MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất điều hành giảm, tại sao lãi suất cho vay chưa giảm?

27-05-2020 - 07:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Với việc cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, động thái này chưa thể tác động ngay đến mặt bằng lãi suất cho vay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
294 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
  • Để phổ biến các vấn đề tài chính xanh, tín chỉ carbon, các nhà phát hành cần quan tâm việc sử dụng vốn ra sao, hiệu quả thế nào, khả năng trả nợ, dự án đã được thẩm định chặt chẽ...

Mặc dù việc cắt giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua được ghi nhận sẽ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái này chưa thể kéo lãi suất cho vay giảm thêm ngay và luôn.

Theo phân tích của chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thông thường, việc NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều lần sẽ có rủi ro về lạm phát, vì một lượng tiền đi vào trong lưu thông sẽ đẩy lạm phát lên. Nhưng với bối cảnh hiện nay, việc này không tác động nhiều đến lạm phát bởi sức cầu của nền kinh tế yếu, không tạo lực đẩy giá cả lên. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho NHNN giảm lãi suất điều hành, tiến tới giảm lãi suất cho vay như người dân và doanh nghiệp đang kỳ vọng.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, thời điểm hiện nay là cơ hội vàng để Việt Nam giảm lãi suất. Tuy vậy, ông Hòe cũng đặt câu hỏi, NHNN đã giảm lãi suất điều hành 1% từ đầu năm nhưng tại sao lãi suất huy động vẫn không giảm?

“Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại vẫn cao, trừ kỳ hạn dưới 6 tháng. Có thể một phần do độ trễ chính sách, nhưng tôi nghĩ còn nhiều vấn đề khác. Nếu không thể giảm lãi suất huy động thì chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục không thể đi xuống”, ông Hòe bày tỏ.

Lãi suất điều hành giảm, tại sao lãi suất cho vay chưa giảm? - Ảnh 1.

Việc giảm lãi suất điều hành chưa thể tác động ngay đến mặt bằng lãi suất cho vay. (Ảnh minh họa: KT)


Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương thì cho rằng, hiện nay, nếu nhìn vào thị trường, ngân hàng đang phải huy động với lãi suất cao. Dù có yêu cầu ngân hàng hạ lãi suất huy động, trong bối cảnh mà đầu ra tín dụng vẫn còn khó khăn, giãn nợ, cơ cấu nợ thì không giải quyết được vấn đề. Nếu có thể đẩy được đầu ra tín dụng, mang về thu nhập thì ngân hàng hàng có thể sẽ hạ lãi suất.

Cùng với đó, áp lực chi phí vốn tăng dần sẽ khiến các ngân hàng phải hạ lãi suất huy động nhưng họ vẫn chưa hạ là vì, sự nhạy cảm lãi suất giữa cung và cầu tại Việt Nam hiện nay còn yếu.

“Gần đây, lãi suất liên ngân hàng đã giảm rất sâu. Lãi suất 1 tháng chỉ còn 1,8% và chưa bao giờ xuống thấp như vậy. Đây là nguồn vốn giá rẻ, qua đó, dần dần lãi suất huy động sẽ hạ xuống, dựa trên cơ chế thị trường chứ không thể duy trì cao mãi được”, ông Nguyễn Tú Anh cho hay.

TS. Cấn Văn Lực cho biết, lãi suất là vấn đề rất nhạy cảm bấy lâu nay, vì liên quan đến “miếng cơm manh áo” của nhân viên. Ông cho hay, đã họp với các ngân hàng về vấn đề hạ lãi suất huy động.

"Khi Chính phủ yêu cầu hạ lãi suất và chúng tôi nhận thấy thanh khoản các ngân hàng rất dồi dào, đương nhiên sẽ giảm lãi suất đầu vào. Đến nay, lãi suất đầu vào đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Mức lãi suất chênh lệch đầu vào và đầu ra đã được thu hẹp xuống còn 2,5%”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, hiện nay, lãi suất không phải là điểm nghẽn chính đối với doanh nghiệp, tất nhiên doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất giảm thêm nữa, quan trọng nhất với doanh nghiệp bây giờ là dòng tiền và thanh khoản.

Việc này Chính phủ đang tập trung xử lý bằng các gói hỗ trợ về tài khóa, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ và cũng đã có thông tư 01 cho phép giãn, hoãn nợ. Điều này hoàn toàn đúng và trúng với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, còn nhu cầu vốn vay thì sau khi khởi động lại hoạt động kinh tế, chắc chắn nhu cầu vay sẽ tăng lên nhiều hơn.

“Các ngân hàng thương mại cũng đã sẵn sàng 600.000 tỷ để cho vay, đã giải ngân gần 1/3. Trong câu chuyện quan hệ tín dụng luôn luôn có những vướng mắc, nhưng cơ bản đang ở trạng thái tương đối ổn định. Dự báo từ tháng 5 trở đi, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng mạnh lên, hết quý 2 sẽ tăng lên mức 3,5 - 4% và cả năm sẽ tăng ở mức 9 - 10%. Tôi cho rằng, đây là mức tương đối phù hợp trong bối cảnh nhu cầu của nền kinh tế còn yếu hơn so với những năm trước”, TS. Cấn Văn Lực nói./.

Theo Chung Thủy

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên