MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỷ luật không cần hình phạt: 2 bước đầu tiên để làm "Sếp" của con

05-10-2021 - 16:41 PM | Sống

Không phải cứ sinh con ra đã là cha mẹ, mà bây giờ, các bậc phụ huynh còn phải học cách để làm cha mẹ.

Giáo dục trẻ chưa khi nào là hành trình dễ dàng đối với tất cả các bậc phụ huynh. Trong khi đó, lằn ranh mong manh giữa hình phạt và bạo lực lại là điều dễ khiến người ta nhầm lẫn và đi quá giới hạn.

Đứng giữa làn sóng tranh luận gay gắt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) cho rằng, bố mẹ trở thành "VỊ SẾP TỐT" của con chính là giải pháp hữu hiệu và tối ưu nhất trong phương pháp giáo dục trẻ, đưa ra đáp án cho câu hỏi bố mẹ nên lựa chọn hình thức giáo dục bằng khuyên nhủ hay các hình phạt mới là tốt nhất cho con.

"Quan điểm của tôi là bố mẹ phải làm sao để đứa trẻ hiểu rằng điều mà nó đang phải thực hiện theo ý muốn của bố mẹ không phải là hình phạt. Tôi hoàn toàn không bỏ thái độ giận dữ vào đó, cũng không hạ thấp đứa trẻ khi chúng làm những chuyện đó.

Vì thời gian cha mẹ tiếp xúc với trẻ trong ngày là cố định, nếu cha mẹ và trẻ đều dành thời gian chú ý đến hành vi tốt, họ sẽ cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn để lặp lại các hành vi tốt đó." – PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ.

Điều quan trọng nhất là thái độ của bố mẹ

Theo ý kiến của PGS.TS Trần Thành Nam, bố mẹ là người thầy đầu tiên và cũng là người thầy suốt đời của trẻ, là những người quan trọng nhất đối với trẻ. Mọi hành vi của bố mẹ có thể cũng là những tấm gương và hình ảnh phản chiếu của đứa con. Bố mẹ không có kĩ năng thì con mới trở nên ương bướng. Còn trong thời đại ngày nay, các ông bố bà mẹ cần phải chấp nhận một sự thật rằng, những đứa trẻ bây giờ đang ngày càng trở nên độc lập hơn rồi.

"Bố mẹ phải gương mẫu và hệ quả từ những hành vi của con là do chính mối quan hệ của bố mẹ và con cái. Điều này cần cả một quá trình dài từ khi sinh con cho đến khi nuôi nấng chúng." - PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Do vậy, theo PGS. TS Trần Thành Nam, điều kiện để làm được và làm tốt phương pháp giáo dục này là phải kéo gần mối quan hệ của cha mẹ và con cái lại với nhau, tạo không khí tích cực để thời gian cả gia đình ở bên nhau trở nên thú vị, nhiều niềm vui như thể đó chính là phần thưởng dành cho mọi thành viên trong gia đình.

Kỷ luật không cần hình phạt: 2 bước đầu tiên để làm Sếp của con - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội).

Đồng quan điểm, Chánh văn Hoàng Anh Tú cũng cho rằng: "Tôi có lẽ là một ông bố lệch chuẩn nếu nhìn theo ý kiến những trẻ không bị phạt dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép. Bởi tôi không cho rằng trẻ coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, không phép tắc không phải vì cha mẹ không phạt con. Việc một đứa trẻ coi thường cha mẹ, coi thường người lớn là do bố mẹ không chịu lớn lên cùng con mà thôi. Là cha mẹ không nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình. 

Thậm chí, nhiều khi trách phạt con sai mới chính là khiến con coi thường cha mẹ. Như con đúng mà không khích lệ, hôm qua con sai thì cha mẹ không phạt, hôm nay con cũng sai thế mà bố mẹ lại phạt mới khiến con bất phục và nghĩ bố mẹ cảm tính, bất công vậy."

Bố mẹ phải làm thế nào để trở thành "VỊ SẾP TỐT" của con?

Khi nhiều người vẫn đang phân vân nên "làm mẹ hay làm bạn" của con thì PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, nên làm "VỊ SẾP TỐT" của con - một người sếp đủ uy để những người nhân viên cảm thấy rằng mình cần có trách nhiệm và khơi gợi động lực để hoàn thiện hơn mỗi ngày, tử tế và kết nối trong khi vẫn đặt ra các giới hạn, tạo ra ít vấn đề hơn và xây dựng được một gia đình ấm áp hơn. Theo đó, con cái sẽ chấp nhận các giới hạn của chúng ta và có trách nhiệm hơn.

Dưới đây là 2 bước để trở thành "VỊ SẾP TỐT" của con:

- Bước đầu tiên và cũng là điều kiện tiên quyết để thực hiện được "kỷ luật tích cực" là phải kéo gần mối quan hệ của cha mẹ và con cái.

- Bước tiếp theo, bố hoặc mẹ phải trở thành "vị sếp tốt" của con, lắng nghe và ghi nhận những cố gắng của con thay vì suốt ngày chỉ trích con; tin tưởng để giao cho con các nhiệm vụ khác nhau; tôn trọng các ý kiến khác với mình; luôn dành cho con sự chú ý, lắng nghe với lòng thấu cảm nhất; đồng thời cũng luôn nhận ra và động viên sự cố gắng dẫu nhỏ, thường xuyên khen ngợi, hành động nhất quán với lời nói.

"Các bạn hãy thử hình dung xem, khi chúng ta ra xã hội đi làm, người sếp tốt nhất của các bạn có những đặc điểm gì để cùng bao dung, thấu hiểu và thay đổi.

Trong mỗi con người ta luôn có hai phần, một phần "người sếp tốt" và một phần "người sếp xấu". Thử đặt vị trí là những nhân viên phải làm việc với những "người sếp xấu" có những tính cách hay nổi nóng, không công bằng, không lắng nghe học sinh, không tin tưởng giao việc cho học sinh; chỉ nhìn thấy lỗi của học sinh chứ không nhận ra những hành vi đúng để khen thưởng thì chúng ta sẽ làm việc thế nào? Chắc chắn câu trả lời sẽ là làm đối phó, tuân thủ trước mặt nhưng nói xấu đằng sau.

Kỷ luật không cần hình phạt: 2 bước đầu tiên để làm Sếp của con - Ảnh 2.

Khi nhiều người vẫn đang phân vân nên "làm mẹ hay làm bạn" của con thì PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, bố mẹ nên làm "VỊ SẾP TỐT" của con.

Theo đó, soi vào chính bản thân mình, bố mẹ có thấy mình đang sử dụng nhiều thời gian làm  "người sếp xấu" như thế với con hay không? Chúng ta có nổi nóng, trừng phạt, chỉ trích các em không? Có lắng nghe ý kiến của trẻ không… Nếu có thì việc các con phản ứng lại theo hướng tiêu cực hoặc đối phó là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Hãy thử đặt địa vị của mình vào hoàn cảnh bị sếp trừng phạt, bạn sẽ thấy việc bị trừng phạt làm xói mòn mối quan hệ cha mẹ - con cái hệt như bạn với sếp của bạn. Não của chúng khi đó sẽ ở trong trạng thái hoặc là chiến đấu, hoặc chạy trốn hoặc đóng băng và tắt các bộ phận hợp tác và khả năng suy nghĩ logic. Chúng sẽ nhanh chóng quên hành vi “xấu” dẫn đến việc chúng bị trừng phạt mà chúng sẽ đi vào thế phòng thủ. Điều duy nhất chúng học được khi bị trừng phạt là nói dối để tránh bị phạt lần sau.

Và ngược lại, nếu được làm việc với một người sếp tốt có đủ các đặc điểm như trên thì bạn có làm việc với tinh thần tự giác không? Khi vô tình mắc lỗi, bạn có tự giác khắc phục không? Những mong muốn của sếp, bạn có tự tìm cách hoàn thành một cách tốt nhất không?" - PGS. TS Trần Thành Nam lý giải.

Hãy chú trọng tìm ra những khoảnh khắc làm tốt của con để khen thưởng, khuyến khích, động viên con phát huy. Nguyên tắc ở đây là nếu một ngày chỉ có 24 tiếng nhưng thời gian tập trung vào hành vi tốt và muốn thực hiện hành vi tốt nhiều thì đấy là cách thức bền vững nhất để hạn chế những lỗi sai về ứng xử để phát huy tiềm năng và lòng tự trọng của trẻ.

Theo Lam Anh

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên