Một loạt CEO rời khỏi hội đồng cố vấn kinh tế của ông Trump sau vụ bạo loạn chấn động nước Mỹ
Thông báo của CEO Intel được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Kenneth Frazier - CEO của tập đoàn dược Merck – quyết định ra đi. Trước đó CEO của Under Armour cũng có quyết định tương tự.
- 15-08-2017Bị ông Trump dọa điều tra, TQ ra lệnh cấm nhập toàn diện hàng loạt sản phẩm của Triều Tiên
- 10-08-2017Tổng thống Trump vẫn đi chơi golf dù Mỹ - Triều Tiên dọa dội bom nhau
- 01-08-2017Thế giới nếu: Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ lần 2
Mới đây, CEO của tập đoàn công nghệ Intel Brian Krzanich vừa theo bước Kevin Plank của hãng chuyên về đồ thể thao Under Armour trở thành người mới nhất quyết định rời khỏi hội đồng cố vấn kinh tế American Manufacturing Council của Tổng thống Trump.
“Tôi ra đi để kêu gọi sự chú ý nhiều hơn đến những tác hại nghiêm trọng mà bối cảnh chính trị nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc gây ra, trong đó cần nhất là giải pháp cho sự suy giảm trong ngành sản xuất”, CEO Intel nói.
Thông báo của ông Krzanich được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Kenneth Frazier - CEO của tập đoàn dược Merck – quyết định ra đi. Trên Twitter của Merck đăng tải hình ảnh thông báo lý do, theo đó Frazier cho rằng “là CEO của Merck và cả với tư cách cá nhân, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm chống lại chủ nghĩa cực đoan”.
Đáp lại, ông Trump viết trên Twitter: “Merck Pharma là tập đoàn đi đầu trong việc đẩy giá thuốc lên cao, đồng thời đem việc làm ra khỏi nước Mỹ”.
Trong khi đó quyết định của Plank được cho là một sự thay đổi thái độ 180 độ đối với Tổng thống Trump vì cách đây mấy tháng vị CEO của Under Armour vẫn nói rằng ông Trump chính là một “tài sản quý báu” của nước Mỹ. Ông giải thích cho quyết định này rằng “Under Armour tham gia vào lĩnh vực thể thao và sáng tạo chứ không phải chính trị”.
Nguồn cơn gây nên những mâu thuẫn này là vụ bạo động xảy ra ở Charlottesville, Virginia cuối tuần vừa qua. 1 phụ nữ đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương sau khi 1 người đàn ông dùng xe tải đâm vào nhóm những người ủng hộ thuyết người da trắng ưu việt đang biểu tình phản đối việc di dời bức tượng tướng Robert E. Lee (vị tướng nổi tiếng chỉ huy quân liên minh thời nội chiến đầu những năm 1860).
Ông Trump đã bị nhiều nhà làm luật Mỹ phê phán vì không chỉ đích danh nhóm những người ủng hộ thuyết da trắng ưu việt mà lại nói rằng “nhiều bên” đã gây ra vụ bạo loạn này. Tuy nhiên trong thông báo phát đi hôm qua, ông đã chỉ đích danh nhóm này và tuyên bố phân biệt chủng tộc là 1 tội ác.
Không ít lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi phải cân bằng giữa việc hợp tác với chính quyền Trump để tác động đến chính sách xung quanh các vấn đề như thuế hay nhập cư và việc tránh làm mất lòng khách hàng trong bối cảnh môi trường chính trị ngày càng căng thẳng.
Under Armour từng bị khách hàng tẩy chay sau khi ông Plank dành lời khen cho Tổng thống. Sau khi bị phố Wall hạ triển vọng giá cổ phiếu, Plank lên báo nói rằng ông vẫn phản đối sắc lệnh nhập cư mà Tổng thống ban hành hồi tháng 1.
Ủy ban American Manufacturing Council của ông Trump có sự góp mặt của các lãnh đạo Boeing, Dow Chemical và Johson & Johnson. Sau khi nhậm chức, ông Trump thành lập 2 nhóm cố vấn kinh tế gồm nhiều CEO của các doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ. Tuy nhiên kể từ đó đến nay đã có nhiều người ra đi như Elon Musk của Tesla, Bob Iger của Walt Disney hay cựu CEO Travis Kalanick của Uber.