MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỗi khi muốn buông xuôi công việc, hãy nghĩ tới miếng đùi gà rán và nụ cười của Harland Sanders, rồi đọc bài viết này!

08-09-2016 - 08:10 AM | Sống

Bất cứ khi nào trong cuộc sống, bạn có ý định buông xuôi công việc, tình yêu, hãy ngồi lại và nghĩ về nụ cười của cha đẻ món gà rán KFC. Đằng sau nụ cười đấy là một câu chuyện dài về ý chí, lòng kiên định và tình yêu cuộc sống.

Cuộc đời thử thách Harland Sanders ngay từ nhỏ. Bố mất sớm, ông phải lao động cật lực để kiếm miếng ăn cho cả gia đình. Ông làm đủ mọi việc: nấu ăn, lái tàu, bán bảo hiểm, lính cứu hỏa…

Năm 40 tuổi, sau nhiều thăng trầm, ông quyết định quay trở lại với niềm đam mê thời thơ ấu: nấu ăn. Đó cũng là kỹ năng mà ông được mọi người đánh giá rất cao. Khi còn là nhân viên trạm xăng, ông nhận thấy nhu cầu của khách là muốn thưởng thức một món đồ ăn nhanh trong lúc chờ đợi. Vì vậy, ông mở một quầy thức ăn ngay bên cạnh trạm xăng khu phố Corbin, bang Kentucky, phục vụ các món ăn miền Nam đậm chất cổ điển.

Bước đột phá đến vào năm 1939, khi cuối cùng ông cũng tìm được công thức cho món gà chiên vốn được mọi người rất ưa dùng và cũng là món sở trường trong thực đơn của Sanders. Món ăn này là sự kết hợp loại bột ông quen dùng với 11 loại thảo mộc, gia vị để trộn những miếng gà trước khi chiên trong một loại nồi áp suất chuyên dụng do chính tay ông sáng chế.

Từ đó, việc kinh doanh trở nên thuận lợi chưa từng có. Ông mở thêm một quán ăn bên đường rồi nhanh chóng phát triển thành một nhà hàng với 142 ghế ngồi. Món ăn của ông trở thành thương hiệu của nổi tiếng của bang Kentucky.

Năm 1935, thống đốc bang phong tặng Harland Sanders danh hiệu Kentucly Colonel – Đại tá danh dự bang Kentucky. Danh hiệu này là vinh dự lớn nhất đối với một công dân của bang. Cũng bắt đầu từ đó, ông mặc bộ quần áo đầu bếp màu trắng nối tiếng, khiến ông trở thành một biểu tượng văn hóa ẩm thực, giống như hình tượng của Elvis Presley trong nền âm nhạc Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn tiếp tục thử thách ông. Năm 1956, sự xuống dốc của nền kinh tế Mỹ đẩy ông vào tình trạng phá sản. Tình thế buộc Sanders phải bán lại cơ nghiệp của mình với số tiền chỉ đủ đóng thuế và ông chỉ còn lại tiền trợ cấp 105 USD. Ấy vậy mà, người đàn ông vốn quen thử thách này không hề đầu hàng số phận. Ông nghĩ ngay tới dự án mình đang ấp ủ. Trước đó, năm 1952, Đại tá danh dự bang Kentucky từng thuyết phục người cộng sự cũng như một số nhà hàng địa phương bán món gà của ông. Đổi lại, ông lấy 4 cent cho mỗi đơn hàng. Và giờ đây, ông bắt đầu dự án cuộc đời: Hành trình nhượng quyền thương hiệu!

Chất đầy một chiếc xe đầy nồi áp lực, bột, gia vị, ông cùng vợ bắt đầu rong ruổi khắp nước Mỹ và Canada, gõ cửa từng nhà hàng, yêu cầu họ bán món gà của ông và đổi lấy khoản hoa hồng từ doanh thu. “Khoản hoa hồng” đầu tiên ông nhận được là 1.009 cái lắc đầu từ chối. Cuối cùng, lòng kiên trì được đền đáp. Trong vòng 10 năm, 600 nhà hàng khắp nước Mỹ và Canada đồng ý bán món gà của Sanders.

Hành trình của ông dừng lại khi ông gặp John Y. Brown, Jr., một luật sư trẻ và Jack C. Massey, một nhà đầu tư mạo hiểm. Hai người đàn ông đầy tham vọng này dành nhiều tuần thuyết phục Sanders về triển vọng xây dựng thương hiệu Kentucky Fried Chicken (KFC) nổi tiếng toàn cầu. Mặc dù không hề muốn rời bỏ “đứa con tinh thần” nhưng Sanders hiểu đây là cách tốt nhất để cả thế giới có thể thưởng thức món gà rán đặc biệt này.

Cuồi cùng, ông đồng ý bán bản quyền thương hiệu với giá 2 triệu USD. Theo hợp đồng, công ty Kentucky Fried Chicken sẽ thành lập nhà hàng của riêng mình trên toàn thế giới và không được thay đổi công thức chế biến. Sanders sẽ có mức lương suốt đời là 40.000 USD (sau này tăng lên 75.000 USD), một vé đi tàu miễn phí suốt đời, quyền sở hữu các thương hiệu KFC ở Canada và hình ảnh của ông sẽ được sử dụng làm đại sứ thương hiệu của công ty.

Dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng điều “cha đẻ” của KFC theo đuổi không phải tiền bạc mà là đam mê ẩm thực
Dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng điều “cha đẻ” của KFC theo đuổi không phải tiền bạc mà là đam mê ẩm thực

Rất nhiều bạn bè của Sanders cho rằng, ông đã thua thiệt nhiều trong hợp đồng nhưng trên thực tế Sanders đã từ chối quyền nắm giữ cổ phần trong công ty, cũng như không đòi hỏi một mức giá cao hơn. Điều ông theo đuổi không phải tiền bạc, mà là đam mê ẩm thực.

Sanders luôn phàn nàn mỗi khi nhận ra, sản phẩm làm ra không đảm bảo chất lượng, dù doanh thu của KFC không ngừng tăng lên mỗi ngày. Ông thường có những chuyến ghé thăm bất ngờ tới các cơ sở nhằm chắc chắn, món gà được chế biến theo đúng công thức và tuân thủ quy trình vệ sinh thực phẩm. Trong suốt cuộc đời, Sanders đã du lịch 250.000 dặm mỗi năm để ghé thăm những cửa hàng ăn KFC trên khắp thế giới. Có lẽ, ông sinh ra với đôi tay không phải để đếm tiền, mà chỉ để nấu ăn.

Những năm cuối đời, người đầu bếp tâm huyết này dành toàn bộ thời gian cho những cuộc phỏng vấn trên truyền hình và quảng cáo cho thương hiệu KFC. Brown, cộng sự thân thiết của ông, người sau này trở thành thống đốc bang năm 1979, đã mô tả về Sanders khi ông mất năm 1980 rằng: Sanders là một huyền thoại thực, là tinh thần của giấc mơ Mỹ.

Nguyễn Nguyễn

Tổng hợp

Trở lên trên