MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng phá sản, vỡ nợ dâng lên ở Mỹ: Liên tiếp chứng kiến các doanh nghiệp lớn 'ngã ngựa', không thể 'gánh gồng' trước sức ép từ lãi suất quá cao

09-10-2023 - 10:48 AM | Tài chính quốc tế

Làn sóng phá sản, vỡ nợ dâng lên ở Mỹ: Liên tiếp chứng kiến các doanh nghiệp lớn 'ngã ngựa', không thể 'gánh gồng' trước sức ép từ lãi suất quá cao

Số lượng doanh nghiệp Mỹ phá sản đang tăng lên nhanh chóng. Song, điều đáng lo ngại là ngày càng nhiều công ty rơi vào cảnh khó khăn đều có quy mô lớn.

Trong năm nay, các công ty như SVB Financial, Bed Bath & Beyond và Yellow đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11. Họ chỉ ra nguyên nhân là do lạm phát leo thang, lãi suất tăng cao, các khoản hỗ trợ của chính phủ dần cạn kiệt và tình trạng chuỗi cung ứng gián đoạn kéo dài.

Giờ đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp khác cũng có thể gửi hồ sơ tương tự, khi lãi suất cao đẩy họ đến "vực thẳm".

Dù bất kỳ hình thức phá sản nào cũng đều là "tin dữ", thì vụ phá sản của các doanh nghiệp lớn đều mang đến những rủi ro khá lớn cho nền kinh tế. Những trường hợp như vậy có thể khiến thị trường tài chính lo ngại, khiến hàng chục người mất việc. Ví dụ, trong trường hợp của Lehman Brothers năm 2008 cũng cho thấy rõ ràng rằng một cuộc suy thoái đang xảy ra.

Sự sụp đổ của công ty vận tải Yellow gần đây đã khiến nền kinh tế Mỹ xáo trộn, từ hoạt động vận tải nội địa cho đến thị trường bất động sản và cả Phố Wall.

Rõ ràng rằng, số vụ phá sản tăng lên ở thời điểm hiện tại khác xa so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay cuộc suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch. Thực chất, tỷ lệ phá sản của các doanh nghiệp lớn thấp bất thường trong năm ngoái, do đó đà tăng trong năm nay được nhận định là… bình thường.

Kinh tế Mỹ vẫn "kiên cường" tăng trưởng

Kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng khi người tiêu dùng tiếp tục chi tiền và doanh nghiệp nỗ lực giữ chân nhân sự. Các nhà tuyển dụng đã có thêm 336.000 nhân sự trong tháng 9 và hoạt động này diễn ra ở khắp các ngành.

Tuy nhiên, theo WSJ, số lượng hồ sơ theo chương 11 (với những doanh nghiệp lớn) đã tăng gấp 3 lần trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Và đi kèm với đó là nhiều mối rủi ro. Các hộ gia đình Mỹ đang dần cạn tiền tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch, các ngân hàng siết chặt hoạt động cho vay và lãi suất trái phiếu tăng cao. Tất cả những yếu tố này có thể kìm hãm đà tăng trưởng.

Theo Stephen Brown, phó giám đốc kinh tế khu vực Bắc Mỹ tại Capital Economics, số vụ doanh nghiệp phá sản tăng lên là "dấu hiệu đáng lo cho triển vọng kinh tế". Họ sẽ phải cắt giảm chi phí và có thể sa thải nhân sự.

Tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức 3,8%, tăng từ mức thấp nhất trong 50 năm qua là 3,4% vào hồi đầu năm. Hơn nữa, dù tốc độ tăng trưởng việc làm nhìn chung vẫn ở mức cao, nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng ở các công ty lớn lại yếu hơn so với các công ty nhỏ.

Số liệu việc làm phi nông nghiệp mới công bố cũng cho thấy, các công ty tư nhân đã sa thải 83.000 việc làm trong tháng 9. Việc làm tại các doanh nghiệp lớn hơn giảm 150.000 từ tháng 1.

Công ty tư vấn Cornerstone Research cho biết, "các vụ phá sản siêu lớn", hoặc các vụ phá sản của những doanh nghiệp có tài sản hơn 1 tỷ USD, đã lên tới 16 trong nửa đầu năm nay. Con số này vượt qua mức trung bình trong nửa năm là 11 vụ từ năm 2005 đến 2022. SVB Financial là vụ phá sản lớn nhất với tài sản gần 20 tỷ USD ở thời điểm họ nộp đơn.

Làn sóng phá sản, vỡ nợ dâng lên ở Mỹ: Liên tiếp chứng kiến các doanh nghiệp lớn 'ngã ngựa', không thể 'gánh gồng' trước sức ép từ lãi suất quá cao - Ảnh 1.

Những vấn đề của SVB đã nhanh chóng lan rộng, làm tăng mối lo ngại về suy thoái kinh tế và buộc Fed phải vào cuộc để trấn an thị trường.

Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ đang chứng kiến các cửa hàng Bed Bath & Beyond đóng cửa tại nhiều trung tâm mua sắm. Họ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và công bố kế hoạch ngừng vận hành các cửa hàng trên khắp nước Mỹ.

Trong khi đó, Yellow, một trong những công ty vận tải đường bộ lớn nhất nước Mỹ cũng nộp đơn xin phá sản vào mùa hè năm nay. Theo Challenger, Grey & Chrismas, công ty dịch vụ việc làm, việc Yellow ngừng hoạt động khiến khoảng 30.000 việc làm bị mất, con số lớn nhất kể từ khi Boeing thông báo sa thải nhân sự vào năm 2020.

Dẫu vậy, số lượng việc làm sụt giảm vẫn ở mức thấp trong lịch sử. Xu hướng hiện tại của thị trường lao động vẫn là "chìa khoá" để xác định liệu Fed có đạt mục tiêu đưa lạm phát xuống 2% và "hạ cánh mềm" hay không.

Doanh nghiệp "mong manh như tờ giấy" vì lãi suất cao

Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, một số nhà kinh tế lại không quá lạc quan.

Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của GlobalData TS Lombard, cho biết ngày càng có nhiều vụ phá sản, TTCK suy yếu và tình trạng nợ quá hạn thẻ tín dụng gia tăng. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ vẫn có thể suy thoái. Ông cho rằng, cuộc suy thoái này sẽ ít nghiêm trọng hơn so với năm 2007-2009.

Số doanh nghiệp nộp đơn phá sản theo chương 11 thường tăng lên trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng. Điều này cho thấy sự xáo trộn xảy ra theo ngành chứ không lan rộng. Đây cũng là những gì diễn ra trong năm 2015 và 2016, khi giá dầu sụt giảm khiến ngành dầu khí chứng kiến làn sóng phá sản, nhưng kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định.

Các doanh nghiệp lớn "ôm" nhiều khoản nợ khi lãi suất cực thấp sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi kinh tế tăng trưởng chậm lại và lãi suất vẫn ở mức cao.

Ví dụ, hãng cho thuê máy bay Voyager Aviation Holdings đã nộp đơn xin phá sản vào mùa hè này, một phần nguyên nhân là do môi trường lãi suất cao.

Theo Nick Kraemer, trưởng bộ phận phân tích hiệu suất xếp hạng tại S&P Global Ratings, các doanh nghiệp đi vay với lãi suất thả nổi đặc biệt "mong manh", khi chi phí cho vay tăng lên.

Petco là một trong những doanh nghiệp như vậy. Moody's đã hạ xếp hạng với công ty bán lẻ đồ dùng cho thú cưng vào đầu mùa hè này. Công ty đã vay khoảng 1,7 tỷ USD từ 2 năm trước với lãi suất khoảng 3,5% và hiện họ phải trả lãi gần 9%.

Tham khảo WSJ

Chi Lan

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên