MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một loạt ngân hàng hàng đầu thế giới trục lợi từ hoạt động rửa tiền, bị cáo buộc thực hiện các giao dịch đáng ngờ trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD

21-09-2020 - 12:10 PM | Tài chính quốc tế

Một cuộc điều tra mới của Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho thấy JPMorgan Chase & Co., Deutsche Bank và một số ngân hàng toàn cầu khác "tiếp tục trục lợi từ những khách hàng nguy hiểm và quyền lực" trong 2 thập kỷ qua, ngay cả sau khi Mỹ đã áp dụng các hình phạt đối với những định chế tài chính này.

Dựa theo tài liệu được BuzzFeed News tổng hợp, báo cáo này cho biết một số trường hợp, các ngân hàng tiếp tục chuyển tiền bất hợp pháp sau khi nhận được những cảnh báo từ phía giới chức Mỹ.

Một làn sóng "án phạt" nặng đối với các ngân hàng lớn trong thập kỷ qua đã được thực hiện, trong bối cảnh chính phủ Mỹ nỗ lực ngăn chặn sự bùng nổ của số lượng giao dịch mờ ám. Tuy nhiên, không chắc chắn rằng động thái xem xét kỹ lưỡng có thể tạo ra sự khác biệt. Các ngân hàng lớn trên thế giới vẫn chuyển tiền cho những cá nhân, tổ chức mà họ thậm chí không xác định được danh tính. Ngoài ra, nhiều trường hợp vài năm sau mới được "gán mác" đáng ngờ.

Các tài liệu này chỉ ra hơn 2 nghìn tỷ USD trong các giao dịch được thực hiện từ năm 1999 đến năm 2017 đã bị các nhân viên nội bộ của những định chế tài chính này "gắn mác" là có khả năng rửa tiền hoặc liên quan đến hoạt động tội phạm. Trong khi đó, phân tích cho thấy, 2 ngân hàng hàng đầu là Deutsche Bank đã ghi nhận tới 1,3 nghìn tỷ USD giao dịch đáng ngờ và JPMorgan là 514 tỷ USD.

Cuộc điều tra dựa trên hơn 2.100 "báo cáo hoạt động đáng ngờ" được các ngân hàng đệ trình lên Mạng lưới thực thi luật pháp về tội phạm tài chính – Financial Crimes Enforcement Network (FinCEN) trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ. Bản báo cáo này là kết quả của cuộc điều tra tại hơn 100 tổ chức thông tin tại 88 quốc gia, theo Buzzfeed.

Trong đó, có một trường hợp nổi bật trong bản báo cáo, đó là JPMorgan đã chuyển hơn 1 tỷ USD cho một người có liên quan đến vụ bê bối 1MDB. Ngoài ra, ngân hàng này cũng xử lý các khoản thanh toán cho Paul Manafort – cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, sau khi ông từ chức do đối mặt với các cáo buộc rửa tiền và tham nhũng khi làm việc tại 1 đáng chính trị thân Nga tại Ukraine.

Trình bày với ICIJ, JPMorgan cho biết việc tiết lộ về giao dịch của khách hàng là bất hợp pháp và họ đã thực hiện "vai trò dẫn đầu" trong việc thực hiện "các cuộc điều tra tình báo." Ngân hàng này cho hay: "Chúng tôi báo cáo hoạt động đáng ngờ cho chính phủ, để các cơ quan thực thi pháp luật có thể xử lý tội phạm tài chính. Chúng tôi đóng vai trò dẫn đầu trong cuộc cải cách chống rửa tiền – yếu tố sẽ hiện đại hóa cách thức của chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật trong việc chống rửa tiền, tài trợ cho các hành động khủng bố và các loại tội phạm tài chính khác."

Trong khi đó, Standard Chartered đã chuyển tiền cho Arab Bank trong hơn 10 năm, những tài khoản thụ hưởng này được dùng để tài trợ cho những kế hoạch khủng bố. Ngoài ra, nhiều khách hàng lừa đảo cũng sử dụng dịch vụ của HSBC để chuyển hàng triệu USD ra khắp thế giới. 

Những khoản phạt lớn đối với HSBC và Standard Chartered vào năm 2012 phần nào đã trở thành động lực giúp thúc đẩy số lượng các bản báo cáo về giao dịch mờ ám, từ khoảng 60.000 trong năm đó lên hơn 2 triệu mỗi năm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các cơ quan thực thi pháp luật chỉ xem xét khoảng 4% số đó. Và chỉ 1% số tiền bất hợp pháp trong các giao dịch tài chính bị tịch thu.

Standard Chartered, Bank of New York Mellon Corp. và Barclays là những nhà cho vay đã cảnh báo hơn 20 tỷ USD giao dịch mờ ám trong các hồ sơ ICIJ nhận được. Phát ngôn viên của Bank of New York cho biết công ty này đã "nhận trách nhiệm trong việc bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống toàn cầu, bao gồm cả việc nộp các bản Báo cáo về Hoạt động Đáng ngờ".

Theo ICIJ, nhân viên tuân thủ (compliance staff) tại các ngân hàng lớn – thường xử lý khối lượng công việc lớn và thiếu nguồn lực, dựa vào những tìm kiếm cơ bản trên Google để tìm ra danh tính của những người đứng sau giao dịch đáng ngờ. Các ngân hàng thường gửi báo cáo về hoạt động đáng ngờ chỉ sau một giao dịch hay khách hàng trở thành chủ đề của một bài báo, hoặc nằm trong cuộc thăm dò của chính phủ. Trong khi đó, những khoản tiền này đã bị "tẩu tán" từ lâu.

Viện Chính sách Ngân hàng (BPI) – một tổ chức dịch vụ vận động hành lang ngành tài chính, cho biết các ngân hàng không thể tiết lộ chi tiết vì lý do pháp lý. Dựa theo những trường hợp trước đây, các trường hợp có thể tận dụng yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật để giữ một tài khoản được coi là đáng ngờ ở trạng thái mở, để giới chức có thể theo dõi số tiền được chuyển đi đâu trước khi tiến hành bắt giữ hoặc kết án. 

Trả lời trong một thông báo, Deutsche Bank cho biết rằng "ICIJ đã báo cáo về một số vấn đề quan trọng" và những vấn đề liên quan đến ngân hàng này đều đã được các cơ quan quản lý biết đến. Deutsche Bank cho hay: "Những vấn đề này đã được điều tra và cơ quan quản lý đã giải quyết, trong đó sự hợp tác và khắc phục của ngân hàng đã được chấp nhận." 

Lục Lam

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên