của ông Duterte, thị trường chứng khoán Philippines đã bùng nổ mạnh mẽ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gấp ba từ năm 2009 đến năm 2015.
Do đó, ông Duterte đã thừa hưởng một quốc gia đang phát triển tốt về kinh tế từ người tiền nhiệm. Đáng buồn là, chính sách xử lý tội phạm đẫm máu và thói quen lăng mạ các lãnh đạo nước ngoài của ông Duterte đã khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ. Trong tháng này, Phòng công nghiệp và thương mại Mỹ đã cảnh báo rằng, chiến dịch chống ma túy đang phá vỡ cam kết tôn trọng pháp quyền của chính phủ Philippines. Một nhà tư vấn tài chính cho biết, kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, nhà đầu tư đã đòi hỏi mức phí bù rủi ro cao hơn để nắm giữ tài sản của Philippines. Như Guenter Taus, chủ tịch Phòng công nghiệp và thương mại Châu Âu ở Philippines đã nói: “Nhiều người không muốn đầu tư vào Philippines ở thời điểm này”.
Các chuyên gia nhận định, tình trạng buôn bán ma túy sẽ chỉ tạm thời lắng xuống, trong khi những tổn hại gây ra với thể chế dân chủ của Philippines sẽ còn kéo dài. Cảnh sát thừa nhận, các băng đảng ma túy đã lợi dụng chính sách của ông Duterte để giết đối thủ cạnh tranh hoặc những người cung cấp thông tin. Sự lạm quyền của cảnh sát cũng khiến nhiều người ớn lạnh. Một cư dân nước ngoài sống ở Manila đã lâu cho biết, bạn bè của anh đều có ý định rời khỏi Philippines. Anh cũng sợ mình sẽ bị cảnh sát bắn vô cớ vào một ngày nào đó. “Điều này không xảy ra dưới thời tổng thống Aquino. Không có chuyện giết người bừa bãi mà không phải đi tù”, anh nói.
Giới doanh nhân Philippines cũng sợ rằng, họ có thể bị buộc tội mà không có bằng chứng. Ông Duterte đã cho lập ra một danh sách các quan chức bị cáo buộc là người buôn ma túy. Ông cũng chỉ đích danh Roberto Ongpin, chủ tịch một công ty đánh bạc trực tuyến, là doanh nhân có quan hệ chính trị không bình thường. Cổ phiếu ở công ty của Ongpin đã ngay lập tức lao dốc hơn 50%. Ông Ongpin từ chức một ngày sau đó và cam kết bán hết cổ phần của mình ở công ty. “Mọi người đều sợ hãi. Không một công ty nào dám chống lại ông ấy. Họ sợ rằng doanh nghiệp của mình sẽ bị cướp đi mất”, một doanh nhân có tên tuổi của Philippines nói.
Chính sách đối ngoại của ông Duterte cũng đang bị đặt câu hỏi. Ông dường như muốn củng cố quan hệ với Trung Quốc và xa rời Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Duterte đã hoàn toàn im lặng về tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
“Xây cho tôi một tuyến đường sắt quanh Mindanao, xây cho tôi một tuyến đường sắt từ Manila tới Bicol, tôi sẽ im lặng”, ông nói với Trung Quốc như vậy. Ông cũng thừa nhận, các nhà tài trợ Trung Quốc ẩn danh đã chi tiền cho chiến dịch tranh cử của ông. Sự “nhu mì” của ông Duterte với Trung Quốc khiến người ta không khỏi ngạc nhiên, xét đến tính cách coi trời bằng vung và những phát ngôn bạt mạng của ông này.
Các chuyên gia cho rằng, tính khí đồng bóng của ông Duterte sẽ khiến Philippines đánh mất đồng minh và bị các nước xa lánh. Ông gây sự với Mỹ, giới doanh nhân, và các nhà lập pháp của Philippines. Vị tổng thống độc đoán này đang làm suy yếu Philippines, khiến nhà đầu tư tháo chạy và tăng trưởng giảm sút. Đáng buồn thay, người dân Philippines dường như đã quen với câu chuyện này.