MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để bảo vệ thương hiệu gạo ST25 ở Mỹ?

24-04-2021 - 09:25 AM | Thị trường

Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu gạo ST25 có thể nộp đơn phản đối chính thức hoặc không chính thức ở Mỹ để đòi lại quyền sở hữu trí tuệ.

Từ vụ việc các doanh nghiệp (DN) có trụ sở ở California - Mỹ đã đăng ký và đang trong giai đoạn chờ để được bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 tại nước này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tất cả DN khi đã có định hướng xuất khẩu phải xây dựng chiến lược cho mình, trong đó có việc xây dựng, phát triển thị trường gắn với đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể bao gồm quyền độc quyền nhãn hiệu (thương hiệu) và quyền độc quyền đối với giống cây trồng là ưu tiên hàng đầu.

Doanh nghiệp cần chủ động

DN tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) - chủ sở hữu giống lúa ST25 - nên chủ động kiểm tra thông tin nhãn hiệu ở dữ liệu công khai về nhãn hiệu nộp ở nước ngoài và khẩn trương nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu của mình tại Mỹ. DN tư nhân Hồ Quang Trí cũng nên đăng ký bảo hộ giống lúa ST25 ở Mỹ với Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng của Mỹ trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (PVPO). Bởi nhãn hiệu hoặc giống lúa ST25 của DN Việt dù đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì cũng không mặc nhiên được bảo hộ ở Mỹ, trừ khi DN đã nộp đơn và được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cùng PVPO cấp bảo hộ.

Tương tự như pháp luật Việt Nam, nhãn hiệu (thương hiệu) ở Mỹ về cơ bản cũng được định nghĩa là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Khác với pháp luật Việt Nam chỉ bảo hộ cho các dấu hiệu nhìn thấy như chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó có kèm theo màu sắc, luật pháp Mỹ còn bảo hộ thêm cho các dấu hiệu không nhìn thấy như nhãn hiệu mùi vị hoặc nhãn hiệu âm thanh.

Làm gì để bảo vệ thương hiệu gạo ST25 ở Mỹ? - Ảnh 1.

Thương hiệu gạo ST25 cần sớm được Việt Nam đăng ký bảo hộ ở nước ngoài Ảnh: NGỌC ÁNH

Theo quy định, DN có thể chọn một trong 2 cách đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ. Cụ thể, DN có thể nộp đơn trực tiếp vào Mỹ thông qua một công ty luật của Mỹ (hay còn gọi là "đăng ký quốc gia") hoặc nộp đơn gián tiếp vào Mỹ thông qua vai trò đại diện pháp lý của công ty luật tại Việt Nam, sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu toàn cầu (hệ thống Madrid) gồm 108 thành viên khắp 124 vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ (hay còn gọi là "đăng ký quốc tế"). Do đó, DN tư nhân Hồ Quang Trí có thể nghiên cứu 2 cách đăng ký nhãn hiệu này để khẩn trương thực hiện.

Luật Nhãn hiệu Mỹ quy định nhãn hiệu muốn được bảo hộ phải đáp ứng đồng thời cả 2 điều kiện: có chức năng phân biệt hàng hóa/dịch vụ cùng loại mà được sản xuất/cung ứng bởi các chủ thể khác nhau; không tương tự tới mức nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác mà đã được đăng ký hoặc được nộp đơn hoặc được sử dụng trước ngày nộp đơn/ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu đó tại Mỹ. Đây là những quy định mà DN cần nghiên cứu kỹ để tránh bị từ chối hồ sơ.

Như vậy, DN "cha đẻ" của thương hiệu gạo ST25 phải chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ gồm: mẫu nhãn hiệu, nhóm sản phẩm và tên sản phẩm, căn cứ nộp đơn ở Mỹ (nhãn hiệu đã được sử dụng ở Mỹ hoặc nhãn hiệu dự định sử dụng ở Mỹ) và nộp lệ phí theo quy định. Nếu không có trở ngại nào phát sinh trong quá trình đăng ký nhãn hiệu, thông thường chỉ mất khoảng từ 7-10 tháng để nhận được giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do USPTO cấp.

Sử dụng công cụ phản đối chính thức

Theo Luật Nhãn hiệu của Mỹ, một nhãn hiệu được nộp và sẽ được xem xét trong vòng 3-4 tháng kể từ ngày nộp đơn. Nhãn hiệu sẽ được xét nghiệm cả về hình thức và nội dung bởi USPTO để kết luận liệu nhãn hiệu này có tuân thủ quy định về hình thức và về nội dung hay không. Nếu không có từ chối nào được đưa ra bởi USPTO, nhãn hiệu sẽ được chấp thuận công bố trên Công báo trong vòng 3 tuần kể từ khi USPTO chấp thuận bảo hộ. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công bố, người thứ 3 có quyền và lợi ích liên quan có quyền nộp đơn phản đối đối với nhãn hiệu đã công bố.

Như vậy, theo quy định trên, DN sở hữu thương hiệu gạo ST25 có thể nộp đơn phản đối chính thức (Trademark opposition) nhãn hiệu ST25 theo đơn 90009521 đã được USPTO chấp thuận công bố và có thể nộp đơn phản đối không chính thức (Letter of protest) chống lại 4 đơn nhãn hiệu còn lại chưa được công bố tại quốc gia này. Đơn phản đối chính thức nộp lên cho TTAB - The Trademark Trial and Appeal Board (Ban Khiếu nại và Xét xử nhãn hiệu) thuộc USPTO trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố. Do đó, DN Việt cần tranh thủ quy định này để bảo vệ nhãn hiệu của chính mình.

TTAB có thẩm quyền xét xử và quyết định giải quyết tranh chấp giữa các bên, gồm thủ tục phản đối (một bên phản đối nhãn hiệu sau khi được công bố trên công báo bởi USPTO) và hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu đã đăng ký (một bên yêu cầu hủy hiệu lực của một đăng ký nhãn hiệu đang tồn tại). Mỗi vụ việc phản đối theo thủ tục TTAB sẽ được quyết định bởi một hội đồng gồm 3 thẩm phán hành chính, những người rất am hiểu về luật và thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu ở Mỹ. Quyết định phản đối có thể được quyết định theo nguyên tắc cùng nhất trí (3-0) hoặc theo tỉ lệ biểu quyết đa số (2-1). Thủ tục phản đối nhãn hiệu tại TTAB mang tính chất là thủ tục hành chính, nghĩa là nó chỉ đi vào giải quyết tranh chấp giữa các bên về quyền đăng ký nhãn hiệu, chứ không giải quyết vấn đề về quyền sử dụng nhãn hiệu.

Theo Luật Nhãn hiệu của Mỹ, mọi cá nhân, công ty, hãng, hiệp hội hoặc các tổ chức khác có năng lực pháp luật đều có thể được chấp nhận là bên phản đối nếu họ chứng minh được họ là bên có quyền và lợi ích liên quan thực sự đến nhãn hiệu bị phản đối.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết sắp tới Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ thí điểm giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, hiệp hội ngành hàng, chọn ra các sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu tốt để hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm phù hợp các quy định quốc tế.

H.Dương

Theo Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự (Bross & Partners)

Người lao động

Trở lên trên