Kinh tế Trung Quốc còn xấu thêm trong năm 2019
Trung Quốc vừa trải qua một năm 2018 không mấy tốt đẹp và tình hình còn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu trong năm nay.
- 07-01-2019Elon Musk động thổ xây nhà máy xe điện tại Trung Quốc, tham vọng biến đầm lầy thành dây chuyền siêu hiện đại trong vài tháng
- 07-01-2019Samsung đóng cửa nhà máy ở Thiên Tân (Trung Quốc), gần 2.600 công nhân phải nghỉ việc
- 07-01-2019Châu Phi lo chìm trong "biển nợ Trung Quốc"
Kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới đang dấn sâu vào một thời kỳ khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phần còn lại của thế giới.
Sau vài thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu “hụt hơi”. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018 của quốc gia này đạt mức thấp nhất kể từ năm 1990. Và năm 2019 dường như sẽ còn “tồi tệ” hơn nữa.
“Những yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng chậm lại thì vẫn chưa 100% hoàn toàn tác động lên nền kinh tế. Nếu chúng kết hợp lại cùng nhau thì sẽ cho ra những hệ quả chưa từng có tiền lệ”, theo báo cáo nghiên cứu của một nhà phân tích đến từ Moody’s.
“Đó là khởi nguồn của rất nhiều những rủi ro cũng như sự bất ổn cho nền kinh tế”.
Những gì Trung Quốc đang trải qua đều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như các thị trường trên thế giới. Quốc gia này hiện là nước có lượng hàng hóa xuất khẩu lớn nhất trên thế giới. Họ nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia khác sau đó xuất khẩu ra thế giới những mặt hàng như iPhone, máy tính xách tay, máy san ủi và rất rất nhiều các loại hàng hóa khác.
Sự “bùng nổ” tầng lớp trung lưu đã biến quốc gia này thành thị trường hàng hóa tiêu dùng như xe hơi, điện thoại thông minh và bia lớn nhất trên thế giới, tạo ra nguồn doanh thu hàng tỷ USD cho các công ty như General Motors và Apple.
Chi tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng trong kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
“Trung Quốc đã trở thành đầu tàu phát triển của nền kinh tế thế giới”, Raijv Biswas, nhà kinh tế học trưởng khu vực châu Á- Thái Bình Dương thuộc công ty nghiên cứu IHS Markit, nói.
Nỗi lo sợ về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc phần nào được phản ánh thông qua thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán của quốc gia này đã chính thức vào “thị trường giá xuống” hồi tháng 6/2018, mất đi 25% giá trị so với đầu năm. Sự kiện này cũng có những tác động nhất định lên thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu.
Điều chưa rõ ràng ở đây là những hệ quả nghiêm trọng mà sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế mang lại cũng như khoảng thời gian mà chính phủ Trung Quốc cần để cải thiện tình hình.
Một vấn đề quan trọng nữa là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt nguồn trong năm 2018 sẽ diễn biến ra sao vào năm 2019?
Sau khi đã áp thuế nhập khẩu lên lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau, hai bên đang nỗ lực đàm phán để đi đến một thỏa thuận thương mại vào cuối tháng 2. Nếu như thất bại, mức thuế quan hiện tại thậm chí sẽ còn gia tăng lên một mức độ cao hơn.
Trong khi đó, “cú tát” từ chiến tranh thương mại được dự đoán còn có những hệ quả nặng nề hơn đối với Trung Quốc trong vài tháng tới, ảnh hưởng nghiêm trọng lên lượng hàng hóa xuất khẩu cũng như lợi nhuận của các công ty của quốc gia này.
“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực ngay cả khi hàng rào thuế quan mới được phá bỏ”, theo Julian Evans Pritchard, nhà kinh tế học Trung Quốc cao cấp thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics.
Mọi người đang đưa ra những ý kiến trái chiều xung quanh việc hai nước có thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng trong thời gian hai tháng tới hay không? Những tranh luận giờ đây thậm chí còn vượt ra ngoài chủ đề thương mại. Nó đã lan sang vị thế của Trung Quốc trong làng công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, các chính sách về đầu tư, công nghiệp và độ mở của thị trường.
Bên cạnh việc áp mức thuế nhập khẩu mới, chính phủ Mỹ trong năm nay đã ra sức ngăn cản hai công ty công nghệ lớn của Trung Quốc mua linh kiện điện tử được sản xuất tại quốc gia này, cân nhắc kỹ lưỡng hơn các đề nghị đầu tư từ nước ngoài và yêu cầu dẫn độ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, công ty được Trung Quốc kỳ vọng sẽ dẫn đầu công nghệ 5G trên toàn thế giới.
“Con đường để đến với một cuộc đình chiến thương mại cuối cùng giữa hai siêu cường kinh tế thế giới vẫn còn rất dài và gian nan”, theo báo cáo của công ty đầu tư Vanguard.
Trên suốt quãng đường đó, hai bên vẫn có thể có những hành động trả đũa gây tổn hại lên nền kinh tế của nhau.
“Chiến tranh thương mại luôn tiềm tàng những tác động nghiêm trọng lên tăng trưởng kinh tế”, theo Gerard Burg, nhà kinh tế học Trung Quốc tại ngân hàng quốc gia Australia. “Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào việc hai quốc gia sẽ đẩy tình hình này đi đến đâu”.
Một cuộc đàm phán mới được tái khởi động thể hiện mong muốn của Trung Quốc nhằm đạt được một thỏa thuận với Mỹ để cứu vãn tình hình muôn vàn khó khăn hiện tại”, Diana Choyleva, nhà kinh tế học trưởng thuộc công ty nghiên cứu Endo Economics, viết trong một báo cáo gửi đến khách hàng trong tháng 12.
Câu hỏi đau đầu đặt ra cho Trung Quốc lúc này chính là thái độ của người tiêu dùng đối với sự bất ổn của nền kinh tế.
Cuộc “chuyển mình” mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc trong vài thập kỷ trở lại đây đã “cứu vớt” hàng trăm triệu người khỏi cảnh nghèo đói, tạo nên sự “bùng nổ” trong tiêu dùng.
“Sức mua các mặt hàng gia dụng là khởi nguồn cho câu chuyện phát triển 'thần kỳ' của Trung Quốc”, theo Edmund Goh, nhà quản lý các danh mục đầu tư tại công ty Aberdeen Standard Investment có trụ sở tại Thượng Hải. “Điều này đã giúp Trung Quốc vượt qua rất nhiều những thời kỳ tăng trưởng yếu của nền kinh tế”.
Nhưng những "rạn nứt” đã bắt đầu xuất hiện
Nhu cầu mua sắm xe hơi đã sụt giảm trong vài tháng gần đây, qua đó phả hơi nóng lên các nhà sản xuất xe hơi như Volkswagen và Ford. Và tiêu dùng hàng hóa bán lẻ nói chung cũng đã tăng trưởng chậm lại, theo những dữ liệu chính thống.
Tỉ lệ nợ trong người dân lại gia tăng nhanh chóng. Đó chính là nguyên nhân kìm hãm tiêu dùng, Goh cho biết.
Trung Quốc dường như đang cố chống trả lại những khó khăn của nền kinh tế thông qua những biện pháp kích cầu từ chính phủ.
Tăng trưởng GDP và tỷ lệ nợ trên GDP qua các năm của Trung Quốc.
Chính quyền quốc gia này đã thực hiện cắt giảm thuế, tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2018. Các nhà phân tích kỳ vọng sẽ có nhiều hơn các biện pháp được áp dụng trong năm 2019.
Các nhà kinh tế học khuyên chính phủ Trung Quốc có thể nới lỏng các quy định trên thị trường bất động sản, khuyến khích các nhà đâu tư đẩy mạnh các hoạt động xây dựng.
Tuy nhiên những biện pháp kích cầu này lại làm suy giảm hiệu quả nỗ lực của Bắc Kinh khi giải quyết một vấn đề “sâu” hơn của nền kinh tế trong đó bao gồm việc hạn chế những khoản nợ lớn trong hệ thống tài chính, theo Irus Pang, nhà kinh tế học Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư ING.
“Chính phủ Trung Quốc đã tạm thời dừng các biện pháp nhằm cải tổ lại nền kinh tế và thay vào đó là những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng”, bà chia sẻ.