Lãi suất cho vay khó giảm thêm
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm lãi suất cho vay khoảng 1 điểm phần trăm trong năm nay nhưng nhiều chuyên gia cho rằng khó thực hiện nếu không có giải pháp đồng bộ
Trái với những dự báo khá đồng thuận trước đây về khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong năm nay, 4 “ông lớn” nắm thị phần chi phối của hệ thống ngân hàng vừa đồng loạt giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm và áp dụng mức lãi suất trung và dài hạn không quá 10%/năm đối với những khách hàng tốt.
Ngân hàng giảm mạnh lợi nhuận
Giảm lãi suất cho vay là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh có ít nhân tố hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng có quá nhiều yếu tố gây sức ép để lãi suất cho vay không những không giảm mà còn có khả năng tăng.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, sức ép đó là lạm phát năm nay dự báo ở mức 3%-5%, rất cao so với mức 0,63% năm 2015. Lạm phát tăng thì người dân sẽ kỳ vọng lãi suất huy động cao nên ngân hàng khó giảm lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động không giảm, rất khó để giảm lãi suất cho vay. Một yếu tố quan trọng khác là lãi suất ngân hàng đang phải cạnh tranh với lãi suất của trái phiếu Chính phủ. Liên tục mấy năm qua, bội chi ngân sách lớn, nợ công đã chạm trần nên Chính phủ phải phát hành trái phiếu số lượng lớn, lãi suất cao. Năm 2015, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm, kỳ hạn 3 năm cũng có lãi suất 6%/năm. Dự kiến năm nay, nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ còn cao hơn, phát hành khoảng 240.000 tỉ đồng sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn. Đây là nguồn đầu tư gần như không có rủi ro, lãi suất cao nên để cạnh tranh, ngân hàng không thể trả lãi suất dưới 6% để huy động vốn. Mức lãi suất huy động USD còn 0% cũng đang “làm khó” vì nếu ngân hàng kéo lãi suất VNĐ xuống, chênh lệch lãi suất USD/VNĐ giảm có thể làm tăng tâm lý đầu cơ USD.
Hơn nữa, mùa đại hội cổ đông năm nay, cổ đông nhiều ngân hàng bức xúc và yêu cầu chia cổ tức sau nhiều năm liên tục bị trì hoãn để bổ sung vốn. Yêu cầu này đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải tăng lợi nhuận. Nhiều ngân hàng cho biết hiện nay, lãi biên (chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra - NIM) của hệ thống ngân hàng đã ở mức rất thấp, chỉ còn khoảng 2,5%-2,7%, giảm mạnh so với 3,3% hoặc 3% trước đây do cạnh tranh đầu vào nhưng đầu ra không tăng được. Giảm lãi suất cho vay sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng càng teo tóp. Theo Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà, giảm lãi suất lần này sẽ khiến BIDV giảm khoảng 400-450 tỉ đồng lợi nhuận trong năm nay.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, mặc dù còn khó khăn nhưng phấn đấu đưa mặt bằng lãi suất cho vay năm nay giảm khoảng 1% để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thông thường, việc giảm lãi suất của các “ông lớn” sẽ có tác dụng dẫn dắt thị trường. Song ở cú lội ngược dòng này, mức độ ảnh hưởng thế nào, các ngân hàng thương mại có “đua theo” hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố hỗ trợ khác. Hiện đã có thêm vài ngân hàng thương mại khác công bố giảm lãi suất cho vay.
Bản thân các ngân hàng dẫn đầu cũng cho biết để giảm được lãi suất, không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của ngân hàng mà cần có sự đồng bộ trong công tác điều hành. Đó là Ngân hàng Nhà nước cần giảm 1% tỉ lệ dự trữ bắt buộc với VNĐ và 3% với ngoại tệ. Đồng thời, giảm tỉ lệ dự trữ thanh toán xuống 8% thay vì 10% như dự thảo Thông tư 36. Đặc biệt là cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, giảm cả tỉ lệ phát hành và lãi suất trái phiếu Chính phủ, siết chặt quản lý chi tiêu công để không làm tăng bội chi, tăng nợ công gây áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ. Hiện nay, lãi suất đang phải gánh một phần nợ xấu, Chính phủ cần tạo lập thị trường mua bán nợ để xử lý tốt vấn đề này. Hoàn thành công tác tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém còn lại để không còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Người lao động