Môi trường đầu tư - thước đo nỗ lực của Chính phủ kiến tạo
Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam (VN) đang được triển khai và ngày càng thu được kết quả tích cực, nổi bật là việc cải thiện môi trường đầu tư.
- 26-09-2016Bước đi đúng tạo môi trường đầu tư thuận hơn ở Việt Nam
- 27-07-2016Cải thiện môi trường đầu tư vẫn là việc phải làm, dù có TPP hay không
- 08-07-2016Môi trường đầu tư của Việt Nam chạy sau Thái Lan... 20 năm
Theo đó, VN liên tục có sự cải thiện xếp hạng các chỉ số về BCI - Chỉ số niềm tin kinh doanh (Eurocham); Chỉ số niềm tin người tiêu dùng VN (của ANZ Việt Nam); Chỉ số tín nhiệm quốc gia và xếp hạng cạnh tranh quốc gia; Chỉ số đổi mới sáng tạo của VN và Hệ số tín nhiệm của nhiều ngân hàng thương mại.
Liên tục tăng hạng
Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh (Doing Business report 2016) do NH Thế giới (WB) công bố đã có sự cải thiện khá liên tục: Năm 2012, VN đứng thứ 99/183 nước. Đến năm 2014, tăng lên thứ 93/189 nước; năm 2015 tăng lên thứ 91/190 và Doing Business 2017 report vừa công bố cho thấy, VN xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá. Việc xếp hạng môi trường kinh doanh được dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập DN; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán. Năm nay, VN cải thiện được ở một số tiêu chí như: Tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên thứ 96 trên bảng xếp hạng. Tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng 31 bậc lên thứ 87. Tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc lên thứ 167. Tiêu chí giao thương quốc tế cũng tăng tới 15 bậc lên thứ 93.
Chỉ số sáng tạo của VN năm 2015 tăng 19 bậc so với 2011
VN cũng có thứ hạng cao trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới: xếp vị trí số 1 toàn cầu trong ngành dịch vụ phần mềm thuê ngoài; Đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong ASEAN. Năm 2016, chỉ số Chính phủ điện tử của VN được Liên Hợp Quốc xếp thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2015.
VN trong bảng xếp hạng cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới được xếp thứ 56/140 nước giai đoạn 2015-2016, tăng 12 bậc, so với vị trí 68 trong giai đoạn 2014-2015. Và đứng thứ 60/138 nước giai đoạn 2016-2017. Tuy tụt nhẹ trong tổng sắp, song WEF đánh giá xu hướng chung là VN vẫn đang ngày càng cải thiện năng lực cạnh tranh, nhất là về kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản - y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế, Trình độ công nghệ hay Giáo dục và đào tạo bậc cao (sự tụt hạng cũng xẩy ra với Malaysia tụt 7 bậc, Philippines tụt 10 bậc…).
Đến nay, VN đã ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế; đồng thời đang có quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 nước và vùng lãnh thổ.
VN đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như NH phát triển Á Châu, Quỹ tiền tệ thế giới, NH thế giới.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
VN hiện đã ký 11 FTA gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA); Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc và Niu Dilân; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ; Hiệp định đối tác kinh tế VN - Nhật Bản và Hiệp định Thương mại tự do VN - Chi Lê ); FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á - Âu; Kết thúc đàm phán FTA với EU; đang đàm phán 6 FTA khác, như EFTA (bao gồm 4 nước là Thuỵ Sỹ, Na Uy, Liechtenstein và Ai-xơ-len); FTA với Đài Loan; FTA với Thổ Nhĩ Kỳ và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP); FTA với Ixraen (khởi động từ đầu tháng 12.2015); Hình thành AEC từ cuối năm 2015. VN đang mở rộng quan hệ thị trường thương mại tự do với 55 quốc gia và nền kinh tế, trong đó có 15 quốc gia trong Nhóm G-20. Đã có 60 nước TPP công nhận VN là một nền kinh tế thị trường.
Các FTA, nhất là TPP sẽ tác động toàn diện và sâu sắc hơn với VN. Trọng tâm nổi bật của cải thiện môi trường đầu tư là việc giảm thuế suất, cụ thể: Thuế thu nhập DN VN đã được điều chỉnh giảm dần qua các năm gần đây, với mức từ 32% năm 1999 xuống còn 28% năm 2004; còn 25% 2009; còn 22% năm 2014; còn 20% năm 2016 và dự kiến chỉ còn 17% vào năm 2017.
Thời gian nộp thuế cũng giảm nhanh, với năm 2008 là 1.050 giờ (650 giờ nộp thuế và 400 giờ đóng bảo hiểm bắt buộc), Năm 2010 là 941 giờ; Năm 2012 là 872 giờ, trong đó 335 giờ kê khai nộp bảo hiểm xã hội, cao nhất trong khu vực; 320 giờ cho thuế GTGT và 217 giờ cho thuế TNDN, tức cao hơn gấp 4 lần mức trung bình 208 giờ của khu vực. Năm 2014 là 537 giờ. Năm 2015 còn 117 giờ.
Bên cạnh đó, lãi suất và điều kiện tín dụng cho DN cũng được cải thiện theo hướng thấp hơn và thông thoáng hơn. Năm 2015, VN đã giảm 17 tổ chức tín dụng; giảm một nửa tổng nợ xấu và giảm hơn 50% tồn kho bất động sản so với 2011.
Thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công cũng được quan tâm cải thiện theo hướng rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN và thông quan; gia tăng tính chất tự do hóa kinh doanh và sự bình đẳng kinh doanh thị trường, nhất là được khẳng định ở việc cắt giảm từ 49 lĩnh vực, còn 6 lĩnh vực hạn chế kinh doanh và thống nhất 1 Luật Đầu tư và Luật DN cho các DN, không phân biệt thành phần kinh tế; Thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài. VN cũng đạt nhiều tiến bộ trong tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kỹ thuật; Đề cao và duy trì lòng tin chiến lược và niềm tin chính trị giữa các quốc gia và tăng vai trò đầu tư nước ngoài. Hiện khu vực FDI đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu và tạo ra 1/4 việc làm cho khu vực DN chính thức của VN.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư theo cam kết hội nhập được thúc đẩy bởi sự thay đổi tư duy từ hội nhập kinh tế sang hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động đổi mới mô hình tăng trường từ chủ yếu phát triển bề rộng sang chủ yếu phát triển theo bề sâu, dựa trên năng suất, công nghệ và bảo vệ môi trường. Khu vực KTNN và DNNN giảm dần về quy mô, tỉ trọng và thu hẹp độc quyền. Khu vực tư nhân ngày càng được coi trọng và hồi phục, dù còn cần thời gian và hỗ trợ. Khu vực NH đang thu hẹp số lượng và co cụm, khỏe mạnh hơn, dù còn nhiều vấn đề về nợ xấu và sở hữu chéo…
Sự cải thiện không ngừng môi trường đầu tư là thành quả và thước đo nỗ lực của chính phủ kiến tạo, liêm chính, thân thiện và đồng hành cùng DN; đồng thời, cũng là tạo hợp lực và là nền tảng bảo đảm cho VN tiếp tục phát triển và hội nhập hiệu quả và bền vững hơn…
Lao động