Lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch tả heo châu Phi, 11 bộ, ngành tham gia
Thủ tướng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả heo châu Phi với sự tham gia của 11 bộ, ngành cùng nhiều cơ quan khác khi hiện đã có 21 địa phương trong cả nước xuất hiện dịch.
- 25-03-2019Cấm mọi hình thức vận chuyển lợn nhập lậu nhằm ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi
- 25-03-2019Infographic: Những con số đáng báo động về dịch tả lợn châu Phi
- 22-03-2019Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Lai Châu
Sáng nay 26-3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả heo châu Phi.
Ngoài 11 bộ, ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch tả heo châu Phi còn có sự tham gia của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam... trong đó Cục Thú y, Bộ NN-PTNT là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến ngày 25-3, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 447 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Lai Châu và Bắc Giang), với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 64.879 con.
Tại cuộc họp công bố thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc thành lập Ban Chỉ đạo là điều cần thiết trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Đặc biệt là tuyên truyền đến người dân không hoang mang, quay lưng với thịt heo.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch tả heo châu Phi trên toàn quốc; phối hợp với các bộ ban ngành đoàn thể nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấn phòng, chống dịch tả heo châu Phi; tổ chức thực hiện và đôn đốc kiểm tra các bộ, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Trên cơ sở nhận định về diễn biến của dịch tả heo châu Phi hiện nay, các đại biểu cho rằng việc chống dịch sẽ diễn ra lâu dài, cần xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi để các thành viên phối hợp chặt chẽ; đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về biện pháp trong chống dịch và chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học là biện pháp lâu dài và quyết định; đề xuất Chính phủ có dự thảo đề nghị để Ban Bí thư ban hành chỉ thị từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị ngăn chặn và khống chế dịch bệnh.
Báo cáo tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y - cho biết giai đoạn đầu bệnh dịch tả heo châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Tuy nhiên, từ ngày 20-3, bệnh dịch tả heo châu Phi đã và đang có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng; trong đó đã có hộ chăn nuôi lớn với tổng đàn 4.500 (gồm 500 nái và 4.000 heo thịt) tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị bệnh. Như vậy, dịch bệnh đã xâm nhiễm vào trại có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn các hộ dân.
Để kiểm dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, theo Cục Thú y, cần tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm heo qua địa phương. Thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch vận chuyển; vệ sinh và phun thuốc sát trùng các phương tiện vận chuyển và người tham gia vận chuyển; tổ chức lấy mẫu đối với các trường hợp heo nghi bị bệnh, sản phẩm heo nghi mang mầm bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý tiêu hủy triệt để, tránh làm lây lan dịch bệnh.
Bố trí đầy đủ lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với heo và sản phẩm heo vận chuyển qua địa bàn tỉnh, nhất là các tỉnh, thành phố có đường giao thông vận chuyển từ phía Bắc vào phía Nam.
Tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông.
Tạm dừng vận chuyển heo, sản phẩm lợn từ các vùng có dịch ra khỏi địa bàn (vùng có dịch) trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con heo cuối cùng mắc bệnh dịch tả heo châu Phi được tiêu hủy trên địa bàn.
Dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus, chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và heo rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác; lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn; không lây nhiễm và gây bệnh ở người; virus có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của heo; bệnh lây lan trực tiếp từ heo bệnh sang heo chưa mắc bệnh, sản phẩm heo mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,...), yếu tố con người, các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.
Người lao động