Muốn hạnh phúc nhất dù chẳng phải người giàu có nhất: Hãy học cách sống như người Bắc Âu
Khi các cường quốc thi nhau thống trị bảng xếp hạng GDP, chỉ số phát triển xuất nhập khẩu thì các nước Bắc Âu thay phiên nhau dẫn đầu trong bảng xếp hạng: Những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
- 13-05-2019Mọi bất hạnh hiện tại đều bắt nguồn từ câu cửa miệng quen thuộc này: Sao phải chờ đợi hạnh phúc trong tương lai khi ta có thể tự tạo cho mình từ hôm nay?
- 10-05-2019Chúng ta đều mưu cầu hạnh phúc, nhưng chỉ những người biết "chọn lọc nỗi đau" mới có thể ung dung đi về vạch đích
Năm nay, khi ngày quốc tế hạnh phúc thế giới trôi qua, người ta lại hồi hộp chờ xem quốc gia năm nay sẽ thống trị bảng vàng hạnh phúc. Tôi cũng lẩm bẩm đoán xem quốc gia nào là nơi người dân cảm thấy hạnh phúc nhất, yêu đời nhất. Dù hạnh phúc là điều khó có thể đong đếm nhưng nhìn vào bảng xếp hạng này, người ta cũng đoán được một phần cuộc sống tại mỗi quốc gia với những chỉ số nhất định.
Không có gì lạ khi năm nay, Phần Lan đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng. Vị trí này từng thuộc về Đan Mạch trong một vài năm và trong top 10 luôn có sự hiện diện của các nước như Na Uy, Iceland, Thụy Điển. Các quốc gia trên có đặc điểm gì chung?
Họ đều là những quốc gia đến từ Bắc Âu.
Nếu người ta nhớ nhiều tới Mỹ hay Trung Quốc là các cường quốc trên thế giới, Đức như một đầu tàu kinh tế châu Âu, Nhật Bản là quốc gia về sự lịch sự và một xã hội rập khuôn, vậy Bắc Âu để lại cho thế giới điều gì?
Di sản của Bắc Âu để lại cho thế giới là những triết lý về cuộc sống; từ những cánh rừng Taiga hay lãnh nguyên băng giá, những câu chuyện hạnh phúc của người dân Bắc Âu đã sưởi ấm khắp địa cầu. Có gì trong triết lý sống của các nước Bắc Âu khiến cuộc sống của nhiều người dân luôn đầy ắp niềm vui giữa mùa đông dài, đêm dài hơn ngày và thời tiết giá lạnh như vậy?
Ở khắp nơi trên thế giới, người ta luôn muốn có thêm một thứ gì đó: Kiếm thêm nhiều tiền, xây thêm một căn nhà, mua thêm một chiếc xe ô tô thì với nhiều người Thụy Điển - mỗi lần có suy nghĩ ấy xuất hiện, họ lại nhớ đến một từ: Lagom. Nó không chỉ là một từ ngữ, đó là cả một nét văn hóa của đất nước này.
.
Tại văn phòng, mọi người làm việc chăm chỉ nhưng không để công việc lấn át những khía cạnh khác của cuộc sống. Mọi thứ chỉ vừa đủ. Hạnh phúc với người Thụy Điển là một sự cân bằng trong cuộc sống: Cân bằng giữa công việc và thời gian dành cho gia đình, cân bằng giữa tình cảm dành cho đối phương và cho bản thân. Khi chúng ta biết “đủ”, sự hài lòng với cuộc sống sẽ xuất hiện. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, người ta vẫn cứ đánh đố nhau, loay hoay với câu hỏi “đủ” là như nào? thì với người Thụy Điển, họ không cần cố chiêm nghiệm về “đủ”, làm khó bản thân với câu hỏi đầy trừu tượng. Người ta nhìn nhận Lagom đơn giản: Đủ là khi chúng ta không phải đắn đo xem cuối tuần có thời gian dành cho con không? rằng cần phải kiếm bao tiền nữa để sống thoải mái. Nhiều người cho rằng cuộc sống vốn dĩ đã có đủ thứ để tự cân bằng, tại sao ta phải vất vả chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng, khi hạnh phúc cuối cùng đâu có nằm trong món đồ mua thêm hay một chiếc xe hơi mới?
Trong một thế giới bận rộn, Lagom chính là biểu trưng cho một lối sống cân bằng và giản đơn khi chúng ta không còn FOMO - nỗi sợ rằng sẽ luôn thấy thiếu một điều gì đó.
Đã có quá nhiều câu chuyện viết về Hygge - một lối sống đã được truyền lại qua bao thế hệ của người dân Đan Mạch. Chỉ cần gõ từ “Hygge” trong Google, bạn sẽ thấy rất nhiều kết quả hiện ra về lối sống đặc biệt này.
“Hygge” không có từ đồng nghĩa trong tiếng Anh hoặc bất cứ ngôn ngữ nào, người ta nhìn nhận Hygge như những “hạnh phúc từ những điều nhỏ bé”. Nghe thì “nhỏ bé” nhưng Hygge như một suối nguồn nuôi dưỡng tinh thần người dân Đan Mạch trong mọi khía cạnh cuộc sống: Công việc, tình bạn, gia đình, các mối quan hệ…
Thế hệ trẻ Millennial cần Hygge như người ta cần một chiếc phanh để hãm lại chiếc xe đang lao dốc: Hygge là cảm giác, là trạng thái, là không gian không còn những điều phiền toái hay cảm xúc nặng nề. Là một cốc cà phê nhỏ trong buổi sáng tinh mơ, là một tối mùa đông lạnh lẽo thu mình trong chăn hay cái nắm tay nhẹ nhàng trong chiều thu rợp nắng. Hygge là những niềm vui nhỏ bé giữa cuộc đời mà nhiều người phát ốm vì những thứ lớn lao, to tát.
Hygge bắt nguồn từ những ngày giá lạnh ở Bắc Âu khi những ngày mùa đông ảm đạm đến nao lòng; ngoài trời tăm tối u ám, người ta chỉ muốn ngồi trong căn phòng ấm áp, với cốc socola nóng và bản nhạc hay. Có người nói Hygge là giá trị của gia đình khi coi ngôi nhà là trung tâm của những hạnh phúc. Chúng ta chỉ thấy cái cảm giác biết trân quý những điều nhỏ bé, bình dị ấy khi trở về nhà với gia đình. Mở cánh cửa nhà, ta thấy Hygge hiện hữu ra trước mắt: cả vô hình và hữu hình. Chiếc ghế thân yêu, cốc trà nho nhỏ, những người thân đang chờ cơm tối; đó không phải là những điều ta thường bỏ quên, nhỏ bé nhưng đầy kỳ vỹ sao?
Có nhiều người phải đi đến cuối đời mới nhận ra được “Hygge”: Rằng cuộc sống cứ mơ những điều to tát nhưng rồi cuối cùng nhận ra, hạnh phúc lại ẩn chứa trong từng giây phút bé nhỏ. Người Đan Mạch, may mắn thay khi được dạy những điều ấy từ nhỏ…
Thế giới đẩy nhiều người tới bờ vực tuyệt vọng và sau đó rất nhiều người đã đứng lên từ nơi hoang tàn nhất cuộc đời.
- Ernest Hemingway –
Ernest Hemingway từng nói đại loại vậy và nó tương đồng với triết lý sống của nhiều người dân Phần Lan. Sisu là một từ gần như không thể cắt nghĩa tuyệt đối sang một ngôn ngữ khác, nó được hiểu như một năng lượng mãnh liệt giúp con người ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Sâu trong triết lý sống của người Phần Lan, sisu như muốn nhấn mạnh rằng: Con người ta có nhiều sức mạnh và điều phi thường tiềm ẩn bên trong hơn mắt thường có thể thấy.
Ở đất nước nơi những tăm tối và giá lạnh bao trùm lên cuộc sống của người dân phần lớn trong năm, sisu như một cách để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, vượt lên trên những khắc nghiệt của thời tiết. Người Phần Lan đùa rằng “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không đủ tốt” - họ không coi bão tuyết hay khu rừng u tối như một trở ngại. Họ yêu thiên nhiên, coi thiên nhiên như một phần cuộc sống mình và bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, triết lý sisu vẫn giúp họ tìm đến niềm hạnh phúc giữa nghịch cảnh.
Người Phần Lan không ngại nhảy xuống bơi dưới sông lạnh giá, đạp xe trong một ngày u tối âm độ vì họ biết rằng mình sẽ vượt qua được tất cả. Cuộc sống bình yên, sự gần gũi với thiên nhiên hay lối sống đơn giản là điều khiến người dân Phần Lan hạnh phúc, và sisu chính là động lực giúp họ chạm tới những hạnh phúc ấy. Nếu không có một tuyên ngôn sống mạnh mẽ như vậy từ bao thế hệ, có lẽ người dân Phần Lan sẽ không bao giờ vượt qua được bóng tối suốt mùa đông dài.
Nhiều người nói rằng chỉ khi có nền kinh tế phát triển, xã hội coi người dân là trung tâm, cuộc sống hiện đại thì mới có được hạnh phúc - dẫu người dân có bao nhiêu triết lý sống đi nữa nhưng không có được cuộc sống vật chất đủ đầy thì cũng quên đi những thứ hão huyền. Nhưng những triết lý sống đó đã bắt rễ vào văn hóa các nước Bắc Âu từ rất lâu khi kinh tế Bắc Âu vẫn là một chấm nhỏ trên bản đồ. Không thể phủ nhận rằng điều kiện vật chất xã hội là yếu tố giúp hình thành nên cuộc sống hạnh phúc, nhưng yếu tố tinh thần - “inner peace” mới là điều kiện then chốt tạo nên hạnh phúc cho mỗi người.
Và nếu còn một triết lý hạnh phúc nào của Bắc Âu mà chúng ta nên ghi nhớ thì đó là câu chuyện của xứ sở “băng lửa” Iceland. Þetta reddast: mọi thứ rồi sẽ ổn thôi, cuối cùng thì cũng sẽ không sao cả. Người Iceland tin rằng cuộc sống luôn có cách vận động để cuối cùng, chúng ta có thể giải quyết được mọi vấn đề của mình.
Con đường tìm đến hạnh phúc không phải con đường dễ dàng, với bất cứ ai. Nếu Lagom, Hygge hay Sisu không đủ để bạn nhận ra một điều gì ý nghĩa trong cuộc sống, hãy nhớ Bắc Âu vẫn còn một “di sản” là Þetta reddast.
Mọi việc rồi sẽ ổn thôi!
Trí thức trẻ