Mục tiêu giảm lãi suất: Dễ hay khó?
Giảm lãi suất dường như sẽ là mục tiêu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian tới nhằm thực hiện quyết tâm của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, NHNN được chỉ đạo xây dựng lộ trình báo cáo Thủ tướng, quyết tâm từ nay đến cuối năm đưa ra các kịch bản giảm lãi suất.
Ngoài ra, trong định hướng nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2017, Thủ tướng cũng yêu cầu điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí đầu vào và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Trước đó, NHNN cũng thể hiện quyết tâm giảm lãi suất khi ban hành Chỉ thị 04 về điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng 6 tháng cuối năm. Một trong những yêu cầu được Thống đốc đưa ra là ổn định lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Nhưng đây có thể là nhiệm vụ không dễ dàng của NHNN!
Lần gần đây nhất thông điệp giảm lãi suất được NHNN đưa ra vào tháng 10/2014, khi đó lãi suất huy động VND được hạ từ 6% xuống 5,5% (kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng) và lãi suất cho vay ngắn hạn một số lĩnh vực được đưa về 7%.
Sau đó lãi suất huy động và cho vay bình quân của các ngân hàng gần như không thay đổi trong hơn một năm qua.
Thống kê từ báo cáo hàng tuần của NHNN cho biết, lãi suất cho vay trung và dài hạn của các NHTMCP cho vay sản xuất kinh doanh dao động từ 10 – 11%. Các NHTM Nhà nước có lãi suất thấp hơn từ 0,5 – 0,7% trên cùng kỳ hạn và đối tượng cho vay.
Điều tương tự, lãi suất huy động trên 12 tháng cũng ổn định ở mức 6,4% đến 7,2% từ quý I/2015 đến nay.
Hơn 1 tháng trước, trong hội nghị giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp tại TP.HCM, các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank, Techcombank đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay với các hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, kỳ vọng làn sóng giảm lãi suất ở nhiều ngân hàng đã không diễn ra. Báo cáo tuần sau đó của NHNN chỉ dẫn chứng SHB và TPBank giảm 0,5% lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên.
Mức cho vay phổ biến của các ngân hàng cổ phần với sản suất kinh doanh thông thường vẫn là 7,8 – 9% (ngắn hạn) và 10 – 11% (dài hạn). Lãi suất này không thay đổi so với nhiều lần báo cáo trước đó.
Mức giảm nhẹ chỉ diễn ra ở nhóm NHTM Nhà nước với lãi suất cho vay SXKD thông thường ngắn hạn cao nhất từ 8,8% xuống 8,5% và dài hạn từ 10,5% xuống 10,3%.
Báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây của một CTCK nhận định, mặt bằng lãi suất hiện tại khá hợp lý, cân bằng với các mục tiêu đề ra và theo đó, nhiều khả năng sẽ không có nhiều thay đổi trong thời gian tới.
Công ty này nhận định khả năng lãi suất giảm thêm so với mặt bằng hiện tại ít xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh (1) rủi ro tỷ giá dù đã tạm lắng nhưng có khả năng sẽ trở lại trong nửa cuối năm; (2) lạm phát và kỳ vọng lạm phát năm 2016 dù vẫn ở mức thấp nhưng cũng cao hơn đáng kể so với 2015 và (3) áp lực từ bài toán cân đối thu chi Ngân sách và phát hành trái phiếu Chính phủ.