Kinh tế số: Không để chính sách "đuổi" doanh nghiệp ra khỏi Việt Nam
"Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0" bởi các chỉ số liên quan đến đổi mới và sáng tạo còn ở mức thấp...
- 13-07-2018Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về đầu tư thương mại!
- 13-07-2018Robot Sophia nói gì về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam?
- 27-04-2018Thủ tướng nghe các chuyên gia Singapore chia sẻ về cách mạng công nghiệp 4.0
Việt Nam có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tận dụng cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhưng môi trường kinh tế số của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
"Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0", đó là nhận định được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra ngay trước thềm diễn ra Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ASEAN về Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Hà Nội vào ngày 11-13/9.
Lý do, theo ông Cung, là bởi các chỉ số liên quan đến đổi mới và sáng tạo ở Việt Nam còn ở mức thấp. Dẫn báo cáo được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố gần đây nhất, ông Cung cho rằng, Việt Nam thuộc vào nhóm các quốc gia "trứng nước" về công nghệ và đổi mới.
Cụ thể, Việt Nam xếp hạng 70 về nguồn nhân lực, trong đó các chỉ số về lao động có chuyên môn cao, chất lượng đại học lần lượt xếp hạng 81 và 75. Chỉ số công nghệ và đổi mới sáng tạo xếp hạng 90 trong đó đứng thứ 92 về nền tảng công nghệ và thứ 77 về năng lực sáng tạo.
Trong số những nước ở khu vực Đông Nam Á được báo cáo của WEF đánh giá, Việt Nam đứng sau Singapore và Malaysia (hai nước thuộc nhóm 25 nước "dẫn đầu"), Thái Lan và Philippines (hai nước thuộc nhóm 10 nước "có kế thừa"). Việt Nam cũng đứng sau Indonesia và chỉ trên Campuchia, là hai nước cùng nhóm 58 nước "trứng nước" với Việt Nam. Đông Nam Á không có nước nào thuộc nhóm 7 nước "tiềm năng cao".
Nhưng theo ông Cung, vấn đề đáng quan ngại đối với Việt Nam hiện nay chính là môi trường kinh doanh cho sự phát triển của ngành kinh tế số đang có nhiều vấn đề. Chỉ số đánh giá sự nghiêm ngặt của các quy định pháp luật liên quan tới kinh tế số của Việt Nam được xếp ở mức 0,45 điểm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của các nước được WEF đánh giá, tương đương với vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng của WEF. "Điều này cho thấy chính sách pháp luật của chúng ta đang có nhiều quy định bất cập, gây trở ngại cho hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ liên quan tới công nghệ", ông Cung nhận định.
Dẫn câu chuyện tranh cãi gần đây giữa hình thức gọi xe Grab, Uber... với hình thức taxi truyền thống hay hàng loạt doanh nghiệp startups phải sang Singapore để đăng ký kinh doanh... ông Cung cho rằng sẽ không có môi trường thuận lợi cho tài năng số, lực lượng lao động có kỹ năng về kinh tế số có môi trường để hiện thực nó nếu chúng ta không có những thay đổi về tư duy quản lý kinh tế theo hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0.
"Đó là cái mà chúng ta cần suy nghĩ, những thứ mà chúng ta đang làm hiện nay hoàn toàn không phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên kinh tế số", TS. Cung nói.
Trong khi Việt Nam đang có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh số nhưng vẫn được xếp vào nhóm "trứng nước" thì có tới 25 nước thuộc nhóm dẫn đầu được hưởng lợi từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 (Mỹ, Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Áo, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Israel, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Ba Lan, Singapore, Slovenia, Tây Ban Nha). Nhóm này hiện chiếm hơn 75% giá trị sản xuất toàn cầu và tiếp tục có khả năng tăng trưởng thị phần trong tương lai.
Vì vậy, vị chuyên gia đến từ CIEM cảnh báo Việt Nam cần phải nhanh chóng "cùng tư duy, cùng suy nghĩ, thúc đẩy cho quá trình cải cách nhất là khi trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 hay 5.0 mà kỷ nguyên kinh tế số ở Việt Nam vẫn chỉ là trên giấy tờ, trên hội nghị".
Theo đó, ông Cung cho rằng Cách mạng Công nghiệp 4.0 cần suy nghĩ hành động hơn là các tuyên bố khẩu hiệu và cũng phải bắt đầu bằng tư duy, thể chế, hạ tầng và các kế hoạch hành động cụ thể. "Những quy định sắp tới ban hành, nếu chúng ta không thay đổi, vẫn theo lối đưa ra các điều kiện kinh doanh can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp; thêm các giấy phép con, cháu, chúng ta sẽ tiến nhanh hơn quá trình đuổi doanh nghiệp ra khỏi Việt Nam sớm hơn", ông Cung nói và thêm rằng "Hay chúng ta kêu gọi nhân tài Việt Nam ở nước ngoài về đóng góp xây dựng kinh tế trong nước. Nhưng trước hết chúng ta hãy phát huy hết trí tuệ người trong nước vì chừng nào thể chế kinh tế còn bất cập, môi trường kinh doanh còn chưa minh bạch, người Việt còn phải ra Singapore để thành lập doanh nghiệp thì người ở Việt Nam vẫn sẽ ra đi và người Việt Nam ở nước ngoài cũng khó trở về".
Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) từ ngày 11-13/9/2018 tại Hà Nội là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương lớn được tổ chức ở Việt Nam trong năm 2018 với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế lớn và gần 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu ASEAN.
Với chủ đề "ASEAN 4.0: tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0", Diễn đàn là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá đúng tầm vóc và tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với các nước ASEAN và khu vực, đặc biệt là tác động đến doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở đó, chia sẻ các ý tưởng, tầm nhìn, các hướng đi và chính sách phù hợp để khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân...
VnEconomy