Lựa chọn "kém may mắn" của Dragon Capital: Quyết giữ ACB, thoái sạch vốn khỏi VPB rồi phải mua lại với giá đắt gấp 5-7 lần
Cùng đầu tư từ năm 1996, đến năm 2010, Dragon Capital đã thoái hết vốn khỏi VPBank và tiếp tục nắm giữ ACB cho đến hiện nay. Sau hơn 7 năm, giá cổ phiếu ACB giữ nguyên trong khi giá trị của VPBank tăng gấp 7 lần.
- 11-09-2017Các quỹ lớn liên tục chốt lãi nhưng Dragon Capital vẫn đặt cược lớn vào cổ phiếu Thế Giới Di Động
- 28-08-2017Dragon Capital chốt lời Tôn Hoa Sen, rót vốn lớn vào Tôn Nam Kim (NKG)
- 11-08-2017Dragon Capital và VinaCapital "ôm" toàn bộ 30% cổ phần chào bán cho tổ chức của FPT Shop
Hơn 20 năm hiện diện trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Dragon Capital và quỹ đầu tư lớn nhất của mình - VEIL luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tính đến 31/8/2017, ngân hàng là nhóm cổ phiếu lớn thứ 2 trong danh mục của VEIL với tỷ trọng 20% NAV, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá 250 triệu USD.
Các khoản đầu tư chính trong danh mục cổ phiếu ngân hàng của VEIL gồm có MBB (7,2%NAV), ACB (6,4%), VPB (hơn 3%), Vietinbank và Vietcombank.
Theo ước tính của chúng tôi, VEIL đã mua khoảng 24 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương 1,8% vốn điều lệ của nhà băng này trong đợt chào bán cho các nhà đầu tư tổ chức trước khi niêm yết.
VPBank vốn không xa lạ gì với Dragon Capital bởi họ đã “kết duyên” với ngân hàng này từ năm 1996. Cũng trong năm 1996, Dragon Capital còn đầu tư vào ACB và gần như giữ nguyên khoản đầu tư này cho đến ngày nay. Trong khi đó, khoản đầu tư vào VPB đã được thoái hết vào năm 2010 và bây giờ Dragon Capital phải mua lại với giá cao gấp nhiều lần.
Bán VPBank giá 5.000 đồng/cp, mua lại giá 30.000 đồng/cp
Vào năm 1996, Dragon Capital mua 10% vốn cổ phần của VPbank. Vì sự hạn chế tài liệu trong giai đoạn này nên giá mua chưa từng được tiết lộ công khai. Năm 2007, Dragon Capital bán đi một phần khoản đầu tư này, theo thông tin công bố, giá bán bằng 10 lần giá trị sổ sách.
Tại thời điểm 31/12/2009, VEIL thông qua Dragon Financial Holdings Limited sở hữu 8,31% cổ phần của VPBank. Vốn điều lệ khi đó của VPBank là 2.117 tỷ đồng, tương ứng số cổ phần mà Dragon Financial Holdings Limited sở hữu là 17,6 triệu đơn vị.
Theo trang Private Equity Wire, vào tháng 3/2010, Dragon Capital đã bán sạch khoản đầu tư tại ngân hàng này với giá bằng 2,5 lần giá trị sổ sách (trong khi đó, P/B trung bình của ngành ngân hàng chỉ ở mức 1,2x). Khoản đầu tư này lãi 2,7 lần, tỷ suất sinh lời IRR đạt 21%.
Theo báo cáo tài chính năm 2009 của VPBank, giá trị sổ sách ở mức 12.000 đồng/cp, tức Dragon Capital đã bán 8,32% vốn tại VPB với giá 30.000 đồng/cp tương đương việc định giá ngân hàng này ở con số 6.400 tỷ đồng (khoảng 330 triệu USD theo tỷ giá tại thời điểm đó). Hiện tại, vốn hóa thị trường của VPBank đạt gần 50.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD). Tính theo giá điều chỉnh sau khi VPB thực hiện các đợt tăng vốn, trả cổ tức… thì Dragon Capital đã bán VPB với giá chỉ vào khoảng 5.000 đồng/cp so với mặt bằng giá VPBank hiện tại.
Đáng nói hơn cả là việc quỹ ngoại gắn liền với tên tuổi của ông Dominic Scriven vừa mua lại VPBank với giá bình quân 30.000 đồng/cp trước khi ngân hàng này niêm yết trên HOSE, tức gấp 6 lần giá bán trước đó.
Báo cáo của quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ đầu tư do Dragon Capital quản lý - ngày 17/08 cho thấy, VPBank đã lọt vào top 10 các khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất của quỹ này với 3,3% tương đương 40,2 triệu USD (hơn 900 tỷ đồng). Một quỹ khác thuộc Dragon Capital là Vietnam Equity (Ucits) Fund (VEF) cũng đã đưa VPBank vào top 10 nắm giữ với tỷ trọng 7,32% NAV của quỹ, đứng vị trí thứ 4, tương đương gần 9,5 triệu USD (khoảng 216 tỷ đồng).
Một số thông tin trong giới đầu tư cho biết, thực tế trong giai đoạn từ 2010-2016, Dragon Capital đã mua lại một số lượng cổ phần VPBank nhưng do tỷ lệ thấp nên không thể hiện trên các báo cáo của quỹ cũng như ngân hàng.
Trong thời gian đó, cổ phiếu ACB tăng không đáng kể
Có tình cảm đặc biệt đối với cổ phiếu ngân hàng, Dragon Capital dành tỷ trọng lớn tài sản cho các khoản đầu tư nhóm này. Trong đó, ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu là khoản đầu tư được gắn bó từ năm 1996 với giá vốn gần 28,2 triệu USD. Trải qua những thăng trầm của ngân hàng Á Châu cũng như cổ phiếu ACB, Dragon Capital vẫn nắm giữ cho đến hiện tại.
Nếu tính từ năm 2010 - khi Dragon Capital bán hết VPBank - thì cổ phiếu ACB cũng ghi nhận một đợt tăng giá mạnh trong năm 2015 và trong năm 2017 này. Nhưng nếu so với VPB thì khoản đầu tư vào ACB đã khiến Dragon Capital khá thiệt thòi. Ngày 31/03/2010, ACB có giá 22.480 đồng (giá điều chỉnh sau các đợt chia cổ tức) và đóng cửa ngày 12/09/2017, ACB có giá 27.800 đồng - tức chỉ tăng 24% trong hơn 7 năm trời, một tỷ suất sinh lời quá khiêm tốn. Nếu tính đến trượt giá của VNĐ so với USD thì giá trị của ACB không hề tăng trong suốt 7 năm.
MBB - khoản đầu tư lớn nhất trong ngành ngân hàng của VEIL - đã tăng tới 71% chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay. Trong khi đó, 8% cổ phần của VPBank vốn được bán đi với giá chưa đến 30 triệu USD giờ đây có giá trị lên đến 200 triệu USD.
Trí Thức Trẻ