MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Mệnh" là cái cớ của kẻ thất bại; "Vận" là cách nói khiêm tốn của người thành công: Thế mới thấy người tài giỏi và người kém cỏi cách xa nhau chừng nào

29-07-2019 - 07:58 AM | Sống

Kẻ thất bại luôn nhìn thấy khó khăn trong mọi cơ hội, còn người thành công thì lại nhìn thấy cơ hội trong muôn vàn khó khăn. Nhiều khi, không phải bạn thấy được hi vọng mới bắt đầu nỗ lực, mà là hãy nỗ lực để có được hi vọng.

01

Một người bạn của tôi đột nhiên gọi cho tôi lúc đêm khuya sau một thời gian dài không thấy liên lạc. Cô ấy đầy vẻ lo lắng: "Cậu có biết không? Tôi thực sự sống rất khó khăn. Về nhà cha mẹ lúc nào cũng cãi nhau, còn đến công ty thì công việc luôn đầy rẫy những vấn đề hóc búa, khó khăn. Tôi thực sự muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn này, ước gì giờ có một phép màu, tôi sẽ trốn khỏi đây ngay". Cô luôn có cảm giác rằng, những người khác ngày càng trưởng thành và dường như biết họ sẽ làm gì tiếp theo, từ đó họ quyết tâm nỗ lực và học hỏi thêm kinh nghiệm, nhưng cô thì không biết ngày mai của mình sẽ ra sao.

Trước khi nhấc máy liên lạc với tôi, cô ấy đã đấu tranh tư tưởng trong một thời gian dài, bởi vì cô ấy cảm thấy rằng cuộc sống hiện tại của bản thân thật tồi tệ, cô ấy cũng muốn tìm một người để giải quyết hộ cô câu hỏi: Liệu một cuộc sống như vậy có quá thất bại hay không.

Chúng tôi gọi video cho nhau. Tôi nghe giọng nói của cô ấy rất đau khổ và bất bình, khuôn mặt buồn bã và nhiều lần thở dài ngao ngán. Thực tế, theo tôi, cô ấy đã không hẳn là kẻ thất bại hoàn toàn. Chỉ là thế giới của người trưởng thành quá phức tạp, con đường thành công chưa bao giờ dễ đi và cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng.

Mọi người đều có những khó khăn và nỗi khổ riêng. Họ phải học cách đối mặt, chiến đấu và giải quyết khó khăn một mình. Nhiều khi bạn không khóc, nhưng vẫn có người đến an ủi. Dù bạn không cảm thấy mệt nhưng đâu đó vẫn có người hỗ trợ bạn. Trong cuộc sống này sẽ có cách giải quyết vấn đề, chỉ là bạn chưa tìm ra thôi. Cuộc sống sẽ luôn có một chút đau đớn để bạn có thể lớn lên và trưởng thành hơn.

Cuộc sống thật cay đắng, nhưng đau khổ không phải là toàn bộ cuộc sống. Đứng trước khó khăn, một số người chọn đầu hàng ngay mà không phản kháng, còn một số người chọn cách nhìn về tương lai và tự nhủ rằng mọi chuyện sẽ tốt thôi. Đó là động lực giúp họ đi tiếp chặng đường chinh phục ước mơ của chính mình.

Mệnh là cái cớ của kẻ thất bại; Vận là cách nói khiêm tốn của người thành công: Thế mới thấy người tài giỏi và người kém cỏi cách xa nhau chừng nào - Ảnh 1.

02

Sự trưởng thành của con người được định sẵn là một hành trình cô đơn. Chúng ta phải học cách bước đi một mình, mặc cho người khác nói gì, không cầu xin người khác, không quá dựa dẫm vào người khác, tự sưởi ấm bản thân, chữa lành vết thương của chính mình, cho mình sức mạnh và lòng can đảm để bước tiếp.

Có một câu nói rất hay: "Mệnh" là cái cớ của kẻ thất bại, còn "vận" là cách nói khiêm nhường của người thành công. May mắn sẽ chỉ dành riêng cho những người đã có sự chuẩn bị. Con đường thành công không đông đúc, không phải không có người đi, chỉ là nhiều người đã chọn sự thoải mái, an nhàn hoặc bỏ cuộc thay vì can đảm bước tiếp. Có thể nhiều người sẽ tự hỏi rằng mình đã làm việc chăm chỉ quá lâu, liệu điều này có thực sự hữu ích không? Tôi có nên tiếp tục đi tiếp con đường này không? Trên thực tế, kẻ thù lớn nhất của cuộc đời không phải là người khác, mà là chính bản thân bạn. Nếu bạn không tin tưởng vào bản thân, không cho mình đủ tự tin, không cho bản thân lý do để làm việc chăm chỉ, vậy làm sao bạn có thể thành công?

Trên thế giới chỉ có hai loài động vật có thể leo lên các kim tự tháp, một loài là đại bàng và loài kia là ốc sên. Đại bàng có thể leo lên đỉnh của kim tự tháp bằng cách bay vì nó có đôi cánh mạnh mẽ. Còn con ốc sên cũng có thể làm được như đại bàng. Nó dựa vào cái gì? Đó  là niềm tin rằng nó đang kiên trì trong mục tiêu của mình, kiên trì từng bước để leo lên đỉnh cao. Tuy tốc độ của ốc sên chậm nhưng nó không hề bỏ cuộc. Rồi sẽ có lúc, nó chạm chân đến đỉnh kim tự tháp.

Kẻ thất bại luôn nhìn thấy khó khăn trong cơ hội, còn người thành công thì lại nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Nhiều khi, không phải bạn thấy được hi vọng mới bắt đầu nỗ lực, mà là hãy nỗ lực để có được hi vọng.

Mệnh là cái cớ của kẻ thất bại; Vận là cách nói khiêm tốn của người thành công: Thế mới thấy người tài giỏi và người kém cỏi cách xa nhau chừng nào - Ảnh 2.

03

Mọi người đều ngưỡng mộ thành công, nhưng thành công không phải là một bước lên mây mà phải trải qua nhiều ngày tháng nỗ lực mới có. Cũng giống như từng hạt cát nhỏ li ti, phải rất nhiều ngày tháng mới tập hợp lại và xây thành một tòa nhà.

Khổng Tử là nhà giáo dục, nhà tư tưởng vĩ đại Thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Học thuyết của ông dã được coi là nền tảng của chế độ phong kiến Trung Quốc trong nhiều thế kỷ và có ảnh  hưởng rất sâu rộng. Ngoài dạy học, nghiên cứu và viết sách, Khổng Tử còn viết nhạc, chơi đàn ở trình độ khá cao siêu. Dưới đây là câu chuyện ông ấy đi học đàn.

Ngay từ nhỏ, Khổng Tử đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, sáng dạ và ham học hỏi. Cái gì cậu cũng muốn hỏi, muốn biết mà đã biết là phải biết tường tận. Chính nhờ những đức tính này mà khi lớn lên Khổng Tử đã có một vốn kiến thức hơn người cả về sách vở lẫn thực tế.

Cả cuộc đời Khổng Tử là một hành trình học hỏi không ngừng. Mặc dù ông đã dạy cho học trò nhiều điều bằng vốn hiểu biết của mình nhưng ông vẫn không ngừng "tầm sư học đạo" để học hỏi thêm những điều mình chưa biết.

Khổng Tử là người có rất nhiều sở thích. Ông không chỉ thích nghiên cứu sách vở và viết sách mà còn rất thích sang tác âm nhạc và chơi đàn. Đặc biệt ông rất thích chơi cây đàn thất huyền cầm - là loại đàn sắt có 7 dây tiếng nghe rất hay. Vì thế ông đã đặt cho mình một quyết tâm phải học chơi loại đàn này.

Bấy giờ ở Nước Lỗ có một nhạc sư rất giỏi đàn thất huyền cầm là Sư Tương Tử. Khổng Tử khi đó tuy đã rất nổi danh nhưng vẫn đích thân đến thỉnh giáo vị nhạc sư kỳ tài này.

Thấy tính tình Khổng Tử rất khiêm tốn lại ham học hỏi nên Sư Tương Tử đã dành nhiều tâm huyết để truyền dạy nghề đàn cho học trò. Sau một thời gian dạy Khổng Tử học đàn,  Sư Tương Tử đã dành riêng cho người học trò yêu một bản nhạc để ông tự luyện tập trong mười ngày. Sau thời gian đó, Sư Tương Tử bảo:

- Ngài đã biết chơi khúc nhạc này rồi để tôi dạy ngài bản khác.

Không ngờ Khổng Tử lại đáp:

- Chưa được. Tôi mới chỉ học thuộc giai điệu còn cách đưa tay vẫn kém lắm.

Thế rồi Khổng Tử lại tiếp tục cắm cúi luyện đàn với chỉ khúc nhạc thầy dạy. Ít hôm sau, thầy Tương Tử  lại đến bên Khổng Tử và bảo:

- Ngài luyện đàn thế là được rồi, cách đưa tay cũng rất thuần thục. Chúng ta học bản nhạc mới thôi.

Ấy vậy mà Khổng Tử vẫn lắc đầu:

- Chưa đâu, tôi vẫn chưa hiểu được nội dung bản nhạc, chưa thể coi là thuần thục được.

Nói rồi Khổng Tử lại mê mải tập đàn tiếp. Từ hôm đó, Khổng Tử ở nhà miệt mài luyện đàn không kể ngày đêm. Bản nhạc được ông chơi ngày càng điêu luyện. Nhưng thầy Tương Tử vẫn không thấy Khổng Tử đến yêu cầu chuyển sang bản nhạc khác. Thế là thầy liền đích thân đến thăm học trò. Nghe tiếng đàn của Khổng Tử đã tốt hơn trước một trời một vực, thầy Tương Tử liền khuyên:

- Ngài đã thuộc giai điệu, cách đưa tay cũng đã thuần thục, thậm chí cũng đã hiểu được nội dung bản nhạc, giờ có thể chuyển sang học bản nhạc mới được rồi.

Ấy vậy mà Khổng Tử vẫn khăng khăng nói:

- Chưa được, vì tôi vẫn chưa hiểu được tính cách của tác giả nên vẫn chưa thể coi là hiểu rõ nội dung của bản nhạc.

Thấy Khổng Tử quyết tâm học đến nơi đến chốn, hiểu biết đến ngọn nguồn mới thôi, từ hôm đó,  thầy Tương Tử thôi không giục học trò nữa. Ông để Khổng Tử tiếp tục đào sâu suy nghĩ hơn nữa về bản nhạc.

Với một quyết tâm sắt đá, Khổng Tử vẫn vừa tập đàn vừa suy ngẫm về cái hồn của bản nhạc mà tác giả gửi gắm vào. Bỗng một hôm, Sư Tương Tử đang ngồi trước cửa thả hồn theo tiếng đàn của mình thì thấy Khổng Tử bất ngờ xuất hiện với vẻ mặt vô cùng rạng rỡ. Ông sung sướng khoe với thầy:

- Bây giờ tôi đã biết tác giả bản nhạc là người như thế nào rồi! Ông ta cao to, đen đúa, ánh mắt sắc sảo, có khí phách của bậc vua chúa. Có lẽ đó là Chu Văn Vương.

Nghe vậy, Sư Tương Tử cũng phải thật sự kính nể. Ông cười nói:

- Xưa kia thầy của tôi cũng đã từng nói rằng bản nhạc này tên là " Văn Vương Thao" , mà tác giả chính là Chu Văn Vương.

Nói rồi thầy Tương Tử chân thành cúi xuống bái Khổng Tử một lạy như để tỏ lòng khâm phục trước tài học uyên thâm của học trò. Khổng Tử vội vã đáp lễ thầy. Đến lúc này, Khổng Tử mới nở nụ cười tươi tắn trên môi và nói:

- Giờ thì xin thầy dạy tôi bản nhạc mới.

Với cách học tập nghiêm túc và chịu khó đào sâu suy nghĩ đến tận cùng như vậy, sau này Khổng Tử đã trở nên một tay đàn cự phách khiến mọi người phải khâm phục.

Những người nhận ra giá trị của cuộc sống và trở thành hình mẫu trong mắt người khác là những người đã thực sự tuân thủ việc nỗ lực và kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Hầu hết các vận may trên thế giới sẽ được ngụy trang rất kĩ. Vì vậy, khi bạn học cách kiên trì và nỗ lực, bạn sẽ thấy rằng tất cả những đau khổ, những giọt nước mắt rơi, những đêm tối sẽ biến thành may mắn mà bạn mơ ước.

Dù cho con đường phía trước còn tăm tối đến mức bạn chỉ có thể tiến về phía trước theo quán tính, hãy tiến về phía trước và nhìn về phía trước đi. Một ngày nào đó, bạn sẽ tìm thấy con đường của mình nở hoa. Đó là phần thưởng cho sự kiên trì và nỗ lực của bạn.

Theo Xuân Thảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên