MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỹ sư phần mềm ở Mỹ bỏ việc lương 8,9 tỷ đồng/năm đi đầu tư bất động sản, 3 năm sau cuộc sống ra sao?

07-12-2023 - 17:42 PM | Lifestyle

Ở thời điểm đó, người đàn ông này có công việc và mức thu nhập mà nhiều người mơ ước. Nhưng anh đã từ bỏ tất cả để tham gia vào lĩnh vực bất động sản không ít rủi ro.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của Eric Yu (28 tuổi), cựu kỹ sư phần mềm (IT) tại Facebook (Meta) được đăng tải trên Business Insider.

Lời mời làm việc ở tập đoàn lớn

Vào năm 2016, sau khi tham gia một loạt các cuộc phỏng vấn xin việc tại Google, Meta và Palantir, đang trên chuyến bay trở về nhà, tôi nhận được thư mời với vị trí kỹ sư phần mềm từ Facebook. Vài ngày sau, tôi tiếp tục nhận được lời mời từ Google.

Kỹ sư phần mềm ở Mỹ bỏ việc lương 8,9 tỷ đồng/năm đi đầu tư bất động sản, 3 năm sau cuộc sống ra sao? - Ảnh 1.

Tại thời điểm đó, tôi khá phân vân giữa 2 cơ hội này. Cuối cùng, tôi lựa chọn đầu quần vào Facebook vì cảm thấy môi trường làm việc phù hợp với bản thân.

6 tháng đầu tiên của tôi ở Facebook khá tuyệt vời. Là một sinh viên mới ra trường, tôi háo hức đón nhận những cơ hội và công việc được sếp tin tưởng giao cho. Nhưng đến năm 2019, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Bởi một ngày của tôi thường bắt đầu lúc 7h sáng họp đến trưa, từ 14h30-17h viết code. Áp lực công việc trong lĩnh vực công nghệ khiến tôi phải liên tục nghĩ hôm sau phải làm gì khi về đến nhà.

Kỹ sư phần mềm ở Mỹ bỏ việc lương 8,9 tỷ đồng/năm đi đầu tư bất động sản, 3 năm sau cuộc sống ra sao? - Ảnh 2.

Một thời gian dài phải chịu những áp lực công việc, đến tháng 11/2019, tôi rơi vào cơn hoảng loạn tinh thần đầu tiên khi phải làm việc ở nhà. Lúc đó là khoảng 4h chiều, ngón út của tôi trở nên tê cứng hoàn toàn. Lúc đầu, tôi phớt lờ triệu chứng này. Nhưng sau 1 giờ, mọi chuyện dần trở nên tồi tệ hơn, tai ù và tim đập nhanh hơn. Tôi càng cố gắng ngăn chặn cảm xúc của mình thì cảm giác đó càng bùng phát. May mắn, bạn gái Wanda (hiện nay là vợ sắp cưới) đã ở đó và nhận ra tình trạng không ổn của tôi.

Vào thời điểm đó, tôi không biết cơn hoảng loạn là lời cảnh báo về sự suy giảm của sức khỏe. Tôi vẫn nghĩ rằng triệu chứng đó chỉ xảy đến một lần. Tuy nhiên, ở những tháng tiếp tôi, tình trạng này vẫn diễn ra và ngày càng trầm trọng hơn.

Trong giai đoạn tháng 3-9/2020, tôi rơi vào trạng thái không biết mình đang làm gì, công việc này đem đến giá trị gì. Chính vì mất đi mục tiêu công việc, hiệu suất của tôi bắt đầu giảm. Tôi không thể tập trung làm việc và theo kịp tiến độ nhiệm vụ được giao.

Từ bỏ công việc lương cao

Tại các công ty khác tôi từng thực tập, việc đánh giá mã rất dễ dàng. Nhưng tại Facebook, việc viết code phải đúng cách và tuân theo mẫu thiết kế. Trong quá trình đánh giá chất lượng, tôi cần làm việc với các nhóm khác. Sau nhiều lần trao đổi, tôi hy vọng nhận được phản hồi mang tính xây dựng của đồng nghiệp. Tuy nhiên, mọi việc hoàn toàn ngược lại. Một số kỹ sư thẳng thắn nói mã code của tôi viết tệ. Cách phản hồi này của đồng nghiệp khiến cảm xúc của tôi lại càng trở nên tồi tệ hơn.

Tôi vẫn còn nhớ có một tháng, tất cả kỹ sư trong nhóm xin nghỉ phép. Để công việc không bị trì trệ, tôi đã phải cố gắng tăng ca đến 8 giờ tối nhằm hoàn thành công việc. Thậm chí, tôi còn làm thêm 4 tiếng mỗi ngày cuối tuần để đảm bảo kịp tiến độ.

Có lẽ, khủng hoảng lớn nhất đến từ việc cấp trên hỏi tôi về số mã tôi đã hoàn thành. Tôi bị chỉ trích vì hiệu suất thấp nhất trong nhóm. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chỉ nhìn vào những con số đó không đủ để đánh giá chất lượng công việc. Kỹ năng cố vấn, quản lý dự án và khả năng làm việc nhóm của tôi cũng cần được coi trọng.

Khi không tìm được tiếng nói chung với lãnh đạo và mất đi khả năng kết nối với những người đồng nghiệp, tôi quyết định rời Facebook, từ bỏ công việc với mức lương 370.000 USD/năm (8,9 tỷ đồng).

Phát triển ở lĩnh vực bất động sản

Đến cuối năm 2020, sau khi nghỉ công việc ở facebook, vợ chồng tôi nghĩ đến việc tham gia vào lĩnh vực bất động sản và cho thuê căn hộ cao cấp. Chúng tôi đã mua một căn nhà 5 phòng ngủ ở California, Mỹ. Chúng tôi chỉ ở một phần, còn lại cho thuê. Nhờ hoạt động này, vợ chồng tôi thu được 8.000 USD/tháng. Tin tưởng vào thị trường bất động sản, tôi kỳ vọng thu nhập của mình còn tiếp tục tăng. Thậm chí, tôi còn đặt mục tiêu kiếm được 10.000 USD/tháng (242 triệu đồng) từ kinh doanh bất động sản.

Kỹ sư phần mềm ở Mỹ bỏ việc lương 8,9 tỷ đồng/năm đi đầu tư bất động sản, 3 năm sau cuộc sống ra sao? - Ảnh 3.

Cuối năm 2021, chúng tôi đã đạt được con số đề ra và mua thêm được 2 bất động sản khác. Sau đó, tôi tiếp tục mua 2 căn nhà nữa vào năm 2022 và một căn khác vào năm 2023. Cho đến thời điểm hiện tại, vợ chồng tôi có tổng cộng 6 căn nhà vừa để ở và cho thuê.

Nhiều người nói tôi liều lĩnh sau khi từ bỏ công việc lương cao ở Facebook. Bởi nếu tiếp tục, tôi sẽ không còn lo lắng về tài chính. Tuy nhiên, tôi biết công việc đó không còn phù hợp với mình.

Song tôi xác định kiếm thu nhập thụ động từ bất động sản không phải là mục tiêu cuối cùng. Nhưng có lẽ đây là công việc cho tôi thời gian và cơ hội trải nghiệm những gì bản thân muốn làm khi đã đạt tự do tài chính. Tôi hy vọng rằng câu chuyện của mình sẽ truyền được cảm hứng cho những người mong muốn thay đổi lối sống và sống cuộc đời ý nghĩa hơn.

Đinh Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên