MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn vào những biểu đồ này, Tổng thống Philippines sẽ phải hối hận vì đã chửi rủa ông Obama

09-09-2016 - 14:03 PM | Tài chính quốc tế

Phụ thuộc nặng nề về kinh tế là lý do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra lời xin lỗi người đồng cấp Mỹ sau câu chửi thề khiến Nhà Trắng hủy cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào.

Trong tuần qua, Tổng thống Duterte liên tiếp trở thành tâm điểm trên các mặt báo vì hàng loạt sai lầm trong lần đầu tiên bước ra vũ đài quốc tế cùng các nhà lãnh đạo trong và ngoài khu vực. Sai lầm được coi là tệ hại nhất của ông Duterte xảy ra trong cuộc họp báo trước cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN tại Lào.

Dù là người nổi tiếng với các phát ngôn cứng rắn những không chịu xin lỗi nhưng ông Duterte đã phải xuống nước sau khi Nhà Trắng tuyên bố hủy cuộc gặp vì Tổng thống Barack Obama bị gọi là “con của mụ điếm”. Trong lời xin lỗi chính thức, Duterte cho biết câu nói của ông không nhằm vào người đồng cấp Mỹ mà chỉ nhấn mạnh cho câu trả lời.

Xét trên phương diện ngoại giao, Duterte không buộc phải xin lỗi người đồng cấp Mỹ dù ông nên làm điều đó. Chỉ trong tháng trước, vị tổng thống mới nhậm chức của Philippines đã gây ra cuộc chiến ngoại giao với Mỹ khi dùng lời lẽ tương tự để nói về Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg. Tuy nhiên, ông Duterte không đưa ra lời xin lỗi và hai nước vẫn là đồng minh.

Tuy nhiên, xét về các mối quan hệ khác, Tổng thống Duterte vẫn phải xin lỗi ông chủ Nhà Trắng vì những ràng buộc trong mối liên hệ kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia trong đó Manila sắm vai là kẻ phụ thuộc. Các dữ liệu về kinh tế cho thấy Mỹ đóng vai trò rất quan trọng tới nền kinh tế của Philiipines, quốc gia phát triển tầm trung trong ASEAN.

Kiều hối

Theo số liệu năm 2013, có 10 triệu người Philippines sống ở nước ngoài, trong đó có 3,5 triệu người sống ở Mỹ. Khoản ngoại tệ họ gửi về gia đình ở nơi quê nhà là nguồn thu ngoại tệ chính của chính phủ Philippines. Kiều hối chiếm khoảng 10% GDP của quốc đảo này. Chỉ tính riêng năm 2015, Phil kiều gửi về nước 25,8 tỷ USD tiền mặt và 31% trong số đó có nguồn gốc từ Mỹ.

Nhìn vào những biểu đồ này, Tổng thống Philippines sẽ phải hối hận vì đã chửi rủa ông Obama - Ảnh 1.

Kiều hối từ Mỹ chiếm đa số tại Philippines.

Liên kết thương mại

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Philippines sau Trung Quốc. Xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng 23% kể từ năm 2010 và đạt 18 tỷ USD trong năm ngoái. Philippines có thặng dư thương mại với Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy móc chạy điện và hàng dệt may sang Mỹ.

Nhìn vào những biểu đồ này, Tổng thống Philippines sẽ phải hối hận vì đã chửi rủa ông Obama - Ảnh 2.

Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc trong hợp tác thương mại với Philippines.

Đầu tư nước ngoài

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Philippines, trong năm ngoái, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 ở Philippines sau Hà Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đầu tư vào Philippines của Mỹ bị hạn chế bởi quy định các công ty nước ngoài chỉ được sở hữu 40% cổ phần các doanh nghiệp của Philippines trong nhiều ngành công nghiệp.

Nhìn vào những biểu đồ này, Tổng thống Philippines sẽ phải hối hận vì đã chửi rủa ông Obama - Ảnh 3.

Mỹ đứng thứ 4 trong danh sách đầu tư nước ngoài vào Philippines.

Trung tâm chăm sóc khách hàng

Các doanh nghiệp địa phương ở Philippines hoạt động mạnh trong ngành công nghiệp gia công phần mềm, chẳng hạn như các trung tâm chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, chúng bị chi phối bởi các tập đoàn lớn của Mỹ. Với lợi thế nhân công rẻ, nguồn lực trẻ và tiếng Anh tốt, Philippines đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho lĩnh vực này và phần lớn khách hàng của họ là doanh nghiệp Mỹ.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên