MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất: Cơ hội giảm trong điều kiện ngặt nghèo

23-04-2018 - 19:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Điều hành tỷ giá USD/VND ổn định cũng là điều kiện hỗ trợ NH giảm lãi suất

Ngay từ cuối tháng 3/2018 tới nay, một loạt NH, ở cả khối NHTMNN và khối NHTMCP thông báo giảm lãi suất huy động. Đơn cử như VietinBank trần lãi suất kỳ hạn 6, 7, 8 tháng giảm 0,5% xuống còn 4,8%/năm; Agribank giảm lãi tiền gửi kỳ hạn 1, 2 tháng còn 4,1% và kỳ hạn 18, 24 tháng xuống còn 6,7%/năm. Hay Nam A Bank điều chỉnh giảm 0,1% với kỳ hạn từ 6 đến 8 tháng còn 6,5%/năm, từ 9 tháng trở lên giảm 0,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của MB cũng giảm 0,2% xuống 5,5%/năm. Techcombank đã hai lần điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần ở một số kỳ hạn ngắn. Kỳ hạn từ 9-11 tháng giảm khá mạnh, từ 0,3% - 0,5%/năm và hiện Techcombank chỉ huy động ở mức lãi suất 6,1%/năm…

Lãi suất: Cơ hội giảm trong điều kiện ngặt nghèo - Ảnh 1.

Điều hành tỷ giá USD/VND ổn định cũng là điều kiện hỗ trợ NH giảm lãi suất


Việc các NH có động thái giảm lãi suất huy động theo quan sát của giới chuyên gia, nguyên nhân tới từ thanh khoản của các nhà băng tiếp tục dồi dào. Trong khi đó, theo kế hoạch của NHNN mức tăng trưởng tín dụng toàn Ngành năm 2018 là 17%, thấp hơn so mức thực hiện của 2017 là 18,17%. Do đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN giao cho các TCTD đa số sẽ thấp hơn năm 2017.

Theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính, thanh khoản của NH rất quan trọng, nếu không bị thắt quá chặt thì họ sẽ không bắt buộc phải huy động vốn với bất cứ giá nào. Trên thị trường liên NH lãi suất giảm xuống mức thấp. Cụ thể, cuối quý I/2018 lãi suất qua đêm bình quân ở mức 0,83%/năm (giảm 0,47 điểm phần trăm so với cuối năm 2017), lãi suất 1 tuần ở mức 0,98%/năm, lãi suất 1 tháng ở mức 1,73%/năm (giảm 0,9% và 1,2% so với cuối năm 2017).

Trong tuần 9/4 - 13/4, NHNN đã phát hành 60.980 tỷ đồng tín phiếu mới loại 28 ngày, lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 46.100 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc NHNN đã hút ròng 14.880 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. NHNN phát hành một lượng lớn tín phiếu nhưng hệ thống vẫn hấp thụ tốt chứng tỏ thanh khoản của các NH hiện đang khá tích cực. Tuy nhiên, đến phiên ngày 19/4, NHNN chào thầu 2.000 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày nhưng không có khối lượng trúng thầu. Đây là phiên thứ ba liên tiếp hoạt động phát hành tín phiếu của NHNN để hút bớt tiền về không có khối lượng trúng thầu. Như vậy thanh khoản của các NH đã bớt dồi dào so với quý I.

Ngay từ đầu năm Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo và ngành Ngân hàng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện có thể giảm thêm lãi suất cho vay. Trước diễn biến của thị trường những tháng qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất cho vay có cơ hội giảm nếu đáp ứng được một số điều kiện cần và đủ, song tương đối ngặt nghèo.

Theo chuyên gia này, không những thanh khoản NH phải dồi dào, mà ngay kể cả lãi suất điều hành cũng phải giảm thêm thì mới có điều kiện giảm tiếp lãi suất huy động. Chưa kể, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng khá nhiều tới điều kiện giảm lãi vay là việc kiểm soát lạm phát. Nếu không được kiểm soát tốt, để lạm phát bật lên, hay chỉ là kỳ vọng lạm phát tăng, thì việc giảm lãi suất của NH càng khó khăn hơn. “Nói như vậy để thấy rằng, điều kiện để giảm được lãi suất là giữ kinh tế vĩ mô ổn định”, vị này cho biết.

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tới việc năm nay áp lực lạm phát sẽ lớn hơn. Trong đó, áp lực từ giá dầu thô, hàng hoá thế giới có xu hướng tăng, mà Việt Nam lại hút một lượng lớn ngoại tệ từ dòng vốn FDI, vốn FII cũng tăng mạnh qua đầu tư mua cổ phần...

Các chuyên gia nhận thấy, mặc dù quý I/2018 tăng trưởng tín dụng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tăng của quý II có thể sẽ cao hơn. Vì thực tế vốn tín dụng vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Một chuyên gia nhận định: Nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu, xuất khẩu lại dựa vào nhập khẩu. Khi nhập khẩu tăng lên thì lạm phát là có rủi ro. Bởi hàng hoá trên thế giới đang theo chiều hướng tăng. Nếu lạm phát không đạt được như mục tiêu thì giảm lãi suất là cực kỳ khó. Chưa nói tới các yếu tố khác như thanh khoản, tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế ở mức độ bao nhiêu.

Đơn cử như tình hình tín dụng trung, dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại trong các tháng đầu năm 2018 khi tăng 4,3% trong khi tín dụng ngắn hạn tăng 2,6%. Đây cũng là yếu tố cản trở cho việc giảm lãi suất cho vay. Bởi tín dụng trung, dài hạn tăng, để tránh rơi vào bẫy thanh khoản NH sẽ phải tăng lãi suất huy động. “Và bản thân với NH khi cần vốn để duy trì hoạt động tín dụng thì giảm lãi vay càng không đơn giản”, một chuyên gia bình luận.

Nhìn rộng ra, chính sách tiền tệ của Việt Nam là chính sách đa mục tiêu. Năm 2018, mục tiêu hàng đầu của NHNN là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Nhưng đồng thời NHNN cũng phải bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại tệ…

Theo Khuê Nguyễn

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên