Lãi suất gửi tiết kiệm lại giảm
Một số ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn trong biểu lãi suất huy động mới nhất áp dụng từ giữa tháng 3
- 16-03-2021So sánh lãi suất huy động của 10 ngân hàng nhiều tiền gửi nhất hiện nay
- 14-03-2021Hơn chục ngân hàng thay đổi biểu lãi suất, gửi tiết kiệm ngân hàng nào lúc này để có lãi cao nhất?
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong) vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức giảm nhiều nhất là 0,3 điểm % so với hồi tháng 2.
Cụ thể, khách gửi tiền kỳ hạn 3-5 tháng giảm còn 3,7%/năm; kỳ hạn 6-7 tháng về 5,9%/năm; các kỳ hạn từ 10-11 tháng còn 6,1%/năm… Không chỉ giảm ở kỳ hạn ngắn, Kienlongbank cũng điều chỉnh hạ lãi suất gửi tiết kiệm dài kỳ hạn 60 tháng về 6,9%/năm, thay vì mức 7,1%/năm trước đó.
Lãi suất huy động lại giảm ở một số ngân hàng
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng áp dụng biểu lãi suất mới, với lãi suất gửi tiết kiệm giảm khá sâu ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, người gửi kỳ hạn 6 tháng lãi suất giảm còn 5,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 6%/năm, kỳ hạn 15 tháng lãi suất giảm về 6,1%/năm... Các mức lãi suất mới giảm tới 0,3 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
Hiện lãi suất gửi cao nhất tại OCB là 6,4%/năm khi khách gửi kỳ hạn 36 tháng lãi cuối kỳ tại quầy và cộng thêm 0,2 điểm % nếu chọn gửi qua kênh online.
Một số ngân hàng quy mô nhỏ, vừa khác như SeABank, PGBank, DongABank, VietABank… cũng giảm lãi suất tiền gửi từ 0,05 đến 0,3 điểm % so với biểu lãi suất trước.
Diễn biến này trái ngược với việc một vài ngân hàng gần đây điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là diễn biến bình thường của thị trường, theo nhu cầu của từng ngân hàng và không phải xu hướng chung.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi là câu chuyện kinh doanh bình thường, ngân hàng nào có nhu cầu huy động nhiều vốn hơn thì huy động vào, còn ngân hàng nào đang thừa vốn thì giảm bớt lãi suất đi để không cần huy động nữa.
Trong thời gian tới, lãi suất không phải là điểm nghẽn bởi đang ở mức tương đối thấp.
"Vấn đề là làm sao để đẩy mạnh kích cầu, nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay, hoặc do dịch bệnh họ còn phải trì hoãn. Từ đầu năm đến nay lãi suất có giảm nhẹ nhưng không nhiều, tuy nhiên tín dụng vẫn chưa tăng trưởng, bởi vì sức cầu vẫn còn yếu do diễn biến dịch bệnh trong vài tháng qua vẫn còn phức tạp" – TS Cấn Văn Lực nhận định.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 16-3, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cho biết vừa tiếp tục giảm lãi suất vay với 5.000 tỉ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thêm lựa chọn tài chính khả thi, tái cơ cấu sản xuất và kinh doanh an toàn…
Lãi suất sau khi giảm chỉ từ 6,2%/năm. Khách hàng tham gia chương trình tại HDBank sẽ được hỗ trợ chuẩn hóa xét duyệt hồ sơ và có kết quả nhanh chóng.
Người lao động