Liên Hợp Quốc: Các quốc gia đang phát triển ở châu Á sẽ mất tới 30-45% FDI vì đại dịch
Ngoài việc đóng cửa trong nước và gián đoạn lao động, ngành sản xuất của Đông Nam Á cũng gặp phải vấn đề về nguồn cung. Các nhà máy ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam có nguồn cung các bộ phận và linh kiện điện tử 40-60% ở Trung Quốc, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.
- 17-06-202015 tỷ bản tin về COVID-19 đã được gửi qua tin nhắn trong mùa dịch
- 17-06-2020Đồng tiền đi liền... điện thoại "cục gạch"
- 16-06-2020Báo Trung Quốc: EVFTA có lợi cho Việt Nam, không có hại cho Trung Quốc
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á dự kiến sẽ giảm từ 30% đến 45% trong năm nay. Bởi lẽ, vị thế là nhà máy của thế giới khiến các quốc gia này đặc biệt dễ bị gián đoạn vì đại dịch coronavirus, Liên Hợp Quốc cho biết trong Báo cáo Đầu tư Thế giới thường niên.
"Dòng chảy FDI vào các quốc gia đang phát triển ở châu Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương, thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và áp lực lớn trong việc đa dạng hóa các địa điểm sản xuất", báo cáo này được công bố hôm thứ ba (16/6) tại Hội nghị về thương mại và phát triển.
Các nền kinh tế châu Á phát triển, được xác định bao gồm Singapore, Hong Kong và Hàn Quốc, đã nhận được gần 1/3 dòng vốn FDI của thế giới vào năm 2019 ở mức 473,9 tỷ USD, theo báo cáo.
Báo cáo cho biết, đầu tư vào các nhà máy, trung tâm nghiên cứu và văn phòng ở châu Á đã giảm 37% từ tháng 1 đến tháng 3 so với mức trung bình hàng quý của năm ngoái, theo báo cáo. Các vụ sáp nhập và mua lại xuyên biên giới vào tháng 4, mặc dù cho thấy sự phục hồi rõ ràng so với tháng 3, vẫn thấp hơn 35% so với mức trung bình hàng tháng của năm 2019.
Trung Quốc, chiếm 29% dòng vốn đầu tư của khu vực năm ngoái, đã chứng kiến FDI suy giảm 13% trong quý đầu tiên của năm, không bao gồm lĩnh vực tài chính.
Ở Đông Nam Á, nơi được coi là động lực tăng trưởng FDI của khu vực châu Á, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô và điện tử quý đầu tiên của năm 2020 đã giảm lần lượt 67% và 36%, so với mức trung bình hàng quý năm ngoái.
Ngoài việc đóng cửa và gián đoạn lao động, ngành sản xuất của Đông Nam Á cũng gặp phải vấn đề về nguồn cung. Các nhà máy ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam có nguồn cung các bộ phận và linh kiện điện tử 40-60% ở Trung Quốc, theo báo cáo.
2019 là năm đầu tư vào Trung Quốc và Đông Nam Á đạt kỷ lục. Nhìn chung, vốn đầu tư vào khu vực châu Á (cả phát triển và đang phát triển) đang giảm 5%, chủ yếu do Hong Kong giảm 34%, và giảm 13% tại Hàn Quốc - do tình trạng bất ổn xã hội và rạn nứt thương mại với Nhật Bản .
Mặc dù phần lớn khu vực đang phát triển ở châu Á đã hoạt động trở lại, dòng vốn đầu tư vẫn khó có thể tăng đáng kể. Việc đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội quy mô lớn đã làm chậm việc triển khai các dự án hiện có ở các nước sở tại. Trong khi đó, dự báo suy thoái sâu, cũng như thu nhập của các tập đoàn đa quốc gia giảm sẽ đồng thời làm giảm năng lực và sự sẵn sàng tái đầu tư.
"Đại dịch là một cú sốc cung, cầu và chính sách đối với FDI," báo cáo cho biết.
Liên Hợp Quốc hy vọng đầu tư xuyên biên giới toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2022, nhưng cảnh báo rằng các xu hướng ngược chiều như: "theo đuổi tự chủ chuỗi cung ứng", "thay đổi chính sách đối với chủ nghĩa dân tộc" sẽ có "hậu quả sâu rộng đối với cấu trúc sản xuất quốc tế trong thập kỷ từ nay đến năm 2030".