MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa cổ đông, lại... trông cổ tức

03-04-2017 - 09:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong bối cảnh khó khăn chung, chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu phải phụ thuộc vào kết quả kinh doanh cũng như chiến lược của mỗi NH.

Đến hẹn lại lên, mùa Đại hội đồng cổ đông của các NHTM sắp tới với nhiều nội dung dự báo sẽ là tâm điểm chú ý như: nợ xấu, nhân sự cấp cao... và đương nhiên không thể bỏ qua vấn đề cổ tức. Đây luôn luôn là vấn đề nóng bỏng và nhận được nhiều sự quan tâm nhất của dư luận. Vài năm gần đây, khi nợ xấu tăng cao, trích lập dự phòng rủi ro ăn sang lợi nhuận khiến cổ tức ở mức rất thấp. Thậm chí một số NH không trả cổ tức cho cổ đông. Năm nay, sau khá nhiều kiến nghị của cổ đông, và bản thân NHTM triển khai các giải pháp, lợi nhuận NH năm 2016 cũng ghi nhận nhiều mảng sáng…


Chi trả cổ tức phải phụ thuộc kết quả kinh doanh của NH

Chi trả cổ tức phải phụ thuộc kết quả kinh doanh của NH

Trên lý thuyết, cổ tức được trả cho cổ đông khi DN (ở đây là NH) có tỷ lệ sinh lời nhất định. Năm 2016, dù lợi nhuận hệ thống NH năm 2016 tương đối khởi sắc nhưng đây không phải là mẫu số chung cho các nhà băng. “Có những NH không những không có lãi, mà còn chịu lỗ, thì tất yếu việc trả cổ tức là nằm ngoài tầm tay”, một chuyên gia tài chính chia sẻ.

Theo thống kê của NHNN, đến hết quý III/2016, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản của cả hệ thống ở mức 0,45%; tỷ lệ lợi nhuận trên vốn tự có là 5,66%. So với chuẩn mực thông thường trên thế giới tương ứng là 1% và 10% thì hai chỉ số này ở các NHTM Việt Nam là khá thấp.

Trao đổi nhanh với một CEO NH, vị này cho rằng: “Vẫn biết cổ đông ngóng cổ tức là điều bình thường. Nhưng một mặt nào đó, các cổ đông cũng nên có sự cảm thông với những khó khăn mà mỗi NH đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề tăng vốn”. Đơn cử như tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, VietinBank thông qua phương án sáp nhập PGBank nên Ban lãnh đạo NH cũng bày tỏ mong muốn cổ đông chia sẻ khi NH không chia cổ tức để đảm bảo tăng vốn và sáp nhập.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động của ngành NH thực hiện Nghị quyết 100/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ tăng năng lực tài chính cho các TCTD, đảm bảo đủ vốn theo tiêu chuẩn Basel II. Tăng vốn là chuyện sống còn của NH, tuy nhiên quá trình triển khai của các NHTM gặp không ít khó khăn.

Trong khi ngân sách nhà nước không có điều kiện bổ sung tăng vốn, nhưng hàng năm các NHTM Nhà nước vẫn phải chi trả cổ tức bằng tiền mặt để nộp về ngân sách nhà nước nên việc tăng năng lực tài chính từ nội lực NH là không thực hiện được. Việc phát hành thêm vốn cho nhà đầu tư nước ngoài cũng còn có những vướng mắc về cơ chế, nhất là cơ chế về giá dẫn tới khó tìm được nhà đầu tư phù hợp, đồng hành lâu dài cùng NH.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank kiến nghị: Quốc hội, Chính phủ, NHNN tạo điều kiện cho các NHTM, đặc biệt là các NHTMNN được tăng vốn bằng việc giữ lại lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư phát hành thêm vốn, thay vì nộp cổ tức bằng tiền mặt vào ngân sách nhà nước.

Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng cũng từng bộc bạch, NH đã áp dụng tất cả những biện pháp, giải pháp có thể để nâng cao năng lực tài chính như bán phần vốn nhà nước, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện phát hành trái phiếu thứ cấp trên thị trường để bổ sung vốn… nhưng tất cả đều đã kịch giới hạn.

Và chỉ còn cách duy nhất là trình Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN chấp thuận phương án tăng vốn tự có thông qua việc cho phép NH này được chia cổ tức bằng cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng phục vụ nền kinh tế theo chỉ đạo Chính phủ và đảm bảo các tiêu chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 06 cũng như Basel II. NH này dự kiến chia cổ tức năm 2016 bằng với mức năm 2015 là 7%, nhưng chia bằng tiền mặt hay cổ phiếu vẫn là dấu hỏi. 7% cũng là mức mà BIDV dự định chi trả cho cổ đông.

Nhiều NH khác cũng đã đưa ra con số dự kiến chia cổ tức cho cổ đông như: LienVietPostBank dự kiến là 6%, Nam A Bank ở mức 5%, ACB giữ nguyên mức 10% như năm 2015… Nhưng hiện chưa NH nào khẳng định phương thức chia sẽ như thế nào, tỷ lệ chi trả bằng tiền mặt là bao nhiêu.

Vấn đề này, các chuyên gia cho rằng: “Trong bối cảnh khó khăn chung, chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu phải phụ thuộc vào kết quả kinh doanh cũng như chiến lược của mỗi NH. Riêng chuyện cổ đông được chia cổ tức đã là điều phấn khởi rồi, nhận bằng tiền mặt hay cổ phiếu hãy bàn sau”. Cũng không ít các NH vẫn có thể duy trì việc chi trả bằng tiền mặt cổ đông.

Ví dụ như MB năm 2015 chia cổ tức 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu cho cổ đông. Dự kiến con số này năm nay lần lượt là 6% và 4%. Hai năm qua, VIB cũng là đơn vị trả cổ tức ở mức 24 - 25% bằng tiền và cổ phiếu. Thêm nữa, nếu hoạt động kinh doanh của NH khởi sắc trong những năm tiếp theo, giá trị cổ phiếu tăng lên thì người hưởng lợi không ai khác là chính các cổ đông.

Theo Khuê Nguyễn

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên