MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ gọi Trung Quốc "trả lời": Hạ giá nhân dân tệ, ngừng mua nông sản, hai bên bước vào cuộc chiến toàn diện

05-08-2019 - 19:11 PM | Tài chính quốc tế

Bắc Kinh đang ngày càng cảm thấy khó có thể chốt được thỏa thuận với ông Trump, và lựa chọn tốt hơn là chờ đợi khả năng người của đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

Trước động thái đầy hiếu chiến của Tổng thống Trump khi áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu, Trung Quốc vừa có động thái trả đũa: cho phép nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tạm ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ.

Đòn trả đũa nhiều khả năng sẽ khiến Tổng thống Mỹ tức giận hơn nữa bởi ông đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh điều hành tỷ giá một cách không công bằng và cũng buộc tội Trung Quốc không thực hiện lời hứa tăng mua nông sản Mỹ. Lo lắng xung đột thương mại giữa hai cường quốc sẽ kéo dài và đè nặng lên khả năng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, cổ phiếu và tiền tệ của các thị trường mới nổi lao dốc mạnh trong khi các tài sản an toàn như yên Nhật, trái phiếu Mỹ và vàng tăng giá. Nhà đầu tư cũng tăng đặt cược vào khả năng Mỹ phải một lần nữa hạ lãi suất.

"Những gì đang xảy ra là một trong những kịch bản tệ nhất", Michael Every, người phụ trách nghiên cứu thị trường châu Á tại Rabobank nhận định. "Đầu tiên thị trường rơi vào trạng thái bán tháo, sau đó Tổng thống Trump "thức tỉnh" và câu chuyện càng tồi tệ hơn".

Cuối tuần trước, ông Trump tuyên bố từ ngày 1/9 sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tức là mọi hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị đánh thuế. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ leo thang dù 2 bên vừa đồng ý tái khởi động đàm phán chỉ 1 tháng trước.

Theo nguồn tin thân cận, các lãnh đạo Trung Quốc đã bị sốc bởi thông báo của ông Trump. Dòng tweet được tung ra đúng lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác đang họp kín tại khu nghỉ dưỡng ở Bắc Đới Hà. Trong vài tuần gần đây ông Tập đã đối mặt với nhiều áp lực đòi hỏi ông phải cứng rắn hơn trong đàm phán thương mại, đặc biệt là sau những gì Mỹ đã làm với Huawei.

Các bài xã luận đăng tải trên những cơ quan thông tấn nhà nước của Trung Quốc cho thấy ông Tập sẽ từ chối bất cứ thỏa thuận nào nếu Mỹ không dỡ bỏ thuế quan trừng phạt hoặc buộc đất nước của ông phải nhượng bộ trước các vấn đề như giảm bớt quyền lực của các doanh nghiệp nhà nước.

Bắc Kinh đang ngày càng cảm thấy khó có thể chốt được thỏa thuận với ông Trump, và lựa chọn tốt hơn là chờ đợi khả năng người của đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Việc Trung Quốc ngừng mua nông sản có thể gây thiệt hại cho những bang đang ủng hộ ông Trump.

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương hướng đến phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3, với các thị trường từ Tokyo đến Hồng Kông và Seoul đều giảm hơn 2%. Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ và có đồn đoán cho rằng các quỹ nhà nước sẽ hành động để cứu trợ thị trường.

Tính đến 2h42 chiều nay theo giờ Hồng Kông, nhân dân tệ giảm 1,3%, xuống còn 7,0324 nhân dân tệ đổi 1 USD sau khi NHTW Trung Quốc đặt tỷ giá tham chiếu yếu hơn cột mốc 6,9 lần đầu tiên kể từ tháng 12. Nhân dân tệ ở hải ngoại cũng giảm 1,9%, xuống mức thấp kỷ lục.

Theo Larry Hu, chuyên gia tại công ty chứng khoán Macquarie (Hồng Kông), nhân dân tệ mất mốc 7 là vì nhiều nguyên nhân: chiến tranh thương mại leo thang, kinh tế Trung Quốc giảm tốc và thái độ sẵn sàng chấp nhận đồng nội tệ biến động mạnh hơn của NHTW Trung Quốc.

PBOC cho biết động thái đối với đồng yên là để bảo vệ nền kinh tế và phản ứng lại với khả năng Mỹ áp thêm thuế, đồng thời khẳng định họ vẫn đang duy trì 1 đồng nội tệ ổn định.

Julian Avans-Pritchard của Capital Economics cho rằng bằng cách liên kết động thái phá giá hôm nay với mối đe dọa thuế quan, PBOC đã "vũ khí hóa đồng nhân dân tệ". Từ bỏ việc bảo vệ ngưỡng 7 đồng nghĩa PBOC đã từ bỏ hi vọng về 1 thỏa thuận thương mại.

Cho phép nhân dân tệ yếu đi không phải là không mang đến rủi ro cho Trung Quốc. Đợt phá giá mùa thu năm 2015 đã khiến dòng vốn ồ ạt tháo chạy và thị trường tài chính quốc tế rúng động. Động thái này cũng có thể khiến Tổng thống Trump bất mãn.

Hệ lụy lớn nhất từ chiến tranh thương mại là hoạt động kinh doanh và niềm tin của doanh nghiệp sụt giảm mạnh mà chủ yếu là do tương lai bất ổn hơn là do chính các loại thuế quan, theo Wang Tao, chuyên gia của ngân hàng UBS. Vì lý do này, đồng nhân dân tệ yếu hơn có thể sẽ không giúp ích được nhiều cho Trung Quốc trong việc giảm bớt các tác động của chiến tranh thương mại.

Nông sản nhập khẩu cũng là vũ khí được Trung Quốc đem ra sử dụng. Khi thông báo ngừng chiến tháng trước, ông Trump đã nói nhiều về việc Trung Quốc sẽ tăng mua nông sản từ "những người yêu nước vĩ đại" ở vùng Trung Tây, mặc dù từ cả 2 bên không hề có thông tin chi tiết nào về việc này. Sau đó một số  quan chức Trung Quốc cho biết Trung Quốc không hề hứa mua thêm nông sản trước khi hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng.

"Trung Quốc đã từ bỏ chiến lược ngoại giao mềm mỏng và không còn sẵn sàng làm cái bao cát để Tổng thống Trump tấn công nữa", Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế tại Maybank Kim Eng nhận định. "Thuế quan của ông Trump đang phản tác dụng và thổi bùng lên 1 cuộc chiến thương mại toàn diện".

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên