Mang cổ phiếu làm tài sản đảm bảo vay vốn, chuỗi nhà hàng Golden Gate được định giá lên đến 650 triệu USD bất chấp bị tác động nặng từ đại dịch
Theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8/2021, giá trị một cổ phần Golden Gate là 1.953.359 đồng/cp. Theo đó giá trị tài sản đảm bảo ban đầu được xác định là hơn 1.120 tỷ đồng, tương đương 160% tổng tài khoản gốc của trái phiếu.
CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate, GGG) vừa huy động gần 494 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 11,5%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.
Trước đó vào tháng 9/2021, Golden Gate cũng đã lên kế hoạch chào bán 700 tỷ đồng trái phiếu nhằm mục đích nhằm thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và tăng quy mô vốn hoạt động.
Lô trái phiếu lần này phần lớn được mua bởi 89 nhà đầu tư cá nhân trong nước (301 tỷ đồng), 5 nhà đầu tư tổ chức trong nước mua phần còn lại (192 tỷ đồng).
Trong đó, tài sản đảm bảo là 573.372 cổ phần của Golden Gate. Theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8/2021, giá trị một cổ phần Golden Gate là 1.953.359 đồng/cp. Theo đó giá trị tài sản đảm bảo ban đầu được xác định là hơn 1.120 tỷ đồng, tương đương 160% tổng tài khoản gốc của trái phiếu.
Như vậy, với hơn 7,6 triệu cổ phần tính tại ngày 31/12/2020, định giá Golden Gate ở mức 14.845 tỷ đồng (tương đương hơn 650 triệu USD).
Được sáng lập vào tháng 8 năm 2005 bởi 3 người bạn doanh nhân đang ở độ tuổi 30 là Thế Vinh, Xuân Tường và Việt Hồng, Golden Gate khởi đầu chỉ với thương hiệu Ashima cùng 6 cửa hàng vào năm 2008. Một năm sau, Golden Gate tiếp tục ra mắt thương hiệu lẩu băng chuyền Kichi Kichi và tăng vốn lên hơn 51 tỷ đồng. Bước sang năm 2012 cũng là giai đoạn hoàng kim, Golden Gate liên tục phát triển hệ sinh thái thương hiệu cũng như quy mô cửa hàng với tốc độ bằng lần, hiệu quả kinh doanh cũng leo dốc tương ứng.
Liên tục mở rộng mạnh mẽ nhằm tận dụng nhu cầu "ăn nhậu" các món lẩu, nướng, bia tươi bùng nổ mạnh mẽ tại các thành phố lớn, Golden Gate đã trở thành chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn nhất nước với hệ thống gồm hàng chục thương hiệu khác nhau như Ashima, Kichi Kichi, Gogi, Sumo BBQ, Hutong hay Vuvuzela…
Nhờ đầu tư sớm cùng độ phủ lớn, doanh thu của Golden Gate trong 10 năm qua đã tăng gần 100 lần, đạt 3.970 tỷ vào năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trong 10 năm qua đạt 58,5%. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 269 tỷ trong khi năm 2008 đạt 8 tỷ, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trong 10 năm qua đạt 42,1%/năm.
Tính đến cuối năm 2019, hệ thống Golden Gate đạt mốc 350 cửa hàng trên toàn quốc với gần 30 thương hiệu. Trong đó, năm qua Golden Gate mở rộng phiên bản Gogi House sang thương hiệu mới là Gogi Steak, tung dòng Pizza cao cáoa của Ý với thương hiệu Jack's 500 Pizzeria... Kết thúc năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 4.776 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ nhờ mở rộng mạng lưới cũng như tăng doanh thu từ các cửa hàng được mở trong năm 2018.
Sang năm 2020, chịu tác động bởi Covid-19, doanh thu Golden Gate lần đầu sụt giảm mạnh, tương ứng lãi sau thuế giảm đến 80% chỉ còn 64,9 tỷ đồng. Dù vậy, Công ty vẫn tranh thủ mở rộng mạng lưới hoạt động với 386 nhà hàng tính đến cuối năm 2020, tăng 29 nhà hàng so với thời điểm đầu năm.
Năm 2021 tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch, dù vậy Golden Gate đã chuyển đổi mô hình nhằm ứng phó, thúc đẩy doanh số online. Đơn cử dịch vụ G – Delivery giao đồ ăn tại nhà, phát triển dòng sản phẩm Ready – to – eat mang thương hiệu Icook (đã sơ chế, cấp đông và đóng gói). Các sản phẩm này được phân phối tại hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích VinMart/Vinmart+ và trên các sàn TMĐT Tiki, VinID, ShopeeFood, GrabMart, Lazada…
Theo đại diện Golden Gate, việc thị trường chung chịu tác động do đại dịch là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên từng thương hiệu và địa điểm kinh doanh sẽ có tốc độ phục hồi khác nhau. Đối tượng khách hàng của Golden Gate chủ yếu là dân văn phòng, gia đình có mức thu nhập từ trung bình trở lên. Đây là nhóm khách hàng có khả năng phục hồi tiêu dùng tương đối nhanh sau các làn sóng dịch bệnh. Thực tế sau giai đoạn giãn cách tháng 4/2020, các thương hiệu như GoGi House, Manwah, Kichi – Kichi đã lấp đầy từ 80 – 100% công suất ngay trong tuần đầu tiên.
Song song, Golden Gate cũng chuẩn bị cho những hoạt động đầu tư khác. Mới đây, Golden Gate đã hoàn tất mua lại toàn bộ 756.000 cổ phần, tương ứng với 100% tỷ lệ biểu quyết của Công ty TNHH Đầu tư Tây Hồ - Vĩnh Phúc. Đây là chủ đầu tư dự án Xây dựng nhà máy sản xuất điều hoà không khí, tấm lợp và vách ngăn cách nhiệt tại Khu công nghiệp Quang Minh (tỉnh Vĩnh Phúc). Thêm vào đó, Golden Gate còn nhận chuyển nhượng 49% vốn tại CTCP Golden Gate Red Hots và tăng tỷ lệ nắm giữ tại Công ty TNHH Tân Phong – Lại yên lên 100%.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị