Lãi suất huy động giảm, dòng tiền sẽ dịch chuyển sang bất động sản và chứng khoán?
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được dự báo tiếp tục dồi dào trong ít nhất 1 tháng tới...
- 04-07-20202 lý do khiến ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất tiền gửi
- 04-07-2020Các kênh đầu tư đều ngưng trệ, lãi suất ngân hàng giảm mạnh nhưng tiền vẫn đổ về
Như chúng tôi đã phản ánh, lãi suất huy động trên thị trường vừa có đợt giảm đồng loạt khá mạnh kể từ đầu tháng 7 năm nay dù rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không điều chỉnh lãi suất điều hành.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng chỉ còn phổ biến từ 3,4 - 4%/năm, thấp hơn 0,25 điểm phần trăm so với trước đó. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được điều chỉnh giảm, phổ biến 0,3 - 0,5 điểm phần trăm so với trước ngày 30/6 với lãi suất phổ biến từ 4,5 - 6,5%/năm. Một số ngân hàng huy động lãi suất cao hơn chút ít nhưng cũng đã giảm so với trước, hiện cao nhất chỉ còn quanh mức 7,5 - 7,7%/năm áp dụng với kỳ hạn 12 - 13 tháng, cá biệt những khoản tiền lớn vài trăm tỷ thì có ngân hàng vẫn trả lãi hơn 8%/năm.
Trên liên ngân hàng, lãi suất cũng duy trì ở mức thấp nhất trong vòng hơn 5 năm, khi các nhà băng vay mượn nhau qua đêm, 1 tuần, 2 tuần với lãi suất chư đến 1%/năm, so với mức phổ biến 2-3%/năm trước đây.
Nguyên nhân khiến lãi suất giảm được cho là để cung cầu nguồn vốn ở các ngân hàng, trong bối cảnh tiền gửi vào ngày càng nhiều song không cho vay được bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chênh lệch tăng trưởng cung tiền và tín dụng duy trì mức dương tháng thứ 10 liên tiếp và đang ở mức cao kể từ năm 2016. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng vẫn đang duy trì ở mức thấp phần nào cho thấy dòng tiền trong hệ thống vẫn sẽ tiếp tục dồi dào trong ít nhất một tháng tới.
Trong khi đó, thị trường mở (OMO) hầu như vắng bóng các giao dịch giữa ngân hàng thương mại với NHNN. Tổng hợp các yếu tố trên cho thấy nhu cầu vốn cho hoạt động kinh tế khả năng vẫn duy trì ở mức thấp trong tháng tới.
Trước đó số liệu của NHNN công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,8% - mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Nguồn: VDSC
"Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng thương mại liên tiếp giảm lãi suất huy động, một mặt giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn, song cũng sẽ kích thích dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư, gồm chứng khoán và bất động sản, là hai kênh phổ biến nhất ở Việt Nam" - các chuyên gia của VDSC nhận định.