MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam: Nỗi lo kiều hối giảm

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một trong những nước nhận được lượng kiều hối lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên sự sụt giảm kiều hối trong năm 2016 và tiếp tục chững lại trong 6 tháng đầu năm nay là dấu hiệu đáng lo. Phía sau diễn biến này là gì?

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thường xuyên nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên toàn cầu nhờ vào lượng kiều bào và lao động xuất khẩu khá lớn ở các nước. Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có gần 5 triệu người Việt Nam cư trú tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nếu như vào năm 1993, lượng kiều hối về Việt Nam chỉ ở mức khiêm tốn 141 triệu USD, thì đến năm 2015 là hơn 13 tỷ USD, mức tăng bình quân hằng năm 26%. Tuy nhiên, năm 2016, chỉ còn hơn 9 tỷ USD, tức giảm hơn 30% và thấp hơn rất nhiều mức dự kiến có thể đạt được là 12 tỷ USD. Diễn biến 6 tháng đầu năm nay cho thấy khả năng lượng kiều hối nhận được trong năm 2017 sẽ tiếp tục giảm đáng kể.

Cụ thể, riêng TP.HCM nhận kiều hối trong 6 tháng qua là 2,1 tỷ USD. TP.HCM luôn chiếm hơn 50% tổng lượng kiều hối của cả nước, khả năng lượng kiều hối năm nay nhận được sẽ tiếp tục ở mức thấp. Nếu điều này xảy ra, xu hướng sụt giảm của kiều hối sẽ được xác nhận.

Mỹ là một trong những nước có lượng kiều bào chiếm tỷ trọng đáng kể và do đó cũng là quốc gia có lượng kiều hối chuyển về Việt Nam nhiều nhất. Thống kê cho thấy Mỹ chiếm đến 50% số lượng người Việt sinh sống ở nước ngoài và khoảng 60% tiền gửi về Việt Nam là từ Mỹ. Vì vậy, với chính sách lãi suất cơ bản đồng USD tiếp tục tăng trong khi lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam về 0% kể từ cuối 2015 đã phần nào ảnh hưởng đến lượng kiều hối chuyển về.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất đồng USD thêm hai lần với tổng mức tăng là 0,5%, do đó càng mở rộng chênh lệch lãi suất đồng USD tại Mỹ và Việt Nam, hiện tại đã tăng lên mức 1 - 1,25%. Dự kiến trong năm nay, FED sẽ còn một lần nâng lãi suất đồng USD và dự báo lãi suất đến năm 2018 sẽ ở mức 2,125%. Chính vì vậy gần đây xuất hiện một số ý kiến cần phải nâng lãi suất tiền gửi USD trong nước.

Một nguyên nhân chủ yếu khác là trong tháng 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh quan trọng, theo đó cấm các tổ chức ngân hàng, tài chính của Mỹ chuyển tiền ra nước ngoài theo dạng kiều hối. Sắc lệnh này còn yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ áp đặt hàng loạt quy định để giới hạn tối đa việc chuyển tiền ra khỏi nước Mỹ nhằm giữ nguồn vốn để đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ như ông Trump đã hứa trong giai đoạn tranh cử.

Theo Ngân hàng Thế giới, tổng lượng kiều hối của toàn thế giới vào năm 2015 đạt khoảng 582 tỷ USD và Mỹ chiếm đến 19% số lượng di dân toàn thế giới, cụ thể lượng di dân tại Mỹ đã gửi về nhà lượng kiều hối trị giá 133,5 tỷ USD. Rõ ràng đây là nguồn tiền rất lớn chuyển ra khỏi nước Mỹ mà ông Trump muốn ngăn chặn.

Chính sách về nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý người Việt hải ngoại, tác động tiêu cực đến lượng kiều hối chuyển về từ quốc gia này. Được biết, sau khi đắc cử tổng thống, ông Trump tái cam kết sẽ trục xuất 3 triệu người nhập cư. Trong khi đó, nỗi lo sợ những bất ổn và khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Donald Trump đã khiến kiều bào tại Mỹ tăng cường tích lũy nguồn thu nhập để đề phòng bất trắc. Quá khứ cũng cho thấy thời điểm khủng hoảng kinh tế thì lượng kiều hối bị sụt giảm.

Trong khi đó, dòng kiều hối đổ về Việt Nam còn phải chịu thêm lực cản từ việc dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ không tham gia TPP, khiến lượng kiều hối từ Mỹ chuyển về Việt Nam nhằm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để đón đầu TPP đã không còn.

Đầu năm nay, Hãng Credit Suisse có báo cáo cho rằng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 sẽ tiếp tục giảm do tác động từ chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Hiên nay, lực lượng “lao động nước ngoài gặp rủi ro”, ví dụ những người nhập cư trái phép, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số lao động xuất xứ từ Việt Nam ở Mỹ.

Báo cáo trên cũng ước tính tỷ lệ kiều hối về Việt Nam trên GDP có thể giảm 0,4% khi Trump áp dụng các chính sách siết chặt nhập cư. Theo Credit Suisse, thay đổi trong chính sách nhập cư của Mỹ sẽ khiến Việt Nam bị giảm gần 1 tỷ USD kiều hối.

Nếu xu hướng kiều hối sụt giảm tiếp tục xảy ra sẽ tác động tiêu cực lên tình hình kinh tế trong nước, khi mà đây là một trong 4 nguồn cung ngoại tệ chính cho Việt Nam, bên cạnh vốn FDI, vốn ODA và từ xuất khẩu. Dòng vốn từ kiều hối thu hẹp cũng sẽ ảnh hưởng lên các hoạt động kinh tế trong nước nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong giai đoạn tới.

Theo Anh Khoa

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên