MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một huyện thu hút FDI cao hơn 40 tỉnh, thành phố, tăng trưởng cao liên tục trong 10 năm, trung bình 18%/năm

Đây chính là huyện duy nhất được quy hoạch vào vùng lõi của tỉnh Bình Dương.

Một huyện thu hút FDI cao hơn 40 tỉnh, thành phố, tăng trưởng cao liên tục trong 10 năm, trung bình 18%/năm- Ảnh 1.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 34 - khóa XI (mở rộng), lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã xem xét, cho ý kiến về đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng lõi trung tâm của Bình Dương được xác định là các thành phố gồm Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát và huyện Bàu Bàng. 

Vùng lõi sẽ có chức năng là vùng lõi của đô thị thông minh, dựa trên phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ thế hệ mới. Vùng lõi trung tâm này sẽ là cực tăng trưởng, vùng động lực phát triển của tỉnh, với hạt nhân là hình thành khu công nghiệp, công nghệ thông tin tập trung, để từng bước hình thành công viên khoa học - công nghệ của tỉnh và định hình phát triển cho các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ chất lượng cao; thu hút các ngành nghề sản xuất điện, điện tử, chíp, công nghệ bán dẫn.

Huyện Bàu Bàng chính là huyện duy nhất được quy hoạch vào vùng lõi của tỉnh Bình Dương.

“Thủ phủ” công nghiệp

Sau 10 năm, tách ra từ huyện Bến Cát (cũ), huyện Bàu Bàng đã từng bước “thay da đổi thịt”, khoác lên mình chiếc áo mới. Từ một vùng đất thuần nông, huyện Bàu Bàng đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một địa phương có nền kinh tế công nghiệp phát triển. Dấu ấn nổi bật nhất chính là xây dựng và phát huy vai trò của các khu công nghiệp (KCN) tập trung.

Xuất phát điểm từ việc chỉ có KCN đô thị Bàu Bàng hiện hữu 1.000 ha, hiện nay huyện Bàu Bàng đã và đang triển khai phát triển thêm KCN Bàu Bàng mở rộng 1.000 ha (phần thuộc huyện 892,2 ha), KCN Tân Bình 352,5 ha (phần thuộc huyện 95,18 ha), KCN Cây Trường (700 ha), KCN Lai Hưng (600 ha). Tổng diện tích đất công nghiệp phát triển thêm là 1.687,38 ha.

Mặt khác, hệ thống giao thông của huyện được đầu tư, nâng cấp, mở rộng từng bước hoàn thiện theo hướng Đông Tây, Bắc Nam mang tính kết nối giữa các vùng, khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ, thông suốt tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư phát triển.

Một huyện thu hút FDI cao hơn 40 tỉnh, thành phố, tăng trưởng cao liên tục trong 10 năm, trung bình 18%/năm- Ảnh 2.

Một phần trung tâm huyện Bàu Bàng, Bình Dương

Trong khoảng từ năm 2014 - 2023, huyện Bàu Bàng đã thu hút 199 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới với tổng số vốn đầu tư 3,99 tỷ USD và 1.044 dự án đầu tư trong nước đăng ký mới với tổng vốn đăng ký 18.073 tỷ đồng. Kết quả này đã nâng tổng số dự án trên địa bàn huyện đến nay lên 1.463 dự án, trong đó có 1.214 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 32.535 tỷ đồng và 249 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4,54 tỷ USD. 

Với số vốn luỹ kế này, FDI thu hút được trên địa bàn huyện Bàu Bàng cao hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước, ví dụ như Khánh Hòa; Thừa Thiên Huế; Bình Phước; Nam Định; Cần Thơ; Quảng Ngãi...

Theo đó, trong 10 năm qua, kinh tế huyện Bàu Bàng luôn có mức tăng trưởng cao, bình quân hằng năm 18,84%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 4,72 lần, từ 7.479 tỷ đồng năm 2014 lên 35.361 tỷ đồng năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng bình quân hằng năm 23,88%, từ 1.437 tỷ đồng năm 2014 lên 9.878 tỷ đồng năm 2023, tăng 6,87 lần.

Còn nhiều dư địa phát triển

Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang thực hiện đề án di dời công nghiệp (cơ sở sản xuất công nghiệp) từ phía Nam lên lên phía Bắc. Vì vậy không gian công nghiệp và đô thị sẽ dần dần được mở rộng ở các huyện phía Bắc tỉnh Bình Dương.

Đáng chú ý, về vị trí địa lý, Huyện Bàu Bàng nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Dương cách trung tâm tỉnh lỵ 30km, Thành phố Hồ Chí Minh 60 km, cách cảng Sông Đồng Nai 40-50km, sân bay Long Thành (Chính phủ đang nghiên cứu đầu tư) 80 km, cảng Cái Mép - Thị Vải khoảng 100km. Do đó, có thể thấy, huyện Bàu Bàng còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp trong tương lai khi tỉnh Bình Dương thúc đẩy triển khai đề án.

Về tầm nhìn của Đề án, Bình Dương nói chung và huyện Bàu Bàng nói riêng sẽ xây dựng vùng lõi đô thị dựa trên sự phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ thế hệ mới. Vùng lõi sẽ là vùng động lực phát triển của tỉnh, với hạt nhân là hình thành khu công nghiệp, công nghệ thông tin tập trung.

Song song, từng bước phát triển các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ chất lượng cao. Vùng lõi sẽ thu hút các ngành nghề sản xuất điện, điện tử, chíp, công nghệ bán dẫn.

Một huyện thu hút FDI cao hơn 40 tỉnh, thành phố, tăng trưởng cao liên tục trong 10 năm, trung bình 18%/năm- Ảnh 3.

Khu công nghiệp Becamex Bàu Bàng

Trước đó, ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC từng chia sẻ, với các khu công nghiệp do tổng công ty đầu tư nói chung và các khu công nghiệp tại Bàu Bàng nói riêng đang được phát triển theo mô hình khu công nghiệp thế hệ mới, ngoài việc cung cấp đầy đủ các hạ tầng dịch vụ, kỹ thuật và xã hội, các khu công nghiệp được mở rộng về hiệu quả và tính bền vững thông qua cải tiến mô hình quản trị, vận hành khu công nghiệp để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Các khu công nghiệp này cũng trở nên thông minh hơn, như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhằm gia tăng năng suất lao động.

Với định hướng phát triển bền vững bằng việc liên tục thay đổi để đón đầu xu thế mới, hệ sinh thái mới thúc đẩy đầu tư công nghệ cao được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp hiện tại thành các khu công nghiệp thông minh và xanh hơn, hướng đến phát triển mô hình khu công nghiệp khoa học công nghệ.

Tầm nhìn tới 2030

Theo Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng, hiệu quả từ các khu công nghiệp đã kéo theo sự phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, giúp người dân có điều kiện hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, sau 10 năm thành lập, Bàu Bàng hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Đây là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục phát huy, vững bước trên chặng đường mới với quyết tâm mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, xây dựng Bàu Bàng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Một huyện thu hút FDI cao hơn 40 tỉnh, thành phố, tăng trưởng cao liên tục trong 10 năm, trung bình 18%/năm- Ảnh 4.

"Tới 2023, Bàu Bàng sẽ tiếp tục phấn đấu để trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư"

Mặt khác, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Để sớm hoàn thành mục tiêu nâng cấp đô thị trước năm 2030, trở thành vùng đất văn minh và thịnh vượng, huyện Bàu Bàng cần tiếp tục phấn đấu, huy động tối đa mọi nguồn lực để thật sự trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư.”

Bên cạnh đó, huyện cần tập trung đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế số; xây dựng chính quyền số, công dân số và xã hội số; chủ động nắm bắt các cơ hội phát triển, xây dựng huyện Bàu Bàng ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại; người dân có cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc.

N.Uyên

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên