Lương công chức vừa thấp vừa bất hợp lý, Bộ trưởng Nội vụ nói gì?
Tiền lương đang có sự thiếu công bằng giữa cán bộ công chức các cấp. Đều là cán bộ như nhau nhưng phụ cấp người có người không, lương cán bộ lại quá thấp…trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?
- 16-11-2016Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận có hiện tượng “bổ nhiệm ồ ạt vào cuối nhiệm kỳ”
- 16-11-2016Bộ trưởng Nội vụ: Ông Vũ Huy Hoàng là trường hợp khó vì chưa có tiền lệ
- 16-11-2016Đề án ngoại ngữ gần 9.400 tỷ sau 8 năm, Bộ trưởng GD-ĐT nói: “Mục tiêu không khả thi!”
- 16-11-2016Bộ trưởng Tài Nguyên – Môi trường: “Biển miền Trung đã an toàn”
Đây là chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tại nghị trường.
Đại biểu tỉnh Bình Thuận cho biết trên thực tế đang có sự thiếu công bằng trong thụ hưởng tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức các cấp.
Cụ thể, bà Phúc dẫn ra, cũng là cán bộ, công chức nhưng phụ cấp công vụ ngành có ngành không, cũng là cán bộ khối Đảng nhưng phụ cấp 30% cấp xã, phường không có, cũng là những ngành đặc thù như y tế, giáo dục nhưng thâm niên ngành thì không ngành có.
“Chính sách lương cán bộ cơ sở quá thấp, thậm chí cán bộ bán chuyên trách chưa có chế độ lương, chỉ có phụ cấp mức rất thấp đã tạo ra sự bất hợp lý trong thực hiện chính sách tiền lương”, bà nói.
“Với trách nhiệm là Bộ trưởng, chắc chắn Bộ trưởng đã thấy sự bất hợp lý này, nhưng tại sao lại để kéo dài như vậy. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và Bộ trưởng làm gì để sớm giải quyết tình trạng nêu trên”, đại biểu Phúc chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.
Mặt khác, dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, đại biểu Phúc đặt câu hỏi tại sao thu nhập của cán bộ còn rất thấp, trong khi chi thường xuyên lại chiếm đến 64%.
“Điều đó cho thấy bộ máy Nhà nước của chúng ta quá cồng kềnh!” đại biểu này nói và đặt câu hỏi với Bộ trưởng về giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác cán bộ, khắc phục tình trạng trên.
“Tiền lương là vấn đề phức tạp, khó khăn”, Bộ trưởng Nội vụ mở đầu câu trả lời. Ông cho biết lộ trình tiền lương đã được báo cáo từ năm 2004, tính đến nay đã trình qua 5 lần kỳ họp của trung ương.
Cụ thể, từ năm 2013 mức lương tối thiểu trước đây và hiện nay là mức lương cơ sở 1.150.000. Từ 2013 - 2015 hai năm liên tục tiền lương cơ sở không tăng và năm 2016 là tiền lương cơ sở chỉ tăng 7% lên là 1.210.000 đồng.
“Nếu như vậy trong năm 2017 sắp tới theo đề nghị của Bộ Nội vụ chúng ta trả nợ cho những năm trước không tăng cộng thêm phần còn lại của năm 2016 chúng ta chỉ tăng 7% là chúng ta phải tăng 26%, như vậy mức lương này lên tới 1.420.000”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, mức tăng này sẽ khiến tổng chi ngân sách quá lớn. Do đó, Ban chỉ đạo tiền lương đã họp và quyết định đề nghị với Chính phủ và Quốc hội năm 2017 tiếp tục chỉ tăng mức lương 7% tương đương là dưới 90.000 nâng mức lương lên là 1.300.000 đồng là mức lương cơ sở.
Viện dẫn tình hình kinh tế khó khăn, thu ngân sách gặp khó, trong khi chi trả lương chiếm 1/3 tổng chi ngân sách, Bộ trưởng cho rằng cần phải thực hiện nghiêm vấn đề tinh giản biên chế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết trong 2 năm vừa qua mới chỉ tinh giản được 17.000 người, trong khi nếu thực hiện bình quân mỗi năm 1%, thì số lượng người cần giảm là 36.000 người.
Do đó, Bộ trưởng cho biết cần phải thực hiện nghiêm vấn đề này, đồng thời thực hiện xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công, từng bước xoá bỏ cơ chế bao cấp đối với các đơn vị sự nghiệp này và từng bước nâng phí, chuyển thành giá đảm bảo cho các đơn vị sự nghiệp công lập đủ hạch toán đầu vào.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương tạo nguồn tăng thu để dành 50% tăng lương cho cán bộ.
Hiện tại, Bộ trưởng cũng cho biết mức lương cơ sở chỉ đang là 1,3 triệu vẫn chưa đạt được 50% lương tối thiểu (3,3 triệu đồng)
“Do đó lộ trình tăng lương trong thời gian sắp tới phải tổng hợp nhiều giải pháp, vừa thực hiện tinh giản biên chế, vừa thực hiện tiết kiệm chi và dành một phần lương, một phần ngân sách để bổ sung cho vấn đề cải cách tiền lương để thực hiện trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, phần trình bày của Bộ trưởng chưa làm đại biểu Phúc hài lòng. Bà cho rằng Bộ trưởng chưa trả lời được trọng tâm là việc bất bình đẳng trong chính sách tiền lương và trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc để bộ máy cồng kềnh, tốn kém.
Trả lời tiếp về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh vào Nghị quyết 39 đã được ban hành và khẳng định “sắp tới chúng ta sẽ thực hiện nghị quyết này”.
Đặc biệt, Bộ trưởng chỉ ra Nghị định 123 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành đã quy định, thể hiện rất rõ việc phân công rành mạch chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đây là việc rất khó, thể hiện bằng nghị định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành.
“Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng Bộ Tư pháp thẩm định, chúng ta thực hiện cương quyết phải tinh giản bộ máy bằng cách thu gọn đầu mối trong các tổ chức, cơ quan cấp bộ cũng như việc sửa đổi Nghị định 24 trong việc xây dựng tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sắp tới”. Bộ trưởng cam kết.