MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lười học ngoại ngữ, đổ tại bận làm và ti tỉ lý do: Quyết tâm của bạn chắc chắn thua xa một cụ bà 80 tuổi

03-07-2018 - 19:55 PM | Sống

Cuộc sống là không bao giờ ngừng học, đó là điều tuyệt đối không bao giờ được phép quên.

Một bà lão ở Lật Dương, Trung Quốc, tên Bàng Đức Thấm, 83 tuổi, là học viên cao tuổi nhất của một lớp học tiếng Anh tại đây. Bà vô cùng thành thạo các từ mới cũng như các thành ngữ trong quyển sách tiếng Anh, còn có thể hát một vài bài hát tiếng Anh. Bà lão nói, cuộc sống là không bao giờ ngừng học, năm nay bà phải vượt qua một bài thi nói tiếng Anh, hi vọng sau này có thể sử dụng thật thành thạo ngôn ngữ này.

Bà Bàng trước đây sống ở Sơn Đông. Năm 1956, bà bà làm kĩ sư lập bản đồ cho các cuộc khảo sát địa chất. Chồng bà là một nhà nghiên cứu địa chất, hai vợ chồng thường xuyên phải làm việc trong núi. Bà sinh ra được 4 người con và đều gửi về quê gốc Lật Dương nhờ cha mẹ chăm sóc.

Đến năm 1984, nghĩ đến việc cha mẹ già và con nhỏ ở nhà cần người chăm sóc, hai vợ chồng quyết định xin điều công tác từ Hồ Bắc về Lật Dương, họ trở thành một trong những thế hệ đầu tiên góp phần kiến thiết và phát triển thành phố này, khắp thành phố Lật Dương, đâu đâu cũng có sự đóng góp của hai vợ chồng bà.

Bà Bàng khiêm tốn nói, học tập là một trong những truyền thống của gia đình bà. Mặc dù hai vợ chồng bà đều làm việc ở Hồ Bắc, không chăm sóc hay quản thúc được 4 người con gái ở Lật Dương nhưng cả 4 cô con gái đều rất hiếu học, thi đỗ vào Đại học Nam Kinh, Đại học Y Khoa, thành tích học tập đều rất tốt, trong đó có 3 cô con gái đều đã đi du học Mỹ, cô cả còn là chuyên gia vật lý học, tham gia vào nghiên cứu khoa học và công nghệ vũ trụ tại Mỹ.

Lười học ngoại ngữ, đổ tại bận làm và ti tỉ lý do: Quyết tâm của bạn chắc chắn thua xa một cụ bà 80 tuổi - Ảnh 1.

Buổi học Tiếng Anh của cụ bà Bàng Đức Thấm.

"Mấy đứa con gái đều rất chăm chỉ nên tôi cũng không lười được". Bà Bàng sau khi về hưu cảm thấy rất có hứng thú với lịch sử, văn học, vì vậy đã báo danh đi thi tại trường đại học dành cho người lớn tuổi của thành phố, bắt đầu cuộc sống của riêng mình sau khi nghỉ hưu.

Năm 2005, cô con gái ở Mỹ đón bà sang Mỹ sống, đồng thời giúp cô chăm cháu, bà Bàng lúc đó đã 70 tuổi nhưng cũng rất nhanh chóng hòa nhập được với cuộc sống ở bên Mỹ trong khu Hoa kiều. Ở Mỹ 10 năm, bà thuận lợi lấy được Thẻ xanh của Mỹ nhưng vì nhớ quê hương nên bà quyết định trở về. Sau khi về nước bà tiếp tục theo học tại trường đại học dành cho người lớn tuổi.

Trong suốt 10 năm ở Mỹ, bà Bàng cảm thấy hối tiếc vì đã không học tiếng Anh, các cháu bà thì đến nửa câu tiếng Trung cũng không biết, mỗi lần gọi video cho chúng bà chỉ có thể nói 1,2 câu tiếng Anh, việc này khiến bà nghĩ ngợi nhiều. Vậy là sau khi về nước, bà lập tức báo danh vào lớp tiếng Anh của trường đại học cho người lớn tuổi.

Trong mỗi quyển sách tiếng Anh của bà Bàng, dưới mỗi một câu tiếng Anh đều có ghi chú bằng tiếng Trung. Bà có cách riêng của mình trong việc ghi nhớ từ mới, đó là dùng tiếng Trung, ghi nghĩa tiếng Trung lên mỗi một từ mới trong sách.

Bà nói dù sao thì tuổi cũng cao rồi, việc học thuộc lòng có chút khó khăn, nhưng bà vẫn rất kiên trì, thường xuyên đi ra ngân hàng "hưởng sái" điều hòa để học từ mới.

Cứ như vậy, hơn một năm trở lại đây, mấy trăm từ mới trong sách tiếng Anh đều đã được bà học thuộc lòng. Hiện nay, bà đang là một học viên ưu tú của lớp tiếng Anh, thường xuyên là người đứng lên đọc từ mới, đọc các đoạn văn ngắn trong lớp, ngay cả hát bằng tiếng Anh cũng không còn là chuyện khó khăn với bà.

Bà Bàng nói, bây giờ đối với bà ngoài những thứ đơn giản như từ mới hay các câu chào hỏi thông thường thì bà vẫn còn chút khó khăn trong việc giao tiếp tiếng Anh hàng ngày. Vì vậy mà mục tiêu của bà trong năm nay đó là luyện giao tiếp  thật tốt. Bà nói nghỉ hè năm nay, đợi các cháu về nước chơi, bà sẽ cùng chúng học tiếng Anh thật chăm chỉ.

Nhìn sang xung quanh, thấy rất nhiều bạn trẻ chăm chỉ học ngoại ngữ. Họ nắm rõ xu thế thời cuộc, hiểu rõ ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng chính là chìa khóa giúp họ mở cánh cửa tri thức, trở thành những công dân toàn cầu thực thụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người trẻ ngại học, tỏ ra thiếu kiên nhẫn với thứ ngôn ngữ toàn cầu này. Bởi họ cho rằng có kiên nhẫn cũng chưa chắc làm được hay thấy khó như hái sao trên trời rồi tự đổ lỗi cho hoàn cảnh là vì công việc, là vì mình mất căn bản… Có ti tỉ lý do, kèm theo đó là thái độ trì hoãn "để mai tính" khiến việc học ngoại ngữ đã khó càng thêm khó.

Theo khía cạnh này, rõ ràng nhiều bạn nắm trong tay tuổi trẻ, khả năng tiếp thu tốt hơn một cụ bà 80 tuổi rất nhiều, nhưng lại sớm từ bỏ ý thu nạp tri thức. Thử hình dung xem, một việc cụ thể là học tiếng Anh, các bạn dễ dàng nói hai tiếng Bỏ Cuộc, thì trong cuộc đời này, đứng trước bao khó khăn, thử thách...bạn cũng sẽ lắc đầu, quay đi hay sao?

Câu chuyện của cụ bà quê Lật Dương chính là điển hình, cụ thể hóa cho thông điệp: "Không bao giờ bỏ cuộc và luôn cố gắng" chính là chìa khóa đi tới thành công. Khi chúng ta muốn đạt được điều gì đó, trước hết chúng ta hãy xác định mục tiêu cho chính mình và sau đó là lên kế hoạch và từng bước kiên trì thực hiện. Mong rằng, câu chuyện nhỏ sẽ tiếp thêm nhiều động lực vươn đến thành công cho chính bạn.

Theo N.Quỳnh

Trí thức trẻ

Trở lên trên